Art Deco xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ trước với cột mốc quan trọng là cuộc triển lãm quốc tế tại Paris năm 1925 mang chủ đề “Exposition Internationale des Arts Décoratifs et Industriels Modernes”. Cuộc triển lãm mang tính “khai sinh” này, theo dự kiến lẽ ra đã được tổ chức vào năm 1915 nếu không có sự bùng nổ của Thế chiến thứ nhất. Tuy vậy, nó vẫn tạo ra chấn động về một xu hướng nội thất mới, mang đậm tính nghệ thuật.
Art Deco được biết đến như một trường phái mang tính trang trí thuần nhất, là sự đáp trả nặng ký trước việc sử dụng máy móc và những vật liệu mới thời đó (như nhựa và các vật liệu tổng hợp) trong cuộc sống hàng ngày.
Trào lưu Art Deco phát triển mạnh mẽ trong hơn 20 năm sau đó và có ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, bao gồm kiến trúc, trang trí nội thất, thời trang, mỹ thuật, điện ảnh… Art Deco trở nên rất “mốt” không chỉ ở Pháp mà còn tại nhiều quốc gia khác, ngay cả ở các nước thuộc địa, khi người Châu Âu mang theo những sản phẩm của trào lưu này trên con đường khai phá vùng đất mới
Ở Việt Nam vào thời Pháp thuộc, để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận lớn những ông chủ người Pháp không thể có những món đồ gỗ nhập từ chính quốc do cồng kềnh, tốn kém và rủi ro vận chuyển, bên cạnh đó, cũng để phục vụ cho các gia đình tư sản chuộng “đồ Tây”, rất nhiều xưởng mộc địa phương đã được mở ra với các đơn hàng ngày một nhiều. Đây là giai đoạn hưng thịnh của đồ gỗ nội thất Art Deco tại Việt Nam, và chúng đều gắn liền với các biệt thự Pháp cổ.
Xu hướng này kéo dài tới những năm sau 1960 và hiện đang được “hồi sinh” trong nhiều không gian đương đại.
Đồ gỗ Art Deco xuất hiện trở lại trong nhiều ngôi nhà hay quán xá mà chủ nhân có xu hướng hoài cổ. Nét duyên xưa được bài trí và phối hợp theo nhiều phong cách, tạo nên cảm giác ấm cúng, gần gũi cho không gian. Sự khác biệt của đồ Art Deco là rất rõ ràng khi so sánh với nội thất hiện đại, từ những bộ bàn ghế ăn, ghế có tay vịn, tủ đầu giường, đến bàn trang trí (console table) đều mang vẻ thanh thoát của đường nét và chắc khỏe về hình khối.
Thiết kế thoạt nhìn đơn giản mà lại tôn lên vẻ sang trọng dẫu không cần đến hoa văn phức tạp, không dùng nhiều xử lý tinh xảo, đồng thời tiết chế cả những đường cưa lạng uốn lượn lắt léo. Sự lôi cuốn còn thể hiện ở việc sử dụng những tấm, cột gỗ lớn, nguyên khối và xù xì – một cách sử dụng gỗ phóng khoáng mà không tạo cảm giác trọc phú như những kiểu bàn ghế hoành tráng chạm rồng trổ phượng.
Nhờ cảm giác liền mạch và tinh tế, nên dù được sử dụng với ý đồ thiết kế phá cách hay ứng dụng trong không gian hiện đại, cái hồn của gỗ Art Deco – những vật dụng có tuổi đời hơn nửa thế kỷ – vừa có ngôn ngữ riêng lại vừa thống nhất trong tổng thể kiến trúc. Vẻ đẹp giản đơn, mộc mạc trở thành yếu tố đắt giá để những sản phẩm nội thất này vẫn được ưa thích trong xu hướng nội thất đương đại. Có lẽ cũng bởi chúng gợi lên ký ức, hoài niệm về một thời phù hoa, xa cũ.