Nhạc sĩ Đức Trí: Nếu là nhà báo, tôi sẽ học cách khen và bớt chê - Tạp chí Đẹp

Nhạc sĩ Đức Trí: Nếu là nhà báo, tôi sẽ học cách khen và bớt chê

Sao

Sản phẩm tiêu dùng ngày nay, từ cái xe máy, máy giặt đến nhiều món đồ gia dụng khác, người ta đều tìm mọi cách để giảm giá thành, không cần bền và liên tục cho ra sản phẩm mới liên tục để gây chú ý. Quy luật xã hội nó thế, và kéo theo một thứ nghiệt ngã là nghệ thuật cũng chạy theo xu hướng đó một cách vô thức, nghệ thuật pha giải trí và thương mại bị xem là một.

Nhạc sĩ Đức Trí

Khi trở thành chuyên nghiệp, chẳng còn bao nhiêu người (có nghĩa là vẫn còn) giữ được sự hồn nhiên khi sáng tác như ngày đầu họ tập tành viết, vẽ… Cũng phải thôi, không sống được bằng nghề thì người ta gọi là nghiệp dư. Muốn sống được bằng nghề thì tác phẩm phải bán được, không thì lấy gì mà ăn. Nhưng có người thấy cái nào bán chạy, là cứ liên tục viết cái đó, rồi đến một lúc người ta ngán ngẩm, bảo ông này có một thứ viết mãi. Người nhạy bén hơn thì để dành miếng, đưa sản phẩm ra chừng mực, nuôi dưỡng cảm xúc, viết để bán, viết để vui và đẹp hơn cả, là viết để sống như họ vốn sinh ra để viết. 

Tôi cũng có thời mê mẩn không biết bao nhiêu ca khúc bất hủ trên thế giới, nghe đi nghe lại cả ngày, rồi bao nhiêu năm vẫn nghe lại. Trong đó, có không ít ca khúc là sản phẩm thương mại, nhưng chất nhạc, chất thơ của nó vẫn tuyệt vời. Quay lại ca khúc ngày nay, ta vẫn bảo không có ca khúc sống lâu, chưa chắc thế. Thực tế, cùng thời với những tác phẩm hơn nửa thế kỷ trước, đã có biết bao tác phẩm trôi vào lãng quên mà ta chưa bao giờ biết, ngay cả với những tác gia nổi danh cũng có biết bao tác phẩm nằm mãi trong quá khứ. Còn mới đây thôi, thời 90 của nhạc Việt, tôi vẫn yêu thích “Dòng sông lơ đãng” của Việt Anh, “Một thời đã xa” của Trường Huy, “Thì thầm mùa xuân” của Ngọc Châu… mới đây đấy thôi, và nó không hề bị lãng quên.
        
Chúng ta sống trong thực tại, đối diện với muôn vàn thứ, có cái hay, cái dở. Thường ra, với cái hay, có khi ta nghiễm nhiên cho rằng nó phải hay, còn cái dở thì ta cứ nhắc, nghĩ rằng nhắc như thế thì nó sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ ngược lại. Tôi thích cổ xúy cho cái hay, không nhắc đến cái chưa hay vì nó sẽ tự cố gắng hơn để hay, hoặc sẽ tự đào thải. Xã hội cần lắm những lời khen, lời động viên, hơn là những lời chê bai, miệt thị.

Nhạc sĩ Đức Trí là nhà sản xuất âm nhạc cho rất nhiều dự án của các nghệ sĩ Việt. Anh cũng là người viết nhạc cho bộ phim “Hiệp sĩ mù” của Đạo diễn Lưu Huỳnh và Giám đốc sản xuất Đàm Vĩnh Hưng 

Tương tự, mỗi khi có một ai đó viết na ná một tác phẩm giống nước ngoài, người ta sẽ vu ngay cho họ cái tội đạo nhạc. Xin nói rằng, có đạo hay không, người viết là người duy nhất biết, hoặc có khi, họ cũng không biết, có thể họ từng nghe rồi ảnh hưởng trong vô thức. Báo chí gắn cho họ cái mác “đạo nhạc” không thương tiếc, “tặng” cho họ một sự mặc cảm, căm thù mà lẽ ra không đáng có. Và đôi khi, chỉ vì một tác phẩm na ná giống, mà người ta vụt quên mất tác giả đó đã từng đóng góp hàng chục tác phẩm giá trị khác, nhìn mà đau lắm.

Với những bạn trẻ chẳng may dính phải nghi án đạo nhạc, tôi chỉ muốn nhìn họ như những người em chập chững vào nghề, suy nghĩ chưa chín chắn. Tiếc rằng, thay vì được uốn nắn, bảo ban, thì cái họ nhận được thường là sự dè bỉu, khinh thường. Để rồi, rất có thể, sẽ nảy sinh ở họ một tâm lý bất mãn: “Ờ, nhạc của tôi là thị trường mà, các người muốn chê bai gì thì chê, miễn tôi kiếm tiền được là được!…”. Chúng ta mất một người mà họ có thể trở thành người tốt.

Nhân cách con người vốn được hình thành từ gia đình rồi đến nhà trường và xã hội. Mẫu mực gia đình ngày nay khác xưa nhiều. Những biến cố xã hội mấy chục năm qua để lại cho chúng ta quá nhiều hậu quả về đạo đức sống, đạo đức làm nghề. Mạng xã hội góp thêm một phần đẩy sự việc nghe như tồi tệ hơn cũng chỉ bởi, người ta ngày càng tiếc lời khen, thích chê bai.

Tôi thích nhiều ca khúc gần đây như “Giấc mơ trưa” của Giáng Son và Nguyễn Vĩnh Tiến, tôi thích “Quê tôi” của Hoàng Anh Minh, tôi thích “Chưa bao giờ” của Việt Anh… và tôi tin những ca khúc đó sẽ sống lâu. Tôi sẽ không nhắc những ca khúc tôi không thích.

Nếu là một nhà báo tôi cũng sẽ làm thế mỗi ngày, tập khen và bớt chê.

Nhạc sĩ Đức Trí

logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

 

>> Xem thêm – Vì đâu nhiều “sao hải ngoại” muốn về nước biểu diễn? 


Thực hiện: depweb

26/09/2014, 17:40