Xét nghiệm và điều trị sớm để tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con

Kết quả của Chương trình đã thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong việc hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng.

Nhân Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015 (từ 1-30/6), phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

– Xin Phó Cục trưởng cho biết kết quả của Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Việt Nam?

– Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một chương trình có ý nghĩa nhân văn và thu được kết quả rất tốt. Năm 2014, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là 57,1%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV và nhận kết quả xét nghiệm là 64,7%…

Nếu không có chương trình này thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con đối với những phụ nữ nhiễm HIV đang mang thai là 36%. Tuy nhiên nếu điều trị tốt, điều trị đúng và sớm, kết hợp không cho con bú thì tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 2%. Giai đoạn điều trị tốt nhất là 3 tháng đầu của thời kỳ mang thai, điều trị càng sớm càng tốt.

Để được điều trị dự phòng hiệu quả, tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm sớm để biết tình trạng nhiễm. Khi biết được tình trạng nhiễm thì cần tiếp cận ngay với các dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con để được điều trị sớm. Khi dùng đúng phác đồ điều trị 3 thuốc thì khi sinh và khi nuôi con cũng cần phải chú ý, thực hiện tốt hướng dẫn của cán bộ y tế để có dự phòng cho con.

– Năm nay Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có chủ đề như thế nào và mục tiêu của Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?

– Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động trong cả nước Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015 từ ngày 1/6 đến ngày 30/6 với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.”

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vẫn tiếp tục các hoạt động tiếp cận sớm, xét nghiệm sớm và điều trị sớm. Mục tiêu của Chương trình dự phòng lây truyền mẹ con giai đoạn 2011-2015 là 80% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV và nhận kết quả xét nghiệm; 90% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được chăm sóc và điều trị tiếp tục.

– Hiện nay kinh phí cho công tác điều trị HIV đang bị cắt giảm. Việc cắt giảm này có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động và mục đích của Cục đã đặt ra để đạt được hiệu quả tốt nhất cho việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?

– Nguồn kinh phí bị cắt giảm hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến việc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con bởi chủ trương của Việt Nam là điều trị miễn phí. Hiện nay, số trường hợp này cũng không lớn nên Chính phủ sẽ bảo đảm thuốc điều trị miễn phí. 

Chính vì vậy, Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông để người dân hiểu biết được hiệu quả của việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Người phụ nữ mang thai cũng phải xét nghiệm sớm để biết được tình trạng nhiễm và tiếp cận sớm với các dịch vụ điều trị dự phòng.

Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn lực tài chính để thực hiện các hoạt động dự phòng là cả một vấn đề. Thứ nhất là thiếu nguồn lực cho việc xét nghiệm sớm, đến nay nguồn hỗ trợ cho người mẹ xét nghiệm sớm HIV là rất ít, chủ yếu do người dân tự bỏ tiền ra để xét nghiệm. 

Thứ hai, thuốc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cho đến nay Việt Nam vẫn đang bảo đảm 100% điều trị miễn phí. Trong thời gian tới khi nguồn lực tài chính bị cắt giảm thì Việt Nam phải tính đến nguồn của Chính phủ để bảo đảm cho Chương trình này được triển khai hoạt động hiệu quả.


Bệnh nhân AIDS tại Trung tâm Linh Xuân, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

– Những khó khăn trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện nay là gì, thưa ông?

– Khó khăn lớn nhất chính là người phụ nữ tiếp cận muộn với chương trình phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS nói chung, công tác điều trị và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng. 

Theo quy định, 100% phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai cần xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm. Tuy nhiên, ở nhiều nơi không thực hiện hoạt động này. Chính vì vậy có những người nhiễm HIV không biết tình trạng nhiễm của mình nên khi mang thai tiếp cận với điều trị muộn.

Mặt khác, ở Việt Nam rất nhiều trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến lúc sinh mới tiếp cận với phương pháp điều trị nên kết quả thu được không cao. Có những người phụ nữ mang thai nhiễm HIV khi biết được tình trạng nhiễm của mình lại che giấu do sợ sự kỳ thị phân biệt đối xử và một phần do người phụ nữ chưa hiểu biết đầy đủ về hiệu quả của việc dùng thuốc điều trị. Bởi vậy, con của họ cũng không được tiếp cận với phương pháp dự phòng, điều trị đúng, điều trị đủ liều nên tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con còn cao.

– Đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi, việc kiểm soát tình trạng tỉ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV còn nhiều khó khăn. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

– Công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam hết sức nhân văn trong đó xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế của Việt Nam còn khó khăn nên phần lớn người dân vẫn phải bỏ tiền ra để làm xét nghiệm. 

Ở thành thị dịch vụ sẵn có, điều kiện kinh tế của người dân cũng khá hơn nên việc làm xét nghiệm đầy đủ hơn. Ngược lại, ở vùng sâu, vùng xa, miền núi thì dịch vụ không sẵn có trong khi hiểu biết của họ chưa đầy đủ về tầm quan trọng trong việc dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con nên việc xét nghiệm rất muộn, nhiều trường hợp không được điều trị đúng cách.

Theo: Thu Phương/Vietnamplus


From the same category