Live streaming: Việt Nam khấp khởi mừng! - Tạp chí Đẹp

Live streaming: Việt Nam khấp khởi mừng!

Giải Trí

Món mới trên bàn tiệc

Mùa hè năm nay, người ta ước tính có khoảng 20 liên hoan âm nhạc lớn trên thế giới ứng dụng công nghệ live streaming (truyền tải trực tiếp các nội dung đa phương tiện qua internet). Hình thức thì đa dạng: truyền trực tiếp phần biểu diễn của một số nghệ sĩ, nhóm nhạc như với Glastonbury hoặc truyền trực tiếp toàn bộ sự kiện trong 4-5 ngày như Coachella, Summerfest. Không thể phủ nhận, live streaming đã trở thành xu hướng mới của các liên hoan âm nhạc.

Với nhiều nghệ sĩ, live streaming là một thử nghiệm, một cách lôi kéo lượng fan hâm mộ quan tâm tới các sự kiện biểu diễn. Người tiên phong ứng dụng công nghệ này có thể nói là Jay-Z. Cách đây 3 năm, anh đã thực hiện live streaming một số buổi diễn lớn của mình qua YouTube và đạt tới 2 triệu người xem trực tuyến.

Ngay khi Facebook cập nhật thêm chức năng live streaming, nhiều nghệ sĩ thử nghiệm ngay như một cách gây chú ý hoặc cập nhật với fan những khoảnh khắc đáng nhớ của buổi diễn. Có thể kể đến Justin Bieber, Taylor Swift hay nhóm Coldplay… Tuy nhiên, cho tới nay, ngoài các buổi diễn trong khuôn khổ những liên hoan âm nhạc, chưa nhiều nghệ sĩ, ngôi sao ứng dụng công nghệ này cho các buổi diễn hay tour diễn lớn của mình.

Việt Nam ở đâu trong xu thế live streaming?

Tại Việt Nam, ca sĩ đầu tiên sử dụng công nghệ này là Sơn Tùng M-TP khi giới thiệu ca khúc “Âm thầm bên em” hồi tháng 8/2015. Tại thời điểm đó, Sơn Tùng đã thu hút hàng triệu lượt người xem trực tuyến trên kênh YouTube riêng cho buổi ra mắt sản phẩm của mình.

Chương trình dài hơi nhất sử dụng hình thức live streaming là liveshow “Đôi bàn tay thắp lửa” của nghệ sĩ Trần Lập hồi tháng 1/2016. Kênh YouTube tại thời điểm đó cũng đã thu hút hơn 300.000 lượt người theo dõi trực tuyến, bên cạnh 20.000 người xem trực tiếp ở sân khấu.

Cuối tháng 7/2016, nhà sản xuất âm nhạc Mỹ Thanh lần đầu giới thiệu tới công chúng một series chương trình live streaming quy mô, mở màn là đêm diễn “Đinh Mạnh Ninh Live” được ghi hình, ghi âm trực tiếp theo hình thức live streaming với chất lượng cao như trong studio và phát trực tuyến chính thức ngay trong chương trình.

Nhà nhà live streaming, thì sao?

Thực tế là các nghệ sĩ quốc tế tỏ ra không quá thiết tha với live streaming và việc fan sử dụng điện thoại di động quá nhiều trong các buổi diễn. Đầu tháng 6 vừa qua, một đoạn clip ngắn được chia sẻ trên mạng đã gây chú ý với nhiều người. Một “tín đồ” rock đứng ở vị trí hàng đầu trong buổi diễn của nhóm metal Slipknot, nhưng thay vì cuốn vào không khí sôi động của buổi diễn, anh chỉ tập trung loay hoay với chiếc điện thoại để quay live và… nhắn tin. Cực chẳng đã, giọng ca chính của nhóm là Corey Taylor đã tiến thẳng tới gạt phăng chiếc điện thoại khỏi tay anh chàng “vô duyên”. Một tình huống khác, giọng ca vàng nước Anh, Adele cũng đã than phiền ngay trên sân khấu khi cô thấy một nữ khán giả chỉ mải mê quay hình bằng điện thoại trong suốt buổi diễn của mình. Thậm chí, nữ ca sĩ Alicia Keys mới đây còn tuyên bố: Tất cả các buổi diễn của cô sẽ cấm sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng.

