Em chưa bao giờ hình dung chồng em sẽ xắn tay vào bếp hay gò lưng lau nhà. Có lẽ cũng vì truyền thống gia đình em là thế, bố em cũng không hề nấu cơm bao giờ. Mẹ dạy em rằng đỉnh cao của sự tiến bộ chính là thời điểm mà những người phụ nữ thảnh thơi về nhà nấu cơm, sắp đặt căn bếp theo ý muốn của mình mà không bị giằng xé hay chịu một “ngoại lực” nào tác động từ xã hội. Bất kể đó là chuyện tiền nong hay vị thế.
Bố em luôn cố gắng về nhà ăn cơm và luôn thấy những bữa cơm mẹ nấu là những bữa cơm ngon nhất trên đời. Bố hiểu biết vô cùng, nhưng luôn tiêu dùng đúng theo sự sắp đặt kỳ công của mẹ. Bố không biết mổ cá, nhặt rau, mọi sự đều một tay mẹ và em đảm nhận, nhưng bố luôn hào phóng vào những cuối tuần, đưa mẹ và chúng em đi chơi, ăn tiệm, rồi mấy cha con có thể chọn lựa kỳ công, mua tặng mẹ một món quà nhỏ nhỏ – thỏi son, túi xách hay cặp tóc. Mẹ xinh đẹp, trẻ trung. Em thấy rõ ràng là mẹ rất vui, không hề có nét buồn khổ của một người đàn bà chịu đựng âm thầm theo lối suy diễn phức tạp trong sách vở!
Em thấy không có vấn đề gì với câu nói “Đàn ông coi nhà, đàn bà coi bếp”. Em vẫn yêu và sống một cuộc đời giản dị, có giá sách mà bố em để lại, có lọ hoa, vài vật trang trí từ ngôi nhà hồi ấy. Và bạn trai em đều đặn đến ăn cơm hàng tuần. Không có vấn đề gì giữa chúng em dù anh ấy cũng chưa từng giúp em lau bếp. Nhưng anh ấy sẽ cùng em tay trong tay những tối cuối tuần, rồi đến căn nhà của em, cho mèo ăn giúp em, nói rằng rất nhớ em khi phải ăn một mình trong những ngày em đi công tác. Em không thấy có gì là phân biệt đối xử ở đây.
Nhưng một cô bạn em thì cực ghét điều này. Cô luôn tự hỏi vì sao phụ nữ lại cần “coi bếp”? Em không giỏi tranh luận, em mặc kệ cho cô lập luận rồi phản biện, em bình an. Bình an ngay cả những ngày bạn trai em bận việc, đi xa và em gọi nhỡ mà anh không hồi đáp. Có thể anh sẽ không đến nữa, có thể anh sẽ đến nhưng với tư cách chỉ là người bạn thôi. Có thể này, và có thể kia… thì lỗi cũng phải ở chuyện em đã yêu và sống như cách mà em muốn.
Bởi, nhiều khi người ta không muốn “coi bếp” thì cũng đâu dễ gì trông coi vũ trụ được đâu? Ta căng thẳng, tranh luận với nhau về chuyện đàn ông có nên vào bếp hay không, mà quên mất không trả lời câu hỏi, chính mình có vui khi vào bếp hay không! Có hoặc không, ta đều có quyền được lựa chọn cho mình, một bữa cơm tự nấu hay cơm tiệm. Khi ta đã vui với vai trò vào bếp, thì chỉ cần có một người đàn ông và một lũ trẻ thơ tán thưởng, vậy cũng vui lòng. Ta vào bếp vì ta trước nhất. Hoặc không vào bếp cũng là vì ta.
Tất nhiên, phụ nữ cũng có cái quyền chọn lựa và quyết định xem ai sẽ được thưởng thức những món ăn của mình. Như mẹ đã chọn bố. Như em đã chọn bạn trai mình. Đến một ngày không cho phép nữa thì thôi, sao cứ phải gắn đời mình vào họ rồi quay lại thở than? Với em, nữ quyền là cái quyền được yên để vui với việc trời ban cho mình.
Ngẫm cho cùng, giả sử em có làm công việc chế tạo tàu vũ trụ hay hoạt động chính trị, thì mọi thứ cũng chỉ là thú vui, trong lúc chờ cơm chín.
Bài: Hương Ngân