Bởi thế, không có gì lạ khi những người “bình thường” có rất nhiều nhu cầu.
Những ngày nắng đẹp mùa đông này, đi qua đoạn phố trước khách sạn Métropole Hà Nội, ta thấy dặt dìu những đôi trẻ mặc trang phục đám cưới chụp ảnh. Họ cắn răng chịu rét để tươi cười cho nhiếp ảnh gia thu lấy những hình ảnh đẹp, họ tạo những dáng vẻ sao cho thật độc đáo, cố sao không để trùng lặp với một cặp đôi nào khác. Không khí hạnh phúc làm sáng bừng lên một khoảng thành phố đang buồn bã lạnh đìu hiu.
Điều đáng quan tâm là tại sao một địa điểm không gắn liền với một truyền thống nào liên quan đến hạnh phúc lứa đôi, hứa hẹn vô hình rằng đến đây thì đôi lứa sẽ được may mắn trong chặng đường hôn nhân trước mặt, lại được nhiều người chọn để gửi gắm hy vọng đến như vậy.
Là bởi nơi này đã trở thành một huyền thoại: nó không chỉ còn là chính bản thân nó, mà tâm lý cộng đồng đã cấp cho nó thêm một nét nghĩa, biến nó trở thành ngôi đền thiêng của kỳ vọng hạnh phúc. Bản thân địa điểm cũng hỗ trợ thuận lợi cho cách nghĩ ấy: những cặp vợ chồng trẻ trong trang phục cưới châu Âu nghĩ rằng không nơi nào thích hợp hơn cái chốn đậm nét châu Âu nhất của thành phố Hà Nội.
Dạng nhu cầu này rất đặc thù cho đời sống con người. Hình như con người có phát triển đến đâu, có văn minh thêm bao nhiêu lần đi nữa, thì mọi sự vẫn không thể nào được nhìn nhận đơn giản như chính nó. Mọi sự vật không được quyền tồn tại một cách giản đơn. Con người cũng vậy: lý lịch gia đình dần không còn là một yếu tố quan trọng trong việc nhìn nhận và đánh giá từng cá nhân nữa mà đã có những thứ khác thay thế. Một con người không phải là một con người đơn lẻ, mà đính lên con người ấy là phục trang, phụ kiện, là quá khứ học hành ở Harvard, Oxford, là người đàn bà hay người đàn ông luôn luôn đi cùng hoặc đứng sau người đó.
Đem theo khư khư bên mình cách nhìn cuộc đời nhuộm đẫm sắc màu huyền thoại ấy, con người cư xử theo những cơ chế tuân phục huyền thoại. Cứ có chuyện gì rầm rĩ xảy ra mà xem, một nhân vật này một nhân vật kia trở thành đối tượng lên án rộng rãi, tức thì một huyền thoại nhảy xổ ra án ngữ phần lớn phát ngôn tập thể, huyền thoại ấy thường là “quá khứ”. Ta thường nghe thấy những câu kiểu như ngày xưa thì thế này, ngày xưa thì thế kia, sao bây giờ lại ra nông nỗi ấy. Bất kỳ ai trong những giây phút trung thực hiếm hoi với bản thân mình cũng đều cảm thấy ấm ức vì hồi bé hay bị ông bà bố mẹ mắng mỏ nặng nề, bảo rằng bây giờ chúng mày sướng thế, có khổ như xưa phải cuốc bộ mười cây số đồi núi đi học vào sáng sớm đâu mà học hành vẫn kém cỏi thế… Nhưng khi đến lượt mình phải hành xử, thường xuyên họ lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn huyền thoại: ngày xưa mới abc, bây giờ thì xyz. Và chuyện hẳn sẽ còn như vậy mãi cho đến khi hết thời gian. Bởi con người cá nhân thì bơ vơ lắm, lúc nào cũng cần chỗ dựa là những thứ có công lực thâm hậu đã được thời gian bồi đắp.
Vậy nên một khi thông tin trở thành món đồ chơi trong bàn tay bất kỳ ai, ta được chứng kiến những màn phẫn nộ tập thể đầy gay cấn (rất dễ dẫn đến những kết quả bi thảm ví dụ như unfriend nhau trên facebook). Tuần này ta phẫn nộ vì điều này, tuần sau ta phẫn nộ vì điều kia, tuần sau nữa ta lại phẫn nộ thêm với một điều kia nữa. Đến lần phẫn nộ thứ n thì ta cũng đã thanh thản thoát được khỏi cơn phẫn nộ lần thứ n-3. Những cơn phẫn nộ ấy dựa trên một huyền thoại hư ảo về con người công bằng và xã hội công chính. Bởi hiện thực có vẻ không được như vậy cho nên con người ta cần tự xây dựng một hay một vài lý tưởng nào đó để có chỗ mà bấu víu, chúng là những huyền thoại. Con người đơn lẻ thì yếu ớt lắm, nhiều khi cũng chẳng muốn tỏ lòng phẫn nộ đâu nhưng bạn bè người quen ai cũng phẫn nộ bừng bừng, chẳng nhẽ mình lại không.
Trong khi đó, những ngày nắng đẹp, các cặp nam thanh nữ tú vẫn đến trước khách sạn Métropole để chụp ảnh. Huyền thoại có một cơ chế rất đặc biệt, nó giúp người ta lờ đi sự thật rằng nhiều đôi từng chụp ảnh ở đây, sau này có cuộc sống vợ chồng chẳng ra gì. Cũng chẳng sao, vì chúng ta cần huyền thoại, và cần một bộ ảnh cưới thật đẹp.
Bài: Nhị Linh
>>> Lỗ Tấn nói: “Cái bánh bao ngày xưa bao giờ cũng to hơn cái bánh bao bây giờ” – để mô tả cái tâm lý luôn hoài tiếc quá khứ của mỗi người. Nhưng thật ra, ông Lỗ Tấn hiểu hơn ai hết rằng cái bánh bao ngày xưa dù có to, nó cũng chứa đầy bất cập của ngày xưa, ví dụ như chính ông viết rằng cái bánh bao ấy được đem để chấm máu người chết, làm thuốc chữa bệnh. Cuối cùng thì nên nhìn về ngày xưa với thái độ nào thì thỏa đáng?