Hành trình từ ti vi lên màn ảnh rộng
Khán giả yêu thích loạt phim hoạt hình “Shaun the Sheep” (tựa Việt “Cừu quê ra phố”) hẳn đã quen thuộc với hình ảnh chú cừu Shaun thông minh thường cùng bầy cừu làm những trò vui trong nông trại. Điều đặc biệt của series phim này là công nghệ làm phim stop – motion với các nhân vật được làm từ đất sét (các nhà làm phim bày những nhân vật trên nền bối cảnh có sẵn, sau đó chụp ảnh liên tiếp để tạo ra ảo giác của chuyển động) và không hề có thoại. Các nhân vật nói với nhau bằng tiếng chó, tiếng cừu, tiếng lợn, … và người xem tự hiểu mạch truyện dựa trên hành động của chúng. Mỗi tập phim về chú cừu Shaun chỉ dài 7 – 8 phút kể về một tình huống hài hước xảy ra ở nông trại đã chinh phục các bạn nhỏ của 180 nước trên toàn thế giới.
Từ tháng 11/2011, hãng phim Aardman đã rục rịch chuẩn bị làm bộ phim truyện nhựa dựa trên những nhân vật này, nhưng phải tới đầu tháng 2/2015 “Shaun the Sheep” phiên bản điện ảnh mới chính thức ra rạp. Chuyện phim kể về chú cừu Shaun, do chán những ngày bình thường phải đi theo lộ trình nhất định, đã quyết định nhốt ông chủ vào một nhà xe cũ để tự tạo cho mình và bầy cừu một ngày nghỉ.
Tuy nhiên, hành động sai lầm của chú đã dẫn đến việc chiếc xe lao vào Thành Phố Lớn, ông chủ mất tích, chú chó trung thành trong quá trình đi tìm chủ cũng mất tích theo. Shaun quyết định một mình tới Thành Phố Lớn để sửa sai, nhưng ở đây lạ lẫm và đầy nguy hiểm, đặc biệt với sự xuất hiện của gã Trumper chuyên bắt thú vật vô chủ vào trại giam… 85 phút phim không thoại đã xóa đi khoảng cách địa lý cũng như ngôn ngữ cho người xem, đặc biệt với các bạn nhỏ không kịp đọc phụ đề.
Thông điệp về tình bạn và tình cảm gia đình
Mặc dù đạo diễn và biên kịch phim “Cừu quê ra phố” không phải là những người đã làm series “Shaun the Sheep” phiên bản truyền hình, những nhân vật trong phim vẫn được giữ nguyên tính cách và sự đáng yêu. Mục tiêu lớn nhất của chú chó là trung thành với chủ, chú tìm mọi cách để bảo vệ sự an toàn cho ông chủ cũng như đưa ông về nhà, bất chấp mọi nguy hiểm rình rập. Mục tiêu của chú cừu Shaun là sửa sai, nhưng sau đó kéo theo việc bảo vệ cho bản thân mình và cả bầy cừu. Tất cả các nhân vật khi bị chuyển từ đồng cỏ thân quen sang thành phố xa lạ đều ngỡ ngàng, ngơ ngác và cần phải linh hoạt, thông minh nếu không muốn bị bắt giữ.
Xem phim, khán giả có thể thấy được tình bạn và hơn thế là tình cảm gia đình, qua mối quan hệ giữa các nhân vật. Phim bắt đầu từ tấm ảnh chụp lâu năm giữa người chủ trang trại, chú chó và bầy cừu, giống như một ẩn dụ cho mối quan hệ giữa những người trong gia đình mà nhà làm phim xây dựng nên. Khi là một gia đình, các thành viên có thể giận nhau, tìm cách “qua mặt” nhau trong một vài tình huống, nhưng nếu có chuyện xảy ra họ sẵn sàng đi rất xa tìm nhau, bảo vệ và đưa nhau về nhà. Ở trong rạp chiếu, đám trẻ con chốc chốc lại ồ lên thích thú, còn người lớn cũng đôi khi giật thót mình. Nhưng hơn cả, khi bộ phim kết thúc, ai ai cũng hân hoan và thấy trong lòng tràn đầy sự ấm áp.
Để gửi đi thông điệp ấy, các nhà làm phim đã xây dựng ba tuyến truyện: tuyến của người chủ nông trại (đầy những sự cố ngẫu nhiên), tuyến của chú chó (lao theo người chủ) và tuyến của bầy cừu. Đứng đầu bầy cừu ấy là Shaun, một con cừu thông minh, tự tin và tình cảm. Người xem có thể rớm lệ với những phân đoạn Shaun một mình bắt xe buýt lên thành phố, Shaun và cả bọn ôm đàn tự chế hát cho cừu con nín khóc, Shaun bị xua đuổi,… Những nhân vật của “Cừu quê ra phố” có lẽ cùng tâm trạng với cô gái Dorothy của “Phù thủy xứ Oz”, sau chuyến đi dài chỉ nghĩ rằng “Không đâu bằng ở nhà”.
Xu hướng làm phim không thoại
Bộ phim còn có thể làm tốt hơn nữa nếu như làm cho nhân vật phản diện đỡ ác đi. Những phút cuối cùng của bộ phim, vì cuộc chiến quá căng thẳng giữa Trumper và bầy cừu, khiến không khí rạp trở nên trầm hơn. Tuy thế, xét một cách tổng thể, phim vẫn là một thành công lớn khi mang lại tiếng cười cho khán giả không phân biệt độ tuổi. Thậm chí có thể cho rằng “Cừu quê ra phố” mang lại nhiều tiếng cười cũng như ý nghĩa hơn cả một số phim bom tấn Hollywood.
Từ thời của “Tom và Jerry” tới nay, những bộ phim hoạt hình hoàn toàn không dùng thoại (dẫn tới việc khán giả xem không cần thuyết minh hoặc phụ đề) vẫn đếm trên đầu ngón tay. Khán giả trẻ và không trẻ nữa, như 7x, 8x vẫn yêu thích loạt phim đó, mặc dù càng ngày càng có nhiều phim hoạt hình ra mắt. Từ góc nhìn đó, loạt phim về chú cừu Shaun dùng biểu cảm và hành động để kể chuyện rất đáng được hoan nghênh. Biết đâu một ngày nào đó, các nhà làm phim hoạt hình ở Việt Nam cũng làm phim không thoại, không cần nhân vật nói triết lý gì như loạt phim này?
Bài: Trà Fiew
Ảnh: CGV cung cấp