Trong thế giới công nghệ, hashtag là một từ (hoặc một chuỗi các kí tự liên tiếp nhau) được đặt sau dấu #. Người ta còn gọi hashtag là hash symbol và đây là một dạng metadata (dữ liệu dùng để mô tả cho một dữ liệu khác – data about data). Hiện chúng ta có thể thấy hashtag xuất hiện rất nhiều trên các mạng xã hội như Twitter, Instagram, Google+, Tumblr… Café Hashtag trên Đẹp Online là nơi cùng bạn nhâm nhi ly café sáng, “hóng chuyện” và “chém gió” với café “2 trong 1” Nâu Nóng và Đen Đá (mà không…. mất tiền), và được làm quen với một khách mời, bàn về chủ đề bạn có thể sẽ…bấm like.
Khách mời của Đẹp Online tuần này là nhà văn, dịch giả Nguyễn Quí Đức, một người từng sống ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Indonesia, Hong Kong, Maroc… nhưng ông muốn sống trọn ở Hà Nội, vì “ở đây có mùa, có cuộc sống, có sự thu kín, chịu đựng và vẻ tự trọng thật hay của người Hà Nội”.
Chân dung nhà văn Nguyễn Quí Đức (ảnh: Julie Vola)
“Chỉ nên giữ lại những phong tục không cản trở sự phát triển”
: Chủ đề của cuộc nói chuyện hôm nay là: nên gộp Tết Tây và Tết Ta lại với nhau hay không? Và đây là cái cớ để bàn tới chuyện chúng ta có sẵn sàng thích nghi, đổi mới để phát triển hay không.
Tôi có chung quan điểm với chuyên gia Phạm Chi Lan trong bài phỏng vấn mới đây của bà: nên gộp hai ngày Tết lại, trước hết vì lý do kinh tế. Những ngày Tết kéo dài là một sự lãng phí, gây ảnh hưởng ghê gớm đối với một nước nghèo, năng suất lao động thấp như Việt Nam.
Thực ra, nói chuyện nghỉ Tết, nhưng sâu hơn, chúng ta sẽ nói về tâm lý ăn chơi, chờ nghỉ và làm việc uể oải sau kỳ nghỉ của người Việt Nam. Tâm lý, thái độ này kéo dài lê thê từ cuối tháng 12 tới tận tháng 3, tháng 4 năm sau.
: Tôi nghĩ thái độ chờ nghỉ, làm việc uể oải sau kỳ nghỉ là vấn đề ý thức lao động, không liên quan tới chuyện ngày nghỉ. Cá nhân tôi vẫn làm việc nghiêm túc tới tận ngày nghỉ Tết, và quay lại guồng ngay sau kỳ nghỉ. Xung quanh tôi cũng không ít người như vậy.
Nhà văn Nguyễn Quí Đức: Tôi chưa hiểu kết hợp Tết Tây và Tết Ta thì có ích lợi như thế nào. Thử tưởng tượng nền kinh tế bị ảnh hưởng thế nào nếu tàu hỏa, máy bay không có ai đi, các cửa hàng bán quà Tết, bán bánh kẹo, rượu bia, hoa quả… không có ai mua? Tôi cũng thấy gần đây, vì lý do kinh tế, mọi người căng thẳng và không vui chơi lâu như thế.
Có nhiều người Việt Nam ở quê lên thành thị làm việc, họ cần có thời gian để về thăm gia đình, cần có thời gian ý nghĩa cho việc sum họp. Về dịp Tết Tây chưa chắc đã ý nghĩa với những gia đình ở thôn quê. So với 11 tháng làm việc, những người lao động có 3 tuần để về thăm nhà, như thế là quá ít.
: Tôi lại nhìn ở một góc khác. Tôi thấy nhiều người mệt mỏi vì mua sắm, đi chúc Tết mọi người, chuẩn bị đồ ăn thức uống, … Tôi cũng nghe thấy nhiều người kêu chán Tết nhưng vì truyền thống nên vẫn phải theo.
Gộp hai ngày Tết lại, không phải là không đón Tết theo truyền thống, mà theo tôi, hãy chỉ nên giữ lại những phong tục không cản trở sự phát triển. Tôi thấy tồn tại hai cái Tết là một sự lãng phí. Người ta bắn pháo hoa mừng ngày 1.1, sau đó lại bắn pháo hoa trong đêm giao thừa – pháo hoa là cách tôi nói về những thủ tục rườm rà.
Về mặt xã hội, tôi nghĩ rằng các mối quan hệ không cần phải chờ tới ngày Tết để được làm ấm nóng lại. Nếu người ta thực sự yêu quý nhau thì vẫn tới thăm nhau được, không câu nệ là ngày nào.
