Học hỏi kinh nghiệm trồng rau tốt, nuôi gà ngon trên sân thượng 60m2 - Tạp chí Đẹp

Học hỏi kinh nghiệm trồng rau tốt, nuôi gà ngon trên sân thượng 60m2

Sống

Đã làm vườn đến nay được hơn 15 năm nên chị Nguyễn Vân có khá nhiều kinh nghiệm trồng trọt. Mùa nào thức ấy, vườn sân thượng nhà chị luôn được phủ một màu xanh tươi mát của rau, củ, quả. Bên cạnh việc trồng rau quả sạch phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của gia đình, chị Vân còn dành một khoảng nhỏ trên sân thượng nuôi gà lấy thịt, trứng để ăn và sử dụng phân để ủ hoai mục bón cho rau quả.

Một góc sân thượng phủ xanh rau quả của gia đình chị Nguyễn Vân

Chị Vân sử dụng khung lưới cho vườn rau để giảm nhiệt và tránh sâu bọ

Khoảng sân thượng nhà chị Vân khá rộng, với diện tích lý tưởng lên đến 60m2 giúp chị có cơ hội trồng đủ loại rau trái. Mùa nào thức ấy, ngoài những giống rau quả phổ biến theo mùa, mỗi năm chị Vân lại trồng thêm vài loại rau quả mới để cảm thấy việc làm vườn thêm nhiều điều thú vị. Khoảng sân thượng được chị Vân đầu tư thiết kế khung kim loại chắc chắn, lắp giàn lưới quy mô giúp việc trồng rau được thuận tiện hơn. 

Bên cạnh đó, chị còn nhờ thợ thi công các bồn trồng rau bằng gạch, chia thành các luống trên sân thượng. Việc xây bồn tạo luống giúp chị tiết kiệm khá nhiều chi phí, không phải thay chậu hay mua những dụng cụ trồng rau nhưng vẫn tạo được một không gian xanh tươi, mát mắt. Bên cạnh các luống rau cố định, chị Vân còn tận dụng thùng xốp để trồng thêm các loại rau, đặt thùng ở các vị trí còn trống trên sân thượng. 

Các luống rau được chị xây cố định bằng gạch trên sân thượng

Bên cạnh rau trồng trong bồn, chị Vân còn trồng trong thùng xốp

Sân thượng 60m2 luôn ngập tràn rau sạch

Rau mồng tơi tươi tốt

Rau diếp

Kinh giới

Do bố trí hợp lý nên hầu hết các thùng rau chị trồng đều nhận đủ ánh sáng

Hẹ trồng trong thùng xốp

Chùm ngây trồng ở một góc sân thượng

Chị Vân chia sẻ, đối với chị, trồng rau không chỉ là thú vui, mà chị còn muốn cung cấp đủ lượng rau sạch cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. Vì thế, chị vẫn thường trồng rau theo mùa. Mùa nào trồng rau ấy. Tuy nhiên, để giúp bữa ăn thêm đa dạng cũng như tối ưu hóa diện tích sân thượng, chị Vân đã tận dụng khung kim loại vững chắc để lắp đặt thêm giàn trồng các loại cây leo ra quả. Mùa hè chị thường trồng rau muống, mồng tơi, rau ngót, chùm ngây, bí xanh, mướp, khổ qua, rau dền, đậu đũa cùng các loại rau gia vị như húng, mùi tàu, hành, tỏi, ớt, rau mùi… Sang Thu, chị lại trồng các loại rau cải như cải bẹ, cải chíp, cải ngồng, cải bó xôi, cải thảo, bắp cải, súp lơ, đậu leo, xà lách, su hào…

Đậu đũa sai quả

Đậu cô ve xanh

Súp lơ xanh

Hoa cà tim tím xinh xinh

Cà tím

Chị Vân trồng khá nhiều ớt

Ớt vừa làm cảnh vừa làm gia vị cho bữa ăn hàng ngày

Bí đĩa bay

Để có đất trồng rau, chị Vân đã khá vất vả đi một quãng đường xa để xin đất ruộng. Mỗi khi rảnh rỗi chị lại ra ngoại ô, nơi có đất ruộng trồng lúa và hoa màu để xin, sau đó chở đất về trồng. Khi chở đất về và mang lên sân thượng, chị Vân thường trộn đất cùng với tro và trấu để chuẩn bị trồng cây. 

