Khi bóng hồng “chiếm đóng” phim trường - Tạp chí Đẹp

Khi bóng hồng “chiếm đóng” phim trường

Giải Trí

Đạo diễn vốn được coi là công việc sáng tạo vô cùng khổ cực, ngay cả với nam giới, nhưng kỳ lạ là, ngày càng nhiều phụ nữ chọn công việc này, thậm chí còn chuyên trị phim về đề tài chiến tranh mà đến cánh mày râu cũng phải dè chừng.

Với sự nhạy cảm của phụ nữ, các bộ phim của họ dù có đề tài gai góc, dữ dội hay chứa đựng nhiều yếu tố bạo lực thì vẫn có sự mềm mại, độ sâu lắng và sự tinh tế nhất định, lôi cuốn người xem.

Angelina Jolie trên trường quay “Unbroken”

“Đập cánh giữa… trường quay”, sao không?

Tại Việt Nam có khá nhiều nữ đạo diễn thành danh. Nữ đạo diễn đầu tiên, cố NSND Bạch Diệp, từng gây chú ý với các bộ phim “Ngày lễ thánh”, “Điện Biên Phủ”, “Hoa ban đỏ”… Thế hệ sau bà có Nhuệ Giang, người đứng sau những “Thung lũng hoang vắng”, “Trò đời”… Và gần đây có một cái tên khá nổi là Nguyễn Hoàng Điệp, nữ đạo diễn 8X với “Đập cánh giữa không trung”, bộ phim tham gia hàng loạt LHP quốc tế đình đám như Venice, Toronto… Nguyễn Hoàng Điệp từng chia sẻ rằng, cô cảm thấy có lỗi với chồng con sau những ngày dài đi làm phim trong nhiều năm trời theo đuổi nó.

“Nếu có bất cứ điều gì chống lại phụ nữ khi họ làm phim thì tôi sẽ chọn cách lờ tất cả những thách thức đó đi vì hai lý do. Thứ nhất, tôi không thể thay đổi giới tính của mình. Thứ hai, tôi từ chối việc ngừng làm phim.” (Kathryn Bigelow)
Song thách thức với phụ nữ khi làm đạo diễn không chỉ là sự dai sức, tính kỷ luật cao, khả năng tổ chức mà còn cần tới sự cứng rắn không kém đàn ông. Thông thường, việc thực hiện một bộ phim thường kéo dài hàng năm và đạo diễn phải làm việc từ 16-18 tiếng liên tục mỗi ngày trong suốt thời gian đó. Thế giới cũng có khá nhiều nữ đạo diễn nổi tiếng. Sofia Coppola từng được coi là nữ đạo diễn quyền lực bậc nhất Hollywood cách đây 10 năm, khi bộ phim cô làm ở tuổi 30 là “Lost in Translation” với sự tham gia diễn xuất của nữ diễn viên Scarlett Johansson đã được đề cử Oscar 2004 cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và giành tượng vàng cho Kịch bản gốc hay nhất do chính cô chắp bút.

Những tưởng Sofia Coppola sẽ là trường hợp hiếm về thành công đáng nể của phụ nữ trong vai trò đạo diễn. Nhưng không, từ đó đến nay, thế giới đã đảo chiều khi ngày càng có nhiều phụ nữ dấn thân vào công việc thách thức này và hầu hết đều thành công khi phim của họ lọt vô số đề cử các giải thưởng lớn. Đó là Debra Granik với “Winter’s Bone” (2010) – 4 đề cử Oscar, Andrea Arnold với “Wuthering Heights” (2011) – giải Golden Osella tại LHP Venice cho quay phim, Lynne Ramsay với “We Need to Talk About Kevin” (2011) – 1 đề cử Quả cầu vàng.

Không dừng lại ở thể loại phim tình cảm, tâm lý hay tội phạm, giờ đây các nữ đạo diễn ngày càng chứng tỏ khả năng vượt trội của mình sau máy quay với những đề tài khó thuộc thể loại phim chiến tranh hoặc hậu chiến. Nổi bật nhất trong số này là Kathryn Bigelow và Angelina Jolie, hai nhân vật tiêu biểu cho hai thế hệ đạo diễn tài năng và cứng rắn.  

Với sự nhạy cảm của phụ nữ, các bộ phim của họ dù có đề tài gai góc, dữ dội hay chứa đựng nhiều yếu tố bạo lực thì vẫn có sự mềm mại, độ sâu lắng và sự tinh tế nhất định, lôi cuốn người xem.

Kathryn Bigelow đeo kính, trùm khăn trong cái nóng rát ở Jordan và Kuwait để chỉ đạo những cảnh quay vô cùng thách thức cho “The Hurt Locker”

Kathryn Bigelow – Người phụ nữ đầu tiên giành giải của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ

Kathryn Bigelow bắt đầu làm đạo diễn cách đây hơn 3 thập niên. Và gần đây, bà lại gây chú ý hơn khi đi sâu vào những đề tài gai góc liên quan đến những điểm nóng trên thế giới như Iraq, Afganistan. Năm 2008, ở tuổi 57, Kathryn Bigelow cho ra mắt bộ phim chấn động màn ảnh thế giới về những người gỡ bom mìn ở Iraq. “The Hurt Locker” đã giành 6 tượng vàng Oscar, trong đó có Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất. 4 năm sau, Kathryn Bigelow lại tiếp tục gây chú ý với bộ phim “Zero Dark Thirty” kể về chiến dịch truy sát trùm khủng bố Osama bin Laden của lực lượng Navy S.E.A.L. Team 6 (Mỹ) vào tháng 5/2011. Bộ phim này sau đó giành 1 giải Oscar nhưng chỉ mang về cho cá nhân Kathryn Bigelow đề cử Quả cầu vàng cho Đạo diễn xuất sắc. Bà cũng là nữ đạo diễn đầu tiên giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất của giải DGA (Hiệp hội đạo diễn Mỹ), một giải thưởng nghề nghiệp mà ngay cả các nam đồng nghiệp cũng khó mơ tới.

