Tuy vậy, chuyên đề “Cuộc dắt mũi cái Đẹp” lại có tham vọng đi trả lời câu hỏi: Làm thế nào để có tiêu chuẩn chính xác về vẻ đẹp của người phụ nữ?
Mỗi bài viết nhỏ trong chuyên đề này sẽ là một gợi ý cho câu trả lời dành tặng chị em nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, như một món quà tinh thần nho nhỏ.
Các bài viết trong chuyên đề:
– Phụ nữ muôn đời bị dắt mũi
– Đàn bà đẹp cốt để cho đàn ông ngắm?
– Đã là đàn bà thì đương nhiên phải đẹp
– Tại sao phụ nữ lại cứ phải đẹp?
– “Cô nào bị chê mà đã cuống lên thì không xứng đáng đẹp”
Tổ chức: Đinh Phương Linh
Khi viết bài này, để tránh chủ quan, tôi đã đi hỏi một lượt những anh bạn của mình, có trẻ, có hơi trẻ, và có cả không trẻ một câu hỏi chung: Theo (các) anh, phụ nữ đẹp là như thế nào?
Câu trả lời không nằm ngoài dự đoán: bao nhiêu anh thì có bấy nhiêu câu trả lời. Anh thì bảo chẳng có quan điểm thế nào là phụ nữ đẹp cả, phụ nữ với anh chỉ có hai kiểu: “ăn” được và không “ăn” được. Anh thì bảo phụ nữ đẹp với anh phải đạt đủ 10 chữ vàng: “Thơm trẻ trắng ngoan hiền, vui cao xinh dáng sạch”. Anh thì khăng khăng phụ nữ đẹp với anh ít nhất phải là mặt đẹp, ba vòng 90-60-90, thông minh, hài hước, tự tin (tôi cũng không chắc là người phụ nữ như thế có tồn tại trên đời).
Không chỉ có những người tôi hỏi, mà trên đời này, có bao nhiêu quốc gia, dân tộc thì có bấy nhiêu quan điểm về cái đẹp. Ví dụ người Ấn Độ thì cho rằng chân dài hay mặt xinh là thứ phù phiếm; ngực to, hông nở mới đích thực là người phụ nữ đẹp – cái đẹp mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực, hứa hẹn khả năng sinh sản và nuôi con tốt. Với người Nhật, phụ nữ lý tưởng phải có khuôn mặt tròn, trán rộng, mắt xếch, da trắng như tuyết, tóc đen như mun và đôi môi đỏ thắm như nàng Bạch Tuyết. Nếu đã từng đọc tiểu thuyết “Hồi ức của một geisha” (Memoirs of a Geisha), độc giả sẽ biết rằng để có làn da trắng, những cô gái sống trong các “khu phố hoa” phải bôi một loại phấn làm từ… phân chim lên mặt và cổ, và vì thế nên khi về già, những phần da này của họ nhăn nheo và có màu rất đáng sợ. Cái giá để trả cho việc khuôn mình theo các tiêu chuẩn của người khác chưa bao giờ là rẻ: nhẹ thì phải cắt mất gót chân như cô em cùng cha khác mẹ của nàng Lọ Lem trong cổ tích, nặng thì xuất hiện trên tít báo lá cải ở Việt Nam và thế giới mỗi ngày.
Mặc dù phụ nữ đã khổ sở để đẹp như vậy, nhưng Trang Tử đã nói, đại loại là Tây Thi có thể đẹp với chúng ta, nhưng với một con cóc đực thì mười nàng Tây Thi cũng chẳng thể đẹp bằng một con cóc cái. Vẻ đẹp của người phụ nữ trong mắt người đàn ông rất khác nhau, có thể người phụ nữ xinh đẹp mảnh mai trong mắt một chàng trai Ấn Độ thực ra là gầy gò, yếu ớt, và… không hứa hẹn tương lai tốt đẹp. Một phụ nữ tràn đầy sinh lực có thể là hạng thô kệch, cục mịch trong mắt một gã đến từ xứ Phù Tang. Vậy thì tại sao phụ nữ cứ phải cố gắng để đáp ứng các tiêu chuẩn về cái đẹp, trong khi những thứ này thay đổi theo thời gian, theo không gian, và theo từng anh chàng?