Giàn mướp sai quả

Mướp đắng

Sân thượng rộng nên mỗi góc giàn được chị trồng một vài cây leo giàn ăn quả

Bí xanh

Bầu canh

Dưa chuột

Chia sẻ về bí quyết trồng rau sạch, củ quả đạt năng suất cao, chị Vân cho biết, chị thường dùng phân gà và phân cá tự ủ cùng phân hữu cơ Dynamic của Nhật Bản để bón luân phiên cho rau quả trên sân thượng. Bên cạnh đó, mỗi khi hết vụ rau, thu hoạch rau xong chị Vân thường sử dụng gốc rau và cành lá già cho xuống đáy bồn rồi phủ đất lên, trộn thêm phân và nấm Trichoderma ủ khoảng 1 tuần đối với các bồn đất trồng cây dài ngày. Với rau ăn lá thu hoạch một lần, chị Vân thường trộn đất và bón phân một lần duy nhất vào lúc làm đất chuẩn bị gieo trồng. Với các loại rau thu hoạch nhiều lần như rau muống, rau cải tỉa bẹ, rau ngót, mồng tơi, đậu đũa… thì sau mỗi lần thu hoạch xong chị Vân lại bón thêm phân hữu cơ Dynamic cho cây tiếp tục phát triển xanh tốt. Ngoài ra, chị Vân còn tận dụng nước vo gạo, nước rửa thịt cá, nước tiểu pha loãng tưới cho cây và rau.

Chị Vân dành một vài bồn để trồng cà chua

Cà chua bi trĩu quả

Cà chua giống quả to

Chị Vân kể lại, thời gian đầu trồng rau, rau chị trồng cũng thường gặp nhiều sâu bệnh, chậm lớn. Chị cũng xác định trồng rau để có nguồn thực phẩm hàng ngày đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mọi người trong gia đình nên chị đã đầu tư hệ thống lưới để ngăn côn trùng gây hại cho rau cũng như giảm nhẹ gió làm hư hỏng cây trồng. 

Tuy nhiên, có một số loại côn trùng gây hại vẫn xuất hiện trong quá trình chị trồng rau như bọ nhảy, nhện đỏ, rệp, sâu vẽ bùa… Để trị các loại sâu bệnh này, chị Vân thường sử dụng dầu khoáng, một loại thuốc bảo vệ thực vật không độc hại để diệt bọ trĩ, dầy rệp, nhện đỏ. Với loại bọ nhảy chị thường phải phá bỏ hết các cây họ cải trong một thời gian và phơi đất thật khô để diệt chúng. Để phòng ngừa ốc sên hại rau trên sân thượng, khi làm đất chị Vân thường rắc một lớp vôi bột mỏng trên bề mặt đất trồng, để ải vài ngày mới đảo đều và gieo trồng lứa rau mới.

Dâu tây

Chanh ra hoa và đậu quả

Bên cạnh những luống rau, giàn quả tươi tốt, lúc lỉu trên giàn, chị Vân còn dành một khoảng sân thượng để trồng các loại dưa như dưa chuột, dưa lê, dưa lưới… Mỗi năm chị lại trồng mỗi loại vài cây để tăng thêm niềm vui cho việc làm vườn. Với cách trộn đất đủ các thành phần dinh dưỡng, bổ sung phân bón và nước hợp lý nên mỗi mùa chị Vân thường thu hoạch được khá nhiều dưa trên sân thượng nhà mình