Hai bộ phim liên tiếp của nữ đạo diễn này đều chọn những đề tài dữ dội và được coi là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những tháng ngày lăn lộn ở các địa hình nóng bỏng. Trong những thước phim hậu trường, người ta thấy Kathryn Bigelow đeo kính, trùm khăn trong cái nóng rát 49°C vào giữa tháng 7 ở Jordan và Kuwait để chỉ đạo những cảnh quay vô cùng thách thức cho “The Hurt Locker”. Phim được chọn bấm máy tại Jordan, cách biên giới Iraq chỉ ít cây số vì Kathryn Bigelow muốn quay ở gần khu vực chiến sự hơn. Suốt 44 ngày quay ròng rã như thế có thể khiến những người đàn ông khỏe nhất cũng phải đổ gục nhưng Kathryn Bigelow vẫn rất kiên cường bám trụ. Và sau những tháng ngày đó, bà lại ngồi trước máy dựng phim từ 200 giờ quay.

Kathryn Bigelow từng chia sẻ: “Nếu có bất cứ điều gì chống lại phụ nữ khi họ làm phim thì tôi sẽ chọn cách lờ tất cả những thách thức đó đi vì hai lý do. Thứ nhất, tôi không thể thay đổi giới tính của mình. Thứ hai, tôi từ chối việc ngừng làm phim”. Nữ đạo diễn sinh năm 1951 nói bà muốn đẩy xa mọi giới hạn làm phim với phụ nữ, để chứng minh phụ nữ cũng có thể làm bất cứ thể loại phim “khó nhằn” nào mà xưa nay nam giới vốn có lợi thế.

Kathryn Bigelow

“Mrs. Smith” –  Biểu tượng mới của nữ quyền tại Holywood

Kế sau Kathryn Bigelow, gần đây Hollywood lại có thêm một nữ đạo diễn chuyên các đề tài “xương xẩu” là Angelina Jolie. Khởi nghiệp với tư cách diễn viên, được biết đến như một nhà hoạt động nhân quyền có tiếng, bà mẹ 6 con nổi tiếng của nước Mỹ còn tiếp tục dấn thân vào một công việc khó khăn hơn: Đạo diễn. Tuy nhiên, nữ diễn viên 40 tuổi từng giành tượng vàng Oscar lại không chọn những thể loại phim dễ làm mà luôn tìm đến những đề tài rất khó.

Không an phận với vai trò diễn viên như một trong những ngôi sao quyền lực nhất thế giới, Angelina Jolie liên tiếp khiến người hâm mộ kinh ngạc bởi khả năng tạo ra những thước phim ấn tượng. Năm 2011, ở tuổi 36, Angie cho ra mắt bộ phim điện ảnh đầu tay “In the Land of Blood and Honey” do chính cô viết kịch bản, sản xuất và đạo diễn. Bộ phim tạo ra nhiều ý kiến trái chiều nhưng vẫn giành 1 đề cử Quả cầu vàng.

“Tôi đến với công việc này không phải với tư cách nữ đạo diễn mà là… đạo diễn. Nhưng thật tuyệt vời khi bạn nhận ra rằng ngoài kia có biết bao nhiêu nữ đạo diễn giống mình và con số này không ngừng tăng lên.” (Angelina Jolie)
Đúng 3 năm sau, Angie lại tiếp tục gây chú ý khi ra mắt bộ phim thứ 2 trong vai trò đạo diễn. “Unbroken” (ra rạp ở Việt Nam từ 20/2/2015), bộ phim tiểu sử về huyền thoại Louis Zamperini thời trẻ lấy bối cảnh Thế chiến II. Vốn là Đại sứ thiện chí của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, từng đi qua nhiều vùng chiến sự khắc nghiệt nên Angie đồng cảm với những số phận từng đi qua chiến tranh. Không chọn làm phim thương mại hay những đề tài câu khách, Angie luôn bị hấp dẫn bởi những đề tài gai góc, mang nhiều tính phản biện, tranh đấu, giống như bản tính và những gì cô từng phải trải qua. 

Angelina Jolie trong phòng dựng phim “Unbroken”

Vừa hoàn thành nhiệm vụ với bộ phim thứ 2, Angie lại bận rộn trên phim trường với Brad Pitt. “By The Sea”là bộ phim thứ 3 do nữ diễn viên sản xuất kiêm đạo diễn, lấy bối cảnh thập niên 1970. “By The Sea” đánh dấu sự trở lại của cô và người bạn đời Brad Pitt sau 10 năm kể từ “Mr. and Mrs. Smith”, bộ phim đầu tiên họ đóng chung và cũng là khởi đầu cho mối quan hệ tình cảm của cặp đôi quyền lực nhất Hollywood. Mới đây nữ diễn viên 40 tuổi có bóng gió rằng cô có ý định từ bỏ vai trò diễn viên để dành toàn bộ thời gian cho việc đứng sau ống kính. 

Nói về sự phân biệt giới trong giới làm phim, Angie chia sẻ: “Tôi đến với công việc này không phải với tư cách nữ đạo diễn mà là đạo diễn. Nhưng thật tuyệt vời khi bạn nhận ra rằng ngoài kia có biết bao nhiêu nữ đạo diễn giống mình và con số này không ngừng tăng lên”.   

 Bài: Hoàng Vy

logo 

Thực hiện: depweb

02/03/2015, 17:11