Từ một “cậu ấm Hà Thành,” Phạm Bằng đã vượt qua những ngăn cấm của gia đình để đến với nghiệp diễn, kiên trì theo đuổi con đường nghệ thuật và ghi dấu trong lòng khán giả với hình ảnh một nghệ sỹ say nghề đến tận những giờ phút cuối của đời người.
Nghệ sỹ ưu tú Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Trước khi bén duyên với nghệ thuật, ông là sinh viên trường Cao đẳng Giao thông Công chính. Sau những biến cố của gia đình, ông rời ghế nhà trường.
Việc tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (năm 1959) là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời ông – Phạm Bằng bắt đầu đến với nghề diễn.
Sinh thời, trong một cuộc trò chuyện với phóng viên, ông bảo: “Mẹ tôi chưa bao giờ đồng ý cho tôi làm diễn viên. Bà luôn lo lắng về một tương lai bấp bênh khi thù lao không đủ trang trải cuộc sống. Trái ngược với những tiếng cười mà tôi cố gắng mang đến cho khán giả là nỗi u buồn đeo đẳng mẹ đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Ở khía cạnh ấy, tôi cũng là kẻ bất hiếu khi không thể khiến mẹ an lòng. Biết là như vậy nhưng tôi mê diễn quá!”
Từ vai Lý trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” từng gây “sốt” sân khấu Thủ đô vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước tới những vai địa chủ hay “sếp hói” đầy vụ lợi trong các tiểu phẩm hài, phim truyền hình mà ông tham gia, nghệ sỹ Phạm Bằng “đóng đinh” tên tuổi với những vai phản diện.
Khán giả sẽ không quên hình ảnh một ông lão đầu hói với lối diễn tưng tửng và cách nhấn nhá câu thoại để diễn tả chân dung một ông sếp với vẻ bề ngoài luôn tỏ ra thanh liêm, cương nghị nhưng bản chất lại là kẻ sa đọa trong các tiểu phẩm hài của chương trình “Gặp nhau cuối tuần” từng “làm mưa làm gió” trên sóng truyền hình những năm 2000.
Nếu như khi nhắc tới cố nghệ sỹ Hán Văn Tình, công chúng thường nhớ tới câu thoại “Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại” thì khi nhớ về nghệ sỹ ưu tú Phạm Bằng, khán giả cũng khó lòng quên được câu nói “Ai bảo cậu đưa phong bì cho tôi” mà ông thể hiện rất thành công trong các tiểu phẩm hài “Gặp nhau cuối tuần” khi vào vai một ông sếp.
Ông thể hiện với một ngữ điệu rất đặc biệt: cách ông lên giọng ở đầu câu rồi hạ “tông” dần về cuối và nhấn vào chữ “ai” với thái độ quyết liệt đã lột tả bản chất của một “sếp hói” đầy vụ lợi.
“Anh em nghệ sỹ làng hài phía Bắc vẫn gọi ông là bố với tất cả sự kính trọng và yêu mến theo đúng nghĩa của từ này. Bởi lẽ, nghệ sỹ Phạm Bằng trên sân khấu, phim trường và bố Phạm Bằng ngoài đời thường là hai con người hoàn toàn khác nhau,” danh hài Vân Dung chia sẻ.
Chị bảo, trước tiên, nghệ sỹ Phạm Bằng là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo về tinh thần, thái độ làm việc hăng say, nghiêm túc. Trước khi vào vai, ông luôn nghiên cứu kịch bản rất kỹ lưỡng để chọn ra những câu thoại đắt ra, tìm cách nhấn nhá sao cho nghe qua, người xem thấy rõ màu sắc châm biếm. Trong phần lớn các buổi ghi hình, nghệ sỹ Phạm Bằng luôn là người đếm sớm nhất.
“Trước giờ bấm máy, ít khi nào gặp bố mà tôi chúng tôi không thấy bố đang cầm kịch bản nghiền ngẫm lại. Ngoài 80 tuổi mà bố vẫn tự đi xe máy tới các địa điểm ghi hình quanh Hà Nội. Bởi thế, khi nghe tin bố qua đời, tôi không khỏi bàng hoàng, thảng thốt. Mọi việc bất ngờ quá…,” nữ nghệ sỹ nói, giọng run run khác hẳn với vẻ chanh chua thường thấy trên sân khấu.
Nghệ sỹ Lê Hồng Giang (Giang Còi) bày tỏ: Khi còn là một cậu bé ngồi dưới hàng ghế khán giả, tôi hằng ước ao, bao giờ mình được như chú Phạm Bằng – một nghệ sỹ với lối diễn xuất nhẹ nhàng, hóm hỉnh, làm sôi động cả rạp hát.
“Nay, người nghệ sỹ ấy đã về hưu gần 30 năm nhưng mỗi khi nói đến sàn diễn, đôi mắt chú lại ánh lên niềm vui sướng – một con người yêu nghề và đeo đẳng với nghiệp diễn. Không ít lần, tôi tự hỏi, ở tuổi ngoài 80 rồi, tại sao chú không ở nhà sum vầy bên con cháu mà lại lặn lội đến những nơi rừng sâu núi thẳm? Câu trả lời là, không phải vì tiền thù lao hay sở thích xê dịch. Lý do duy nhất là vì công chúng. Chú luôn muốn được cống hiến cho công chúng. Và, tôi lại ước ao, biết bao giờ mình được như chú!” – nam diễn viên trải lòng.
Theo VietnamPlus