: Nhưng chỉ có dịp Tết Ta, người ta mới có nhiều thời gian để dành cho bố mẹ, gặp gỡ họ hàng, gặp những người bạn ở cách xa mình. Nếu ngày nào cũng phải làm việc thì việc đi thăm những người ở xa là không tưởng.
Mặt khác, tôi thấy nhiều tiến sĩ đề xuất chuyện bỏ Tết Ta, vì họ cho rằng nên thay đổi để phù hợp với lịch làm việc của phương Tây. Nhưng tôi nghĩ không thuyết phục lắm. Người phương Tây có khi nghỉ tới tận tháng 2, và tôi từng chờ đợi ròng rã để được ký hợp đồng. Nếu nói về sự tốn kém, thì Giáng sinh của người phương Tây cũng tốn kém không thua gì mình, họ cũng phải mua cây thông, tặng quà, cũng phải trang trí, tổ chức lễ hội…
: Theo tôi biết thì người phương Tây được nghỉ dài hay ngắn là do thâm niên lao động. Và thực ra, theo tôi nghĩ, chúng ta cứ thấy cái gì hợp lý thì làm, không cần phải nhìn ngó xung quanh để so sánh. Nhiều người nói những người Trung Quốc còn nghỉ nhiều hơn mình mà vẫn phát triển kinh tế, theo tôi là so sánh không hợp lý.
Nhà văn Nguyễn Quí Đức: Người phương Tây chú trọng vào mức sản xuất, họ đi làm, ít có dịp nghỉ. Nếu có thâm niên, tức là họ đã đóng góp được nhiều cho công ty, cho cơ quan, thì mới được nghỉ nhiều. Do đó, người ta khó gần gũi với gia đình. Tôi ở nước ngoài lâu năm, tôi thấy con người trở thành máy móc phục vụ cho nhu cầu người khác, cho những nhu cầu phù phiếm. Về Việt Nam, tôi thấy mọi người làm việc ít hơn, nhưng có tinh thần cộng đồng, có bạn bè, có tình thương.
Nhà văn Nguyễn Quí Đức (ảnh: Justin Mott/Mott Visuals)
Tôi thường thấy, người phương Tây thường gặp nhau vào các mùa lễ, và họ chỉ vui được trong ngày đầu, qua ngày thứ hai đã có xích mích. Ở Việt Nam có ngày giỗ, ngày tảo mộ, ngày lễ, và có phép tắc gia đình để gặp nhau. Chúng ta sinh sống gần nhau hơn, và giải quyết các vấn đề gia đình thường xuyên hơn, thay vì dồn lại vào một, hai dịp lễ lớn.
Theo tôi, vẫn nên giữ lại ngày Tết Nguyên Đán, việc cần làm là giáo dục để người ta giảm bớt những căng thẳng, chi tiêu phung phí cho hai kỳ nghỉ cuối năm, và tránh ảnh hưởng quá nhiều đến công việc. Tôi cho rằng cần có những lễ lạt để gìn giữ phong tục tập quán. Cá nhân tôi không quá câu nệ hình thức đón Xuân, không phung phí tiền nong, không coi dịp Tết là lúc để nịnh bợ cấp trên, hàng xóm, gây ấn tượng với bạn bè… Bỏ Tết Nguyên Đán vì lý do kinh tế là một quan điểm theo tôi là khá thiển cận.
: Lý do kinh tế là một cách nói ngắn gọn, thưa ông, ý muốn diễn đạt là: chỉ nên giữ lại những truyền thống, phong tục có lợi cho sự phát triển. Tôi cũng không nghĩ rằng gộp hai ngày Tết lại sẽ giải quyết được gốc rễ vấn đề, nhưng theo tôi, đây là một biện pháp hành chính để người ta dành nhiều năng lượng hơn cho nghỉ ngơi, cho lao động, cho học tập, và tôi nghĩ, với xã hội, biện pháp này sẽ mang lại phần nào hiệu quả.
: Với phần lớn người Việt Nam, Tết Nguyên Đán với họ mới là Tết thực sự. Nhiều người chờ cả năm chỉ mong đến dịp đó để được về với gia đình. Có thể biện pháp này sẽ mang lại một số lợi ích, nhưng tổn hại về văn hóa, về tinh thần con người thì không đo đếm được.
Nhà văn Nguyễn Quí Đức: Muốn dành năng lượng cho nghỉ ngơi, cho lao động, cho học tập, và cho sự vững bền của gia đình, xã hội… thì phải tính đến nhiều giải pháp, bao gồm giáo dục, thay đổi giờ làm việc, điều chỉnh mục tiêu… chứ không giản đơn là bỏ đi một ngày truyền thống quan trọng của đất nước.
“Cái Đẹp không phải bao giờ cũng dễ thấy”
: Theo tôi tìm hiểu, cái gọi là truyền thống thực ra cũng mang tính quán tính. Vì ngày Tết Nguyên Đán thực ra là do chúng ta du nhập từ Trung Quốc.
