Công nghệ đưa điện ảnh đi tới đâu? - Tạp chí Đẹp

Công nghệ đưa điện ảnh đi tới đâu?

Review

Công nghệ điện ảnh Hàn Quốc 

Những cảm giác bất ngờ hay choáng ngợp cũng đến với tôi khi thưởng thức công nghệ 4DX với “The Hunger Games: Catching Fire” hay Screen X với những đoạn phim quảng cáo, phim ngắn được quay theo công nghệ mới này hay phim dài được chuyển đổi sang công nghệ màn hình chiếu 270 độ vừa mới ra đời ở Hàn Quốc chưa lâu… Hai ngày ở Seoul, khi nhiệt độ ngoài trời xuống âm, chúng tôi vẫn ấm sực người vì hầu như chỉ di chuyển từ cụm rạp này sang cụm rạp khác để thưởng thức các loại hình cinema đặc biệt nhưng đang trở nên phổ biến ở xứ sở kim chi trong vài năm qua. Những suất xem phim đó khiến tôi tin vào câu slogan của CGV được họ coi như nền tảng phát triển của mình “beyond cinema” (hơn cả trải nghiệm xem phim) và sau khi thưởng thức một loại hình cinema mới, tôi lại tự hỏi, không biết công nghệ còn đưa điện ảnh đi xa tới đâu?

Những kỷ lục doanh thu đến từ đâu?

Tôi hay theo dõi “boxoffice” (bảng xếp hạng doanh thu) hàng tuần để xem nền điện ảnh nội địa nước nào mạnh nhất, tất nhiên không tính Hollywood và khu vực Bắc Mỹ. Một trong vài nền điện ảnh luôn khiến tôi bất ngờ là Hàn Quốc. Đất nước chỉ có 50 triệu dân nhưng luôn đứng trong top 10 nền điện ảnh phát triển nhất và có số lượng người xem đến rạp cao nhất thế giới. Trong hơn 10 năm qua, rất nhiều bộ phim Hàn Quốc thay nhau phá kỷ lục doanh thu, kỷ lục lượng người xem ở nước họ. Thử làm một so sánh nhỏ, doanh thu cao nhất của một bộ phim tại hệ thống cinema Việt Nam chỉ vượt qua con số 3 triệu USD và chưa tới 1 triệu lượt người xem thì tại Hàn Quốc, rất nhiều bộ phim vượt con số doanh thu 80 triệu USD và thu tới 12, 13 triệu lượt người xem đến rạp. Đến Seoul rồi mới thấy, tại sao khán giả nước họ mê đến rạp thế, ngoài việc họ có một nền điện ảnh nội địa quá mạnh!

Công nghệ điện ảnh Hàn Quốc

Không chỉ phủ sóng với hệ thống rạp chiếu dày đặc, (riêng CGV – hệ thống cinema lớn nhất Hàn Quốc đã có hơn 100 cụm rạp chiếu với hơn 1000 phòng chiếu) và biến cinema trở thành những tổ hợp giải trí sang trọng, thuận tiện, tập đoàn này còn tham vọng định nghĩa lại trải nghiệm xem phim bằng cách luôn cập nhật và thậm chí đi đầu về công nghệ. Những loại hình cinema mới mẻ liên tục được bổ sung vào hệ thống rạp chiếu của họ.

Sau 3D là 4DX với những trải nghiệm cảm giác như thật bằng cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ và các hiệu ứng đặc biệt như nước, gió, ghế rung hay mùi hương. Khi ngồi xem “The Hunger Games: Catching Fire”, tôi đã không ít lần giật bắn người vì tiếng những mũi tên xé gió bên tai của nữ nhân vật Katniss Everdeen, những tia nước bắn thẳng vào mặt khi cô ngã xuống hồ nước hay chiếc ghế rung lắc bần bật khi cô ngã lăn từ trên dốc xuống…

Trải nghiệm Screen X lại mang đến cho tôi những cảm giác khác, mà cảm giác đầu tiên là… mất phương hướng nhìn, vì không biết phải nhìn ở đâu khi những hình ảnh tràn từ màn hình chính chạy qua hai bên tường của rạp chiếu phim, thậm chí từ màn hình trần dội xuống. Cảm giác “mất phương hướng nhìn” này cũng từng đến với tôi khi xem một vở của Cirque de Soleil trong nhà hát ở Macao. Tất nhiên, đó là một vở kịch xiếc trong một nhà hát rộng lớn, còn đây đơn giản chỉ là một rạp chiếu phim!

Công nghệ điện ảnh Hàn Quốc

Screen X có lẽ là bước đột phá mang tính bước ngoặt của Hàn Quốc, cũng như Canada đóng dấu bản quyền của IMAX trước đây vậy. Mới xuất hiện chưa đầy một năm và vẫn đang thử nghiệm, Screen X khiến không chỉ khán giả Hàn háo hức mà ngay cả những nhà làm phim tên tuổi thế giới hay báo chí quốc tế cũng phải thán phục. Đạo diễn Hollywood nổi tiếng Robert Zemeckis, một trong những tên tuổi luôn đi đầu về công nghệ, tác giả của những bộ phim đột phá như “Back to Future”, “Forrest Gump” hay “Polar Express”… cũng không khỏi cảm thán về Screen X: “Nó quá tuyệt. Rất thông minh và rất thú vị. Tôi phải ghi nhớ nó”.

