Vice là một khu resort đặc biệt do Julian Michaels (Bruce Willis) thiết kế, nơi khách hàng có thể thỏa mãn những mong muốn điên rồ nhất mà không lo bị pháp luật trừng trị với những robot có suy nghĩ, tâm tư và vẻ ngoài hoàn hảo như người thật. Khi cô gái robot Kelly (Ambyr Childers) tự nhận thức tình trạng của mình và chạy trốn, cô mắc kẹt giữa làn đạn của nhóm lính đánh thuê tàn bạo do Michaels cử đến và Tedeschi (Thomas Jane), một cảnh sát muốn đóng cửa khu Vive một lần và mãi mãi.
Từ ý tưởng rất thú vị về khu giải trí với trí thông minh nhân tạo (thực ra là vay mượn từ Westworld, một bộ phim cách đây 40 năm), “Vice” đã đi thẳng vào một mớ bòng bong những tình tiết nông cạn và phi logic. Ở đoạn đầu phim, bối cảnh cùng lời giải thích lỏng lẻo nhưng vẫn chấp nhận được. Càng về sau, khán giả càng được cười nhiều hơn, không phải vì vui mà vì những chi tiết ngớ ngẩn đến mức tức cười cứ phô bày trước mắt.
Với kinh phí hạn hẹp 15 triệu USD, có thể hiểu được vì sao thiết kế bối cảnh của “Vice” lại nghèo nàn như vậy. Nhưng việc khó chấp nhận là hầu hết các cảnh phim đều được xử lí màu và ánh sáng nhạt nhòa, cộng thêm quá nhiều đèn neon xếp khắp nơi khá lạc lõng.
“Vice” củng cố một nguyên tắc của những phim hành động mì ăn liền kiểu này: Nếu bạn có tên trên poster, bạn sẽ không bao giờ bị bắn trúng, cho dù có chạy giữa đường vắng với ba tay súng chuyên nghiệp nã đạn như vãi trấu sau lưng cách có chục thước. Và nếu bạn muốn trở thành một cỗ máy giết người? Chỉ cần bộ đồ da màu đen và ít keo vuốt tóc.
Về các diễn viên khác, nữ chính Ambyr Childers rất xinh đẹp và thể hiện khả năng nhập vai ổn trong vài phân cảnh trong khi Thomas Jane hoàn toàn lép vế trong vai thanh tra Roy Tedeschi. Anh đã có một vai diễn cực kì mù mờ và không có vai trò gì lớn trong phim.
Với sự thiếu sáng tạo của “Vice”, có lẽ bạn chỉ nên ra rạp trong 2 trường hợp: Tiêu cho bớt thời gian và là người hâm mộ cực kỳ của Bruce Willis – đủ để chỉ nhìn ông là thấy vui.
Bài: Hà Thảo
Ảnh:Lotte Cinema