: Tôi nghĩ thật khó để chỉ ra một nét văn hóa cổ truyền nào của nước ta mà không dính dáng tới Trung Quốc. Tuy nhiên, người Việt Nam đã sống với âm lịch cả nghìn năm nay, họ coi tử vi, làm đám giỗ, … theo ngày âm. Và Tết với họ tức là khởi đầu một năm mới theo âm lịch. Chúng ta có ảnh hưởng từ văn hóa các nước, nhưng nó tồn tại đủ lâu với người Việt Nam và trở thành một phần của văn hóa Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Quí Đức: Đúng là Tết Nguyên Đán du nhập từ Trung Quốc, nhưng qua bao nhiêu ngàn năm, nó đã trở thành một ngày lễ của Việt Nam, và đã mang phong thái Việt Nam. Nếu hỏi Nguyễn Quân, hay Phan Cẩm Thượng (những nhà nghiên cứu văn hóa – PV) , họ sẽ chỉ ra mái ngói của ngôi chùa, đình làng Việt Nam khác nhau, thay đổi như thế nào so với những thứ du nhập từ Trung Quốc.
Nhà văn Nguyễn Quí Đức (ảnh: Justin Mott/Mott Visuals)
Lễ tục cũng thế. Con người mang mọi thứ từ nơi khác về, nhưng thay đổi nó, biến hóa nó. Tết Nguyên Đán và Tết Tây thì không thể biến hóa nó theo cách nhập thành một được, vì nó bắt nguồn từ những điểm khác biệt nhau hoàn toàn. Tôi rất buồn vì hiện tại có một tinh thần hướng ngoại, theo Tây rất rõ rệt, ví dụ dễ thấy nhất là các cửa hàng, cửa hiệu đa phần tên nước ngoài.
: Cái gọi là tinh thần hướng ngoại, thưa ông, theo tôi là một chuyện tự nhiên. Nhiều người thấy văn hóa nước ngoài hấp dẫn và họ bị ảnh hưởng. Chúng ta không thể nói đơn giản rằng văn hóa của nước mình rất hay, rất đẹp, phải gìn giữ… trong khi nhiều người thấy nó không hấp dẫn một cách tự nhiên thì thật khó.
Nhà văn Nguyễn Quí Đức: Cái Đẹp không phải lúc nào cũng dễ thấy. Tuổi trẻ thường hay xua đuổi, bỏ đi cái Đẹp truyền thống. Tôi cũng đã thế, và vẫn thế với những sáo mòn cũ kỹ. Ngược lại, cái Đẹp có khi cần được chỉ dạy, cần được tìm hiểu, nhận thức qua một thời gian nào đó. Không phải là về hình thức, như là một ông lớn tuổi tự dưng mặc áo bà ba, để râu tóc dài… như một ông nông dân, mà phải tự thâm tâm người ta hiểu được cái gì nó đẹp, vì sao, ở đâu, như thế nào.
Tôi quý những người sống rất cởi mở, đón nhận những phong cách, lối sống từ khắp nơi, nhưng vẫn tôn quý những gì mình có được do cha ông để lại, vì họ hiểu rõ cái đẹp, cái hay từ khắp nơi. Họ cởi mở nhưng biết chọn lọc.
: Ngày Tết Nguyên Đán, nếu chỉ nhìn vào những mặt phiền hà, rắc rối, lễ nghi bộ tịch – những điều tồn tại là do vấn đề của xã hội thời nay, chứ không phải do chính nó – thì đúng là đáng bỏ đi.
Tuy nhiên, nó cũng chứa rất nhiều những vấn đề về văn hóa cổ truyền, gắn với các lễ hội, phong tục, truyền thống tốt dẹp. Nếu bỏ đi, thì những điều kia sẽ đi về đâu? Điều quan trọng không phải là vì lợi ích “kinh tế”, mà là cách ứng xử và kết hợp sao cho phù hợp.
: Vâng, vậy cách ứng xử ở đây là như thế nào? Nếu không phải là một câu chuyện rất dài về thay đổi ý thức của con người?
Nhà văn Nguyễn Quí Đức: Như tôi đã nói, bỏ Tết Nguyên Đán không phải là phương án giải quyết những vấn đề đã được nêu ra. Điều cần cải thiện là cải thiện thái độ, tinh thần làm việc, ăn chơi, tiêu xài, chứ không phải là thay đổi một ngày lễ truyền thống như thế.
Tất nhiên, điều này chưa và khó có thể làm được, nhưng điều cần làm trước tiên là xem xét lại những cách tiêu xài, phô trương trong dịp lễ, trả lại cái ý nghĩa đích thực cho những ngày lễ truyền thống.
L.H. (thực hiện)