Ngôi sao cơ bắp của “Terminator” – Arnold Schwarzenegger thì chia sẻ: “Nó hoàn toàn khác biệt với màn hình kiểu IMAX.” Tờ Independent nhận định: “một đối thủ về công nghệ đã nổi lên có thể thay đổi tất cả. Screen X mang đến cho người xem một màn hình rộng 270, kéo họ nhập cuộc vào không gian đó và đặc biệt không cần phải đeo kính 3D”. Trong khi đó tờ Wall Street Journal nhận xét: “Một công ty của Hàn Quốc có thể làm một bộ phim hiểu theo nghĩa đen nhảy ra khỏi màn hình chính và sau đó tràn vào hai bức tường của rạp chiếu”.

Tất nhiên CGV không chỉ có IMAX, 4DX hay Screen X, họ còn sở hữu Starium, rạp chiếu phim lớn nhất thế giới được đặt tại trung tâm Times Square Mall ở Seoul với màn hình khổng lồ, chiều rộng 31,4m, chiều cao 13m và hệ thống âm thanh cực đại với 50 loa. Họ còn có các loại hình rạp chiếu đặc biệt như Cine de Chef, vừa xem phim vừa thưởng thức món ăn Pháp & Ý; có rạp chiếu “Gold Class” mô phỏng hệ thống ghế ngồi hạng nhất trên máy bay, phục vụ cả rượu vang, bia và cà phê cho khán giả (tất nhiên là chỉ một bộ phận khán giả nhỏ có nhiều tiền để thưởng thức) hay ghế đôi “Sweetbox” màu đỏ đặt ở hàng ghế cuối trong rạp cho các đôi tình nhân…

Công nghệ điện ảnh Hàn Quốc

Vậy thì những kỷ lục doanh thu đến từ đâu? Câu trả lời đã có: với những loại hình cinema đột phá, tân tiến về công nghệ lẫn hệ thống dịch vụ cùng với những bộ phim tuyệt vời, họ biến rạp chiếu phim thành điểm đến hấp dẫn nhất để giải trí.

CGV đến Việt Nam: có lập kỷ lục khán giả?

Trước đây tôi đã từng băn khoăn khi nghe tin một tập đoàn giải trí của Hàn Quốc đã “thôn tín” Megastar Việt Nam khi mua lại phần lớn cổ phần của tập đoàn chiếu phim lớn nhất Việt Nam vào năm 2011. Liệu họ có “Hàn Quốc hóa” rạp chiếu phim? Rất khán giả Việt lo ngại sẽ bị “cưỡng bức” xem phim Hàn. Nhưng điều đó đã không xảy ra trong suốt 2 năm qua, hoặc ít nhất, những bộ phim Hàn được chọn lọc giới thiệu tại Việt Nam đa số đều được khán giả ưa thích và chưa phim nào gây thất vọng.

Chuyến đi trải nghiệm hệ thống rạp chiếu của CGV ở Seoul khiến tôi tin tưởng việc tập đoàn này mua lại Megastar và đổi tên thành CGV bắt đầu từ tháng 1. 2014 chắc chắn sẽ làm cho hệ thống rạp chiếu ở Việt Nam ngày càng phát triển và thu hút thêm nhiều khán giả đến rạp hơn. Với mô hình thành công sẵn có, CGV đã từng thành công khi “xuất ngoại” ra nước ngoài và thành công ở nhiều nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Và Việt Nam, với tiềm năng khán giả rất lớn và chưa được khai thác hết, CGV tham vọng sẽ đạt được những thành công vượt bậc như ở Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai gần.

Công nghệ điện ảnh Hàn Quốc

Trong buổi gặp gỡ lãnh đạo CGV để nghe thuyết trình về tập đoàn CJ và hệ thống rạp chiếu CGV, họ cũng cho báo chí biết, không chỉ đầu tư phát triển hệ thống cụm rạp, họ còn đầu tư kinh phí sản xuất phim Việt, mà thử nghiệm đầu tiên là bộ phim “Để Hội tính” của đạo diễn Charlie Nguyễn sắp khởi quay trong năm 2014. Hai loại hình cinema từng thành công tại Hàn Quốc là 4DX và Sweetbox cũng được đầu tư và đưa vào sử dụng ở một số cụm rạp tại Việt Nam trong năm nay. Tôi chỉ còn ngồi chờ những kỷ lục mới về khán giả được xác lập tại Việt Nam!

CJ là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc với hơn 60 năm hoạt động trong các lĩnh vực truyền thông, giải trí, dịch vụ ăn uống và các ngành công nghiệp khác. Khi mới thành lập CJ Cheil Jedang là một phần của Tập đoàn Samsung. Trong những năm 1990, CJ bắt đầu tách ra khỏi Samsung và hoạt động độc lập…

CGV là tên viết tắt của 3 từ: Cultural (Văn hóa), Great (Vĩ đại) và Vital (Thiết yếu).

Năm 2012, chuyên mục du lịch của kênh truyền hình CNN (CNN Travel) bình chọn CGV Gangbyeon 4DX là một trong những cụm rạp chiếu phim tốt nhất trên thế giới.

 

Bài: Lâm Lê

logo 

>>> Có thể bạn quan tâm: Rất nhiều người Việt sai lầm kể từ lúc bật máy tính: Internet không phải là báo mạng và Facebook. Đó chỉ là nơi để tạo ra và phô trương những cái hộp sọ rỗng.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

24/01/2014, 18:25