Trong sự cô độc ấy, Tsukuru có khả năng và điều kiện để nhìn sâu vào nội tâm của mình, quan sát các vết sẹo, cảm nhận những vết thương còn há miệng được giấu kín hàng chục năm. Người viết bài này không nghĩ rằng có chủ đề nào rộng lớn hơn, bao quát hơn, có thể chạm vào tất cả mọi người, gần gũi với các trải nghiệm trong một giai đoạn cuộc đời nào đó của con người hơn nỗi cô đơn. Trong cuốn sách của Murakami, nỗi cô đơn được diễn tả chân thành và chính xác, như mọi khi.
Phần lớn cuốn sách là câu hỏi và hành trình đi tìm ra lý do vì sao chàng Tsukuru bị loại bỏ khỏi nhóm bạn một cách khó hiểu và hơi tàn nhẫn. Câu hỏi và hành trình này được đặt trong giai điệu của bản nhạc “Le mal du pays”, một giai điệu u sầu của Liszt (và cũng là một gợi ý cho tên sách). Sự giống nhau này (không rõ vô tình hay cố ý) mang lại cho “Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương” một không khí rất giống với “Rừng Nauy”.
Tsukuru 36 tuổi. Đã 16 năm kể từ khi Tsukuru và những người bạn đầy màu sắc, đầy sự thú vị của anh bước sang tuổi 20 – lứa tuổi chuyển từ giai đoạn niên thiếu sang trưởng thành. Chuyến hành hương của Tsukuru chẳng phải là một hành trình tôn giáo nào, mà chính là trở về với thời niên thiếu của chàng. Chuyến hành hương đó là một chuyến đi cần thiết để trở về thấu hiểu chính bản thân Tsukuru, giúp anh hiểu quá khứ tưởng như ngay gần kề, như vừa mới hôm qua, để hiểu rõ hiện tại, và cả tương lai của mình.
Chuyện gì sẽ xảy đến với Tsukuru Tazaki? Tình yêu sẽ đổ đầy trái tim trống rỗng của anh, hoặc nó sẽ hé mở những tính cách khác đầy màu sắc mà anh không nhận ra? Murakami sẽ đưa độc giả đi cùng hành trình tìm bản thân, hành trình chữa các vết thương của Tsukuru, nhưng cũng xin nói trước là ông không hứa hẹn một kết cục có hậu, cũng như những câu trả lời thoả đáng nào. Thậm chí câu chuyện này còn có nhiều chi tiết bí ẩn trong một vụ án, một cái chết để lại nhiều nghi vấn.
Giống như một đôi mắt mở giữa cơn bão, người đọc sẽ biết rằng chẳng có gì hứa hẹn được giải quyết triệt để trong đời sống này, cũng chẳng có gì hoàn hảo, kể cả một mối quan hệ được giữ gìn nhất. Ngoài ra, dù dành một số trang đáng kể để miêu tả mong muốn được chết của Tsukuru, nhưng có lẽ điều Murakami muốn nhắn nhủ là: Điều quan trọng nhất là hãy cứ sống, bởi vì chỉ bằng cách sống tiếp, người ta mới biết được rằng chuyện gì sẽ xảy ra.
Cuốn sách này dành cho cả những người đã trải nghiệm rất nhiều, và cả những độc giả đang tràn đầy háo hức với cuộc sống. Tsukuru cuối cùng hiểu ra: “… ở phần sâu xa nhất trong linh hồn mình, lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hoà. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hoà đích thực”.
Với người viết bài, những cuốn sách của Murakami giống như bánh ngọt. Rất nhiều người nói rằng đằng nào thì các quyển cũng tương tự nhau, và xét theo một khía cạnh nào đó thì họ nói đúng. Nhưng chẳng nên phàn nàn nhiều, vì bánh ngọt nào cũng ngon, cũng hấp dẫn. Miễn ra đừng ăn quá nhiều thì sẽ không gặp vấn đề về tiêu hoá (và khẩu vị), nên Haruki Murakami rất biết tiết chế số trang sách của mình.
Bài: Phương Linh
>>> Có thể bạn quan tâm: Khi bắt đầu đọc các tiểu thuyết của Murakami, dường như cuộc đời người đọc cũng trở nên giống như vậy. Đó là phép thuật kỳ lạ của ông.