Ngoài ra, có một thực tế khác, mà tôi thấy người ta tranh luận khá sôi nổi trên các diễn đàn bên Tây, rằng: Tại sao đàn ông đối xử với phụ nữ đẹp lại… chẳng ra gì? Ở ngoài kia, một phụ nữ đẹp đến ngạt thở tất nhiên không thiếu người muốn quỳ xuống chân, cô sẽ có bất cứ chàng trai nào cô muốn, vào bất cứ lúc nào cô cần. Cô sống trong thế giới mà mọi thứ đều dễ dàng, cô được đối xử đặc biệt không chỉ trong nhà hàng, quán bar, mà ở mọi nơi cô tới. Mọi chàng trai đều muốn có cô, và các cô gái thì muốn mình được xinh đẹp như cô.
Tuy vậy, vẫn có những gã đàn ông trưởng thành, những gã đàn ông nằm trong câu hỏi ở trên kia – những người đối xử với các cô gái đẹp như bình thường, hoặc lờ họ đi. Tất nhiên những gã đó biết rằng các cô đẹp long lanh, đẹp ngạt thở, nhưng điều mấy gã thực sự muốn ở những phụ nữ đẹp là những hành động chứng minh bản thân, rằng ngoài khuôn mặt ưa nhìn và dáng hình đáng ngưỡng mộ, cô còn thông minh, tin cậy được; nếu các cô gan góc, dũng cảm, sâu sắc nữa thì càng tốt.
Một nghiên cứu khác thì cho rằng đàn ông có lẽ sẽ thấy bất an khi thấy một người phụ nữ quá đẹp, và họ hành động một cách gia trưởng hơn, thể hiện quyền lực và sự sở hữu nhiều hơn để khiến người phụ nữ như sống trong địa ngục, trong khi với một cô vợ nhan sắc bình thường, anh ta lại thấy tự tin và đối xử với cô tử tế hơn nhiều.
Một bất lợi khác với phụ nữ đẹp – cũng theo nghiên cứu – đó là khi cả đàn ông và phụ nữ nhìn vào một phụ nữ thành công rực rỡ mà lại cực kỳ xinh đẹp, họ sẽ ngay lập tức quy ra rằng tất cả mọi vinh quang của cô đều chỉ nhờ ngoại hình, chứ chẳng phải vì tài năng hay não “khủng”. Các cô gái đẹp thực ra tốn nhiều công sức hơn để được ghi nhận thành quả, và rõ ràng sức hấp dẫn lúc này lại là một bất lợi lớn.
Một nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng phụ nữ đẹp thực ra muốn được đàn ông đối xử giống như họ chỉ có nhan sắc tầm thường. Lý do thì nhiều vẻ, hoặc đây chính là một bằng chứng cho thấy rằng đàn ông đã quá quen thuộc với những cô gái đẹp, hoặc anh ta đủ chín chắn để không bộc lộ ra ngoài sự choáng ngợp của mình, hoặc anh ta ưa vẻ đẹp nội tâm hơn. Người đàn ông nào không cảm thấy cần phải gây ấn tượng với nàng tiên trước mặt, mà chỉ là-chính-mình thật là của hiếm và khiến các nàng muốn sở hữu.
Ngoài ra, theo nghiên cứu khác của một giáo sư ở tận bên Mỹ thì để trở thành phụ nữ đẹp cũng chẳng rẻ gì. Khoảng 1/3 thu nhập của những phụ nữ đẹp được dành để chăm chút cho ngoại hình.
Tất nhiên mỗi chúng ta đều muốn chăm sóc bản thân và muốn mình luôn ở tình trạng “ngon lành” nhất, nhưng ngay cả các tạp chí thời trang danh tiếng còn thấy cần phải dùng photoshop để chỉnh sửa ảnh cho những cô nàng người mẫu vốn đã long lanh, thì tại sao chúng ta lại cảm thấy áp lực để giống như họ?
Bài: Hoa Đường
>>> Có thể bạn quan tâm: Bởi vì đàn ông vẫn tiếp tục coi trọng nhan sắc phụ nữ hơn cái đầu của họ, tính cách của họ. Bởi vì các hãng thời trang, mỹ phẩm vẫn liên tục tung ra các clip quảng cáo cho thấy những cô gái đẹp quyến rũ được đàn ông.Và tất nhiên, chính bản thân phụ nữ sẽ tiếp tục thấy trách nhiệm của họ khi đã sinh ra trong thế giới là phải đẹp.