Tôi thường nói với mẹ tôi – một thợ sửa chữa quần áo lành nghề, luôn tận tâm tới từng đường kim mũi chỉ, rằng: “Mẹ ạ, con thấy thời trang như sóng biển dạt bờ, chúng chồng xóa lên nhau, đợt này nối tiếp đợt kia.. Giống nhau đấy mà chẳng phải là nhau”. Mỗi lần như thế, mẹ chỉ cười. Mẹ bảo, mẹ yêu những con sóng, nếu có thể tồn tại những con sóng thực sự trên trang phục thì hay.
Áo, váy bèo – một thời đã qua…(Ảnh: Weheartit)
Chẳng biết vì lời vu vơ của con gái hay thích “sóng” thật, mẹ tôi quyết định sắm máy bèo. Ấy là quãng thời gian chừng 7 năm về trước, giữa trưa hè oi ả tháng 5, gian nhà nhỏ của chúng tôi như chật hơn vì sự hiện diện của “bèo”. Chiếc máy nhỉnh hơn máy vắt sổ, màu ghi nhạt. Bố tôi hỏi “Máy gì đây em?” – “Máy bèo”. “Mẹ ơi để làm gì?” – tới lượt tôi tò mò – “Để bèo”. Từ đó tấm biển nền trắng chữ xanh “Nhận sửa chữa quần áo” treo trước cửa có thêm hai chữ “Quấn bèo” màu đỏ nổi bật phía dưới.
“Bèo” là thế nào? Đám bạn cùng lớp hỏi tôi, tôi mường tượng giọng điệu nhẹ nhàng nhưng cứng cỏi của mẹ, từ tốn giải thích: “Bèo là cách một chiếc máy khâu tạo cho gấu áo, gấu váy đường chỉ cuốn mềm mại, dập dềnh như sóng biển ấy”. Theo những gì được mẹ chỉ dẫn, tôi hiểu bèo được kết cấu từ 3 đường chỉ chạy trên 3 con dao nhỏ xếp trong máy, khi máy chạy, đường chỉ đan kết vào nhau cuốn lấy mép vải, tạo thành đường viền mềm mại nữ tính.
Bàn tay mẹ bên máy bèo ngày nào… Nếu kéo vải không khéo, đường bèo rất dễ cộm và xù
(Ảnh: Pica Trịnh)
Cách vận hành máy bèo khá giống máy vắt sổ, chỉ có điều đòi hỏi đôi tay phải khéo léo hơn. Tay phải giữ đầu vải, tay trái kéo nhè nhẹ thân vải ra trước. Nếu lỡ tay kéo mạnh hay kéo chậm là chỉ đứt, đường bèo cộm và xấu liền. Đơn giản nhưng đòi hỏi sự tinh tế, kiên trì như vậy nên sau ba ngày “học nghề”, chỉ có bố là bèo đạt, còn tôi thử nghiệm gần 5m vải, quấn đi quấn lại vẫn đứt chỉ, cộm chỉ.
Năm đó, bèo thành mốt. Chẳng hiểu Hà Nội hay Sài Gòn có “sốt” bèo không, chứ thị xã miền núi quê tôi thì bèo “lên hương” lắm. Nhà tôi lúc nào cũng chật người xếp hàng đợi được bèo. Bố mẹ thay phiên nhau cặm cụi bên máy, từ sớm cho tới tối muộn, biến tiếng khàn khàn thở ra từ mô tơ máy thành âm thanh quen thuộc trong nhà. Bèo chỉ có một kiểu duy nhất, nhưng kết quả đường chỉ cuộn trên từng loại vải lại khác nhau: Với vải thun và cotton đường chỉ dầy và khít, với vải lanh đường chỉ không thật đều, với vải voan thì chỉ thưa hơn vì chất liệu mỏng.
Đa phần khách bèo thích chỉ bèo đồng màu trang phục, vì thế sau tuần đầu mở hàng, mẹ sắm kệ chỉ lớn với năm tầng, đủ màu đủ loại. Suốt kỳ nghỉ hè 2 tháng, tôi gần như chỉ quanh quẩn trong nhà phụ mẹ tính tiền, 3.000VND một đường bèo 40cm. Ngày nào nhiều thì bèo trăm mét vải, ngày ít thì cũng quãng 60m, chủ yếu là gấu váy và cổ áo sơ mi cách tân.
Những cuộn chỉ sắc màu chờ tới lượt bèo mới (Ảnh: Pica Trịnh)
Bèo thịnh suốt từ đầu hè qua thu, đến khi đông sang mới vắng khách. Mùa lạnh, mẹ tôi giao hẳn máy bèo cho bố, mẹ quay về chuyên tâm sửa chữa quần áo bò. Cứ như vậy, vài ba năm sau đó, mùa nóng là mùa thịnh của bèo. Bàn tay mẹ, bàn tay bố đều đặn tạo trên lớp vải những đường sóng dập dềnh mềm mại… Có dịp về thăm nhà, tôi lại phụ cắt hoặc nối chỉ – công đoạn nhỏ, không tốn công nhưng cũng đòi hỏi sự nhẹ nhàng cẩn thận.
Thời gian trôi qua, trời xui khiến sao cho công việc của tôi cũng liên quan tới may mặc, dù rằng chẳng theo cách trực tiếp như bố mẹ tôi. Sóng bèo dập dềnh ngày nào nay đã dạt trôi về đây đâu đó, nhường chỗ cho những nét mới của thời trang. Bố mẹ tôi cũng đã chuyển qua nghề khác. Mẹ phủ lên máy bèo tấm ga đỏ viền bèo mềm mại, mẹ bảo: “Biết đâu một ngày… sóng lại về qua đây!”
Bài và ảnh: Pica Trịnh
Bạn đã biết: 7 món phụ kiện quý cô cần phải có?