Tôi quen Alex Trần trước khi chàng trai trẻ viết “Chuyện bếp” qua Hội Food Photographer. Khi đó, Alex vẫn đang là du học sinh tại Melboure, Úc. Em đã sử dụng điện thoại để chụp ảnh, để chia sẻ niềm đam mê với mọi người. Sau này, Alex sử dụng thêm máy phim và giờ là máy DSLR. Alex là cộng tác viên của Đẹp Online và một vài tờ báo khác. Những bức ảnh của Alex rất có gu, và đặc biệt là mỗi một bức ảnh chụp food (ẩm thực) của em đều mang theo một câu chuyện.
Alex, tên thật là Trần Xuân Bách, sinh năm 1989, là một chàng trai rất chỉn chu và cẩn thận. Đọc “Chuyện bếp” có thể thấy rõ điều đó.
Hẳn không ít người nghi ngờ khi Alex tiết lộ sẽ ra sách, vì em trẻ quá. Nhưng hẳn cũng chính những người đó sẽ cảm thấy bất ngờ khi cầm “Chuyện bếp”. Giữa hàng loạt những cuốn sách về ẩm thực trong thời gian gần đây, tôi tin rằng “Chuyện bếp” vẫn có một tiếng nói rất riêng.
Đầu tiên, về những công thức nấu nướng, làm bánh của “Chuyện bếp”, bạn sẽ bắt gặp những nguyên liệu rất quen thuộc và gần gũi với căn bếp gia đình. Những công thức của Alex rất đơn giản, ngắn gọn, dễ dàng áp dụng trong cuộc sống thường nhật và nó không tạo ra những thử thách khó nhằn cho các bà nội trợ. Cuốn cookbook phân chia ra các phần rất dễ theo dõi như: món ăn nhanh lúc bận rộn, món ăn dành cho các buổi tụ họp, món ngọt, món dùng để lưu trữ. Các món ăn trong cuốn sách, không bó buộc trong một phạm vi không gian nào, đó là những món “thập cẩm” từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây được Alex đúc kết lại rất dễ thương.
Alex là tác giả, đồng thời cũng là người chụp ảnh, stylist và thậm chí thiết kế ảnh bìa
Alex không phải là người chuyên sâu ở một lĩnh vực, em tìm hiểu và mày mò đủ với các công thức mặn, ngọt khác nhau. Các công thức không quá mới mẻ nhưng vẫn mang đậm dấu ấn tác giả bởi những biến tấu nho nhỏ ví như đậu phụ kho nấm, canh kim chi đậu phụ, cua sa tế, sủi cảo chiên nhân thịt gà… Bởi thế khi đọc “Chuyện bếp”, người đọc sẽ không cảm nhận về một nhân vật viết sách “cao siêu” nào đó, chúng ta sẽ thấy, người viết cuốn sách giống như người bạn của mình đang chia sẻ những món trong thực đơn hàng ngảy của gia đình vậy. Ngoài ra, những công thức đều đã được test bởi recipe tester (người thử nghiệm công thức) trước khi cuốn sách ra đời để đảm bảo cho ra thành phẩm ngon miệng.
Mỗi công thức của Alex đều đi kèm với một trải nghiệm cá nhân khá thú vị. Ở đó, bạn có thể biết được những câu chuyện bên bàn bếp, những cảm xúc cũng như hành trình làm bếp của chàng trai trẻ này.
Mỗi món ăn trong sách đều đi kèm những trải nghiệm thú vị của chàng trai trẻ
Hình ảnh cũng là một điểm nhấn ấn tượng của “Chuyện bếp”. Trừ 2 bức ảnh chân dung được người khác chụp, tất cả những hình ảnh trong “Chuyện bếp” đều do chính tay Alex chụp, chúng thực sự rất đẹp. Alex thường có những bức ảnh nhìn trực diện vào món ăn, không rườm rà, hoa mỹ nhưng lại không hề dễ dãi. Để có góc nhìn trực diện như vậy, món ăn đòi hỏi phải thực sự trông ngon mắt và cách sắp xếp phải hấp dẫn, hài hòa.
Nói như vậy, không có nghĩa “Chuyện bếp” không có những điểm yếu. Chẳng hạn như câu chuyện về căn bếp của những người bạn, câu chuyện về bạn bè – tuy rất thân với em và quen thuộc với các food photographer nhưng lại xa lạ với phần đông độc giả và nhiều khi không đủ hấp dẫn để thu hút độc giả. Người đọc có thể dễ nhận thấy gu chụp ảnh, gu thẩm mỹ của Alex qua những bức hình trong sách nhưng lại khó có thể biết được đâu là cái gu nấu nướng của chàng trai trẻ.
Tuy vậy, phải nói rằng, “Chuyện bếp” là một cuốn sách mà những người yêu ẩm thực nên có. Mỗi khi “bí món”, bạn có thể mang “Chuyện bếp” ra để tham khảo, để làm theo rất nhanh. Và hơn hết, đọc “Chuyện bếp”, bạn sẽ bị chinh phục bởi niềm đam mê nấu nướng của Alex và có rất nhiều cảm hứng để vào bếp.
Bài: Tiều Phu
Ảnh: Nhân vật cung cấp