Ra đời nhằm mục tiêu mang đến những cơ hội giao lưu âm nhạc và trình diễn nghệ thuật cùng các nghệ sĩ, nhà giáo dục nghệ thuật trong nước và quốc tế, SOUL Live Project tổ chức sự kiện này với mong muốn đem nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả và các bạn trẻ yêu nghệ thuật tại Việt Nam, giúp các bạn cảm nhận và hiểu rõ hơn phần nào những giá trị văn hoá Việt trong hành trình tiếp nối và tiếp biến từ Xưa đến Nay.
Nội dung chính
– Ngâm thơ & hát Chèo: NSND Thanh Hoài (Khúc Dân Ca, Thật Thà)
– Hát Chầu Văn: NSND Xuân Hoạch (Nhớ Mẹ Ta Xưa) – NSƯT Thanh Bình (Mỗi)
– Hát Ca trù: NSƯT Thanh Bình (Thơ Tặng Người Xa Xứ)
– Hát Tuồng: NSND Minh Gái (Trích đoạn thơ dài)
– Hát Xẩm: NSND Xuân Hoạch (Xẩm Ngọng)
– Hát Dân ca: tập thể (Lời Ru Con Cò Biển)
– Hát Văn hầu đồng: tập thể (Tôi và Em, và Thánh Thần)
Các chương trình đã thực hiện thành công tại Hà Nội, 2015-2016:
– Trung tâm Giao Lưu Văn Hoá Phố Cổ.
– Trung Tâm Văn Hoá Pháp – L’Épace Hà Nội.
– Các trường Đại học và Trung học: ĐH Văn Hoá; ĐH Xã Hội & Nhân Văn; ĐH Sư Phạm; THPT Marie Curie…
– Xẩm Đình – Đình cổ Kim Ngân, phố Hàng Bạc.
Các nghệ sĩ chính
* NSND – Giọng ca vàng Thanh Hoài, thầy nghề trong nghệ thuật hát chèo, ngâm thơ cổ và nhiều thể dân ca. Từng là trụ cột Nhà hát Chèo Việt Nam, nay sắp lên tuổi “thất thập” với bề dày nửa thế kỷ ca hát chuyên nghiệp, bà vẫn sáng ngời trên sân khấu, giọng chuông vàng vẫn vang, sức diễn vẫn bền dẻo. Bà tự chọn các bài thơ lục bát của Nguyễn Duy để trình diễn với làn điệu phù hợp, làm riêng CD Ta Hát Bằng Lời Của Ta gồm những Tre Việt Nam – ngâm thơ, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – hát chầu văn, Lời ru mùa thu – hát ru Bắc bộ, Thật Thà – hát chèo, v.v…
*NSND Xuân Hoạch, nhạc sĩ kiêm nhạc công số 1 trong giới nhạc truyền thống Việt Nam hiện nay. Ông từng góp sức đáng kể vào việc phục dựng các bộ môn ca nhạc cổ như Ca Trù, Hát Xẩm. Trước hiện trạng những cây đàn Việt cổ cùng phong cách chơi đàn thuần Việt dần dần bị “Tàu” hóa, ông lao vào nghiên cứu và tái tạo kì được sợi dây đàn bằng tơ tằm tự nhiên, trả lại âm thanh gốc cho một số nhạc cụ dân tộc như đàn Bầu, đàn Đáy, đàn Nguyệt, Nhị, Hồ. Ông còn dạy nhiều thế hệ học trò học đàn, hát chầu văn, hát xẩm…
*NSƯT Thanh Bình, nguyên giảng viên trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Việt Nam, là nghệ sĩ dòng ca nhạc dân tộc chính tông, cháu nội của NSND hát Chèo Cả Tam; là học trò đích truyền về Ca Trù, hát khuôn của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức. Với chất giọng trong sáng, mượt mà và kĩ thuật thanh nhạc tinh tế, bà được coi là giọng hát mẫu mực trong làng Chèo và một giọng ca vàng của ca nhạc cổ. Bà cùng với NSND Xuân Hoạch vừa cho ra lò CD chung của hai người, Tiếng Thơ Trong Cõi Nhạc, gồm 12 bài thơ lục bát của Nguyễn Duy, những Tre Việt Nam, Xẩm Ngọng, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Cơm bụi ca, Thơ tặng người xa xứ…
*NSND Minh Gái, tuổi U60, trẻ hơn nhưng đẳng cấp nhà nghề bình đẳng với các nghệ sĩ bậc cụ U70 kể trên. Bà thuộc lớp hàng đầu trong làng Tuồng hiện nay, tay nghề cao, vốn nghề dày, trí nhớ tốt, diễn xuất thần.
Chương trình tìm hiểu thêm về âm nhạc cổ truyền Việt Nam
(18 giờ 30 thứ Sáu, 21/10/2016, tại 214 – 216 Pasteur, Quận 1, Tp.HCM):
– Giới thiệu tổng quan Âm nhạc cổ truyền, qua đó giúp khán giả hiểu thêm về Lịch sử bộ môn – Nhạc khí cơ bản – Phong cách âm nhạc (Đàn và Hát)
– Các nghệ sỹ nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc giới thiệu tổng quan một số bộ môn ca nhạc cổ truyền như Tuồng, Chèo, Chầu Văn, Ca Trù, Xẩm.
– Minh hoạ bằng các bài bản cổ điển và lời mới – thơ Nguyễn Duy.
Chương trình được tổ chức với sự đồng hành của Hãng hàng không Vietjet.
Bên cạnh việc mang đến cho người dân hàng triệu cơ hội đi lại bằng máy bay với chi phí tiết kiệm, Vietjet cũng luôn đồng hành cùng các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao, giải trí ý nghĩa thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho hành khách, người dân.
PV