Hóng chuyện
– “Trò chơi trên điện thoại di động đang gây sốt toàn cầu Flappy Bird đang thu về cho tác giả của nó 50.000 đô la Mỹ mỗi ngày nhờ vào doanh thu quảng cáo, theo một nguồn tin từ Mỹ. Đây là sản phẩm của một lập trình viên trẻ tuổi ở Hà Nội, Nguyễn Hà Đông, hiện đang chiếm vị trí số một trên cả App Store của hệ điều hành iOS và Google Play của hệ điều hành Android…” (Xem bài: Flappy Bird đem về cho tác giả 50.000 đô la mỗi ngày)
– “Những ngày gần đây, hầu như tất cả những gì người ta nói đều là về Nguyễn Hà Đông – Lập trình game, cha đẻ của trò chơi đang hot nhất trên smartphone khắp thế giới: Flappy Bird. Trái ngược với thành công vang dội của Flappy Bird, Hà Đông lại khá kín tiếng về bản thân mình. Anh hầu như không để lộ một hình ảnh nào về bản thân, hiếm khi trả lời phỏng vấn và cũng chưa ra mặt chính thức một lần nào. Có vẻ như, Hà Đông đang muốn giữ chặt nhịp sống thường ngày của mình, cho dù đã có rất nhiều điều đặc biệt xảy ra với anh chàng này…” (Xem bài: “Cha đẻ của Flappy Bird là một chàng trai ít nói, sống khép kín và có phần lạnh lùng”)
Chém gió
Tình hình là chưa bao giờ tớ nghiện game, biết mỗi hai trò “Angry Birds” và “chém chuối”; thế mà cũng bị rúng động khi đọc tin về thành công của “Flappy Bird” nhà ta đấy. Lúc hay tin ngay hôm mồng Một, mồng Hai Tết, thôi thì quên hết cả bánh chưng, nem rán, cắm mặt vào cái điện thoại để chơi “Con chim vỗ cánh”.
Hehe, cậu cũng nhạy bén với cái mới nhể. Thế đã thiệt hại cái smart phone nào khi chơi trò này chửa?
Đấy đấy, cũng suýt ném điện thoại vào tường, hehe. Đúng là trò chơi này siêu đơn giản, chả cần hướng dẫn mà thành ra… quái đản. Ấy thế mà nó lại đánh trúng vào tâm lý bọn mình. Mấy đứa cháu nhà tớ cũng cứ “game over”, thất bại xoành xạch, thế mà xểnh ra là lại cắm mặt vào cái điện thoại để chinh phục lỗ hổng đường ống cho bớt… điên.
Aha, có mà thêm điên, thêm ức chế í. Ai đời đã chơi game thì là để xả xì trét, thư giãn, vui vẻ, thì đây “Flappy Bird” khiến dân chơi phát rồ lên í. Đúng là có bao nhiêu quy luật phổ biến về game thì trò này cứ thế mà… đi ngược lại. Đồ họa thì quá ư đơn giản, sơ sài. Các cấp độ khó cũng chả cần lớp trước, lớp sau, từ đầu đến cuối chỉ cần một thao tác chạm trên màn hình cảm ứng. Tác giả của nó cũng đã chẳng giấu giếm game này được hoàn thành chỉ trong… 3 ngày!
Ối giời ơi, có 3 ngày lao động thôi mà giờ ngồi một chỗ thu trung bình mỗi ngày 1 tỷ à? Tức là một ngày giờ anh bạn ấy mua được một cái ô tô, độ vài ba tháng thì mua được cả bộ sưu tập xe của Cường Đô la nhể. Hic, chết mất…
Thèm rồi hở? Haha. Cơ mà nghĩ như cậu thì đơn giản quá. Anh chàng 30 tuổi Nguyễn Hà Đông, nhà ở phố… Hà Nội đó có được thành công như ngày hôm nay là nhờ cả quá trình dài tích luỹ chứ riêng gì 3 ngày lập trình để hoàn thiện sản phẩm. Hơn thế, qua sản phẩm và cách bộc lộ bản thân, cậu ấy còn cho thấy cả một triết lý riêng về đam mê, công việc và cuộc sống ấy chứ.
Tớ có đọc tin và cũng hiểu điều này. Cứ như nhiều người thì thông tin cá nhân của cậu này đã xuất hiện hoành tráng trên truyền thông rồi ấy nhỉ. Rồi nhân thành công bất ngờ này, các “gamers” sẽ thấy cậu ấy phát ngôn, tuyên bố đủ cả trên báo chí Tây – Ta. Vậy mà các báo còn không moi nổi vài tấm hình rõ ràng, tử tế của cậu ấy. Đến như bài báo tìm đến nhà cậu ấy thì cũng mới chụp được ảnh… cổng nhà và hỏi được vài thông tin từ… hàng xóm. Theo tớ ấy à, chị em là sẽ rất kết các anh chàng không mắc hội chứng ngồi lê chém gió mà biết tập trung, điềm đạm, làm nhiều hơn nói, như kiểu anh chàng Hà Đông này đã thể hiện.
Ờ, tớ cũng đang “bồ kết” đây. Thú thật là tớ đầu hàng với cái trò “Chim vỗ cánh” ấy rồi. Tại vì tớ thấy cũng là giết thời gian, có chơi thế chứ chơi nữa cũng chẳng được gì hơn. Tớ có thiện cảm với “anh chủ”, hehe. Có phải một game đâu, mà anh ấy còn hai game khác, cũng với lối chơi đơn giản như thế đang có trong top 10 các kho ứng dụng.Đã thế, anh ấy đã bảo, nếu có “đại gia” muốn mua lại studio kèm sản phẩm đang phát triển của mình thì dù với giá nào cũng không bán, bởi “những gì game mang lại đủ cho anh theo đuổi những mục tiêu mới”. Ừ thì khối người sẽ buột miệng bảo rằng: Gớm, anh í nói thế chứ, cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền! Rồi thì bán con này, ta bày con khác, lo gì! Nhưng tớ thì cứ tin anh ấy trước, rồi có bán hay không thì cũng không quan trọng bằng anh ấy tiếp tục hành trình sáng tạo của mình như thế nào. Dù gì thành công từ việc anh ấy đã làm đã mang đến những giá trị khác không chỉ tính bằng tiền rồi
Ờ, tớ đồng quan điểm. Gì chứ dân start-up nói chung và khởi nghiệp công nghệ nói riêng của xứ mình chưa bao giờ được huých một cú mạnh như thế này. Đảm bảo tinh thần của các bạn trẻ nhà mình bây giờ là đang hừng hực. Những thành công của các ứng dụng di động khác, dù chưa được bằng “Flappy Bird” cũng bắt đầu được báo chí phương Tây lục lọi, công bố. Đấy, gì chứ, muốn ra thi thố với bên ngoài thì cứ phải bằng sản phẩm cụ thể chứ không thể cứ mãi chém gió ở xó trà chanh, nhỉ?
Rồi cậu xem, lại có lũ lượt các mô hình, kiểu game bắt chước cách làm, cách chơi các game của anh bạn Hà Đông cho xem. Không có con đường riêng, không có sự đột phá thì tớ thiển nghĩ, có nằm mơ cũng khó có cơ… lên top. Mà thẳng thắn nhìn nhận về “Flappy Bird” ấy, bên cạnh hiếu tố may mắn, đánh trúng tâm lý đám đông, đi ngược xu hướng… thì cũng không phải hoàn toàn hữu xạ tự nhiên hương. Nghe nói nhờ có anh “super hot vlogger” PewDiePie có tới hơn 22 triệu người theo dõi trên Youtube đã “chơi thử” game này khiến cho nó bất ngờ được chú ý và lan truyền. Rồi nữa, nhà game “khủng” Nintendo đang tỏ ý “phàn nàn” về phần đồ họa của “Chim vỗ cánh” có phần giống một vài sản phẩm từ xa lắc lơ của hãng này… Đấy, thế giới quả là rộng lớn và còn nhiều việc để Nguyễn Hà Đông và các bạn start-up khác làm mà!
Khà khà, chơi game vào rồi có cảm hứng hay sao mà cậu nói hay quớ nhỉ. Rồi, để tớ chờ xem. Lâu nay dân mình kể mãi “sự tích bánh chưng bánh dày”, chuyện Lang Liêu dâng sản vật lên vua rồi; nay đã sang thời của công nghệ, sáng tạo và chia sẻ thì sẽ có thêm những “sự tích” nào tiếp nối.
THÍCH BẤM LIKE