Mockingjay - Húng Nhại: Trận chiến truyền thông lôi cuốn - Tạp chí Đẹp

Mockingjay – Húng Nhại: Trận chiến truyền thông lôi cuốn

Giải Trí

Độc đáo về ý tưởng

Không thiên về hành động như hai tập đầu tiên, “The Hunger Games: Mockingjay – Part 1” (tựa tiếng Việt: “Đấu Trường Sinh Tử: Húng Nhại“) có nhiệm vụ duy trì và dồn nén mạch cảm xúc của khán giả để chờ đợi một sự bùng nổ hoàn hảo trong tập phim cuối cùng, sẽ chính thức công chiếu vào cuối năm sau.

Poster “The Hunger Games: Mockingjay – Part 1”.

“The Hunger Games: Mockingjay – Part 1” không dành cho nhóm khán giả “vãng lai”, đến rạp và “tình cờ” chọn đúng bộ phim này. Để hiểu được nội dung và mối quan hệ giữa các nhân vật, để không cảm thấy nhàm chán, không có cách nào khác hơn là xem hai tập phim trước, chí ít cũng là tập “Catching Fire” với cú ngoặt quan trọng trong toàn bộ câu chuyện. Nhưng “Mockingjay – Part 1”  lại là mắt xích không thể thiếu trong toàn bộ series bởi toàn bộ quá trình biến chuyển tâm lý của nhân vật chính Katniss Everdeen đã được mô tả lại quá xuất sắc, từ một nữ chiến binh “bất đắc dĩ” trở thành biểu tượng cho cuộc cách mạng chống lại áp bức và bất công trên toàn đất nước Panem.

Khán giả lại gặp một thông điệp như trong “Fury”: giữa cuộc chiến, khái niệm “đúng/sai hoàn toàn” không hề tồn tại, sự sống chết của một vài cá nhân chẳng hề mang chút ý nghĩa lớn lao nào và mục đích cuối cùng mới là thứ mà những kẻ cầm quyền quan tâm tới.

Đạo diễn Francis Lawrence và đội ngũ biên kịch đã dựng nên một tập phim thực sự độc đáo về mặt ý tưởng, gây bất ngờ cho toàn bộ khán giả – đặc biệt là những người chưa đọc bộ truyện cùng tên của nữ tác giả Suzanne Collins. Sau những màn chém giết ghê rợn trong hai tập phim trước, “The Mockingjay – Part 1” như một chiếu nghỉ được đưa đến kịp thời, tĩnh lặng, yên ả, nhưng vẫn giữ được sự sôi động cần thiết bằng việc tạo ra một trận chiến truyền thông đầy lôi cuốn giữa hai phe: chính phủ ở Capitol và quân khởi nghĩa ở quận 13.

Không thể tin được “The Mockingjay – Part 1” lại có điểm tương đồng với một bộ phim nổi tiếng khác là “Gone Girl”, đó là phô bày ra một bộ mặt khác của truyền thông (thực chất là tuyên truyền): giả dối, bất chấp thủ đoạn, miễn là đạt được mục đích. Nếu xem đến cảnh kết khán giả sẽ thấy đó là cái kết đỉnh cao gửi gắm nhiều thông điệp. Và ở đây, dường như khán giả lại gặp một thông điệp như trong “Fury”: giữa cuộc chiến, khái niệm “đúng/sai hoàn toàn” không hề tồn tại, sự sống chết của một vài cá nhân chẳng hề mang chút ý nghĩa lớn lao nào và mục đích cuối cùng mới là thứ mà những kẻ cầm quyền quan tâm tới.

Chẳng ai có thể thay thế Jennifer Lawrence

Không tài năng trẻ nào nhập vai Katniss Everdeen xuất sắc bằng Jennifer Lawrence, đó là điều chắc chắn. Chỉ cô gái này mới mang đến những trạng thái tình cảm chân thực nhất cho khán giả, mới có thể khiến không ít người phải nhòe nước mắt ở trường đoạn đến thăm bệnh viện, mới thể hiện tốt nhất khúc ngoặt tâm lý quan trọng để trở thành biểu tượng gánh vác niềm tin cho cả một cộng đồng bị áp bức. Nhờ có Jennifer Lawrence, người xem mới được đắm chìm trong những cung bậc cảm xúc khác nhau, mới cảm thấy 123 phút trong rạp còn quá ngắn ngủi.

Chẳng khán giả nào có thể quên được bài hát về những xác chết treo cất lên bên bờ sông hoang vắng, bi thương đến rợn người.

Cũng phải cảm ơn đạo diễn Francis Lawrence khi đã “cố tình” dành ra cả một tập phim để nữ diễn viên được ưa thích nhất hiện nay thể hiện hết năng lực diễn xuất của mình. Ngay cả chất giọng khàn khàn đặc trưng của Jennifer Lawrence cũng trở thành một điểm nhấn, bởi sẽ chẳng khán giả nào có thể quên được bài hát về những xác chết treo cất lên bên bờ sông hoang vắng, bi thương đến rợn người.

“Mockingjay – Part 1” không có những màn chiến đấu mãn nhãn, thay vào đó là phần bối cảnh chân thực: đống đổ nát hoang tàn của của quận 12 sau trận thảm sát, khu căn cứ của quân khởi nghĩa sau trận dội bom phủ đầy xác hoa hồng trắng, cảnh đập nước ở quận 5 bị phá hủy, cảnh những thân người đổ xuống dưới cơn mưa đạn – tất cả đều gây ấn tượng rất mạnh về mặt thị giác. Không chỉ vậy, bộ phim cũng có những tình huống hài hước rất thú vị, chỉ đáng tiếc là không phải khán giả nào cũng có thể nắm bắt được nét tinh tế bên trong – cũng như nhiều thông điệp sâu sắc trong những màn đối thoại của các nhân vật bên phe khởi nghĩa.

Một bộ phim chắc chắn đáng xem

Tiết tấu của phim chậm rãi nhưng không lê thê,  mạch truyện được triển khai khá từ tốn, thiên về kiểu đặc tả cảm xúc nhân vật hơn dẫn dắt theo kiểu bình thường. Có thể với nhiều người, đây sẽ là tập phim kém hấp dẫn nhất trong cả series nhưng nếu chỉ xét riêng về chiều sâu cảm xúc, hẳn “Mockingjay – Part 1” lại nằm ở vị trí dẫn đầu. Một bộ phim có lẽ sẽ gây tranh cãi sau khi ra rạp nhưng chắc chắn là đáng xem, nhất là với các fan của “The Hunger Games” và cả những người ra rạp để tìm một bộ phim nghiêm túc, giàu chất lượng nghệ thuật. Điều quan trọng phải nhớ, chớ vội thưởng thức “Mockingjay – Part 1” nếu chưa xem “The Hunger Games” và “Catching Fire”. Chỉ vậy thôi!

“The Hunger Games: Mockingjay – Part 1” chính thức công chiếu tại Việt Nam từ 21/11, cùng ngày với thị trường Bắc Mỹ.

 Bài: Hoàng Cương

Ảnh: CGV cung cấp

logo

Thực hiện: depweb

19/11/2014, 19:49