Giống như chính sự bùng nổ của điện thoại thông minh, công nghệ live streaming cũng bị cho là gây phiền toái với các buổi diễn ca nhạc. “Hãy hình dung khi vào địa chỉ xem trực tiếp toàn bộ hoạt động của một liên hoan âm nhạc, bạn có thể vừa xem phần trình diễn của nghệ sĩ này trên sân khấu vừa dùng điện thoại thông minh cập nhật màn trình diễn của nghệ sĩ kia ở sân khấu khác. Vâng, đó là giá trị của công nghệ! Nhưng xin hỏi bạn sẽ cảm nhận được gì khi thưởng thức theo cách đó?!”, ông Dhruv Prasad, người sáng lập trang loudwire.com, cũng là nhà tổ chức biểu diễn nổi tiếng ở Mỹ phàn nàn.

Mới đây nhất, trang web này đã bắt tay với YouTube thực hiện live streaming buổi diễn bất ngờ của nhóm Prophets of Rage trên nóc một tòa nhà trong khu ổ chuột ở New York. Nhưng Prasad khẳng định ông chưa có ý định ứng dụng live streaming với liên hoan âm nhạc Loudwire mà mình tổ chức hàng năm.

Nhà sản xuất có ngăn được phiền toái?

Tất nhiên, dù các nhà tổ chức có khai thác công nghệ live streaming hay không thì khán giả cũng sẽ chủ động làm điều đó bởi công nghệ này đã thỏa mãn sự chia sẻ, nền tảng quan trọng của mạng xã hội, ở một mức độ cao hơn.
        
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi nhà sản xuất thay bạn quay lại chương trình? Liệu khán giả có thể yên tâm cất chiếc điện thoại đi và thưởng thức các màn trình diễn? “Quá nửa khán giả của một buổi diễn muốn ghi lại những gì họ được thưởng thức để giữ riêng cho mình. Chính vì thế, thói quen ghi hình khi tới xem ca nhạc sẽ hình thành cùng với sự phát triển của những chiếc điện thoại thông minh“. Ông Brad Sexton, giám đốc của Live Media Group, đơn vị đối tác thực hiện live streaming nhiều sự kiện lớn như liên hoan âm nhạc Summerfest, giải thích. “Tuy nhiên, với công nghệ live streaming, người ta hoàn toàn có thể yên tâm rằng mình có thể xem lại toàn bộ buổi diễn một cách dễ dàng mà không cần bận bịu tự quay lại nữa”.

Tại Việt Nam, Mỹ Thanh đánh giá đây là một bước ngoặt về sản xuất âm nhạc. Nhạc sĩ Hồng Kiên, người chỉ đạo nghệ thuật của dự án chuỗi chương trình live streaming cũng cho rằng, đây là một cú huých đối với thị trường âm nhạc Việt.

Để tạo ra sự khác biệt và chỉn chu với sản phẩm của mình, trong bối cảnh làn sóng live streaming đang ồ ạt trên mọi kênh truyền thông, khi mà ai cũng có thể quay, phát và truyền tải trực tiếp đến người dùng, Mỹ Thanh cho biết, họ đặc biệt quan tâm tới chất lượng âm thanh và hình ảnh.

Bởi vậy, thay vì sử dụng một vài chiếc điện thoại hay máy quay hình tại buổi biểu diễn để phát trực tiếp đến người xem nhằm mang tính “nóng hổi, thời sự”, ê kíp thực hiện dự án của Mỹ Thanh đã chuẩn bị một hệ thống ghi âm hoàn chỉnh như trong phòng thu (studio) với sự hợp tác của các chuyên gia âm thanh hàng đầu Việt Nam. Kỹ sư âm thanh trong dự án này cũng như một người nghệ sỹ, đòi hỏi phải được đào tạo bài bản, chuẩn bị chỉn chu từ những chi tiết nhỏ, nhưng cũng phải có khả năng ứng tác tuyệt vời, để mang lại trải nghiệm live hoàn hảo cho khán giả, dù họ đang được xem và nghe chương trình bằng dàn âm thanh ở nhà song cảm giác như thể họ đang hiện diện ở nhà hát.

Trên thực tế, ứng dụng live streaming rộng rãi trong các buổi biểu diễn nghệ thuật sẽ mang đến cái lợi rất lớn cho khán giả, đặc biệt khán giả ở những vùng “trũng” của thị trường biểu diễn. Nhưng nhà sản xuất sẽ thu lại lợi nhuận thế nào, hiệu quả mang lại có như mong muốn, câu chuyện vẫn ở thì tương lai.

 
Bài: Hiếu Kim

logo

Thực hiện: depweb

08/08/2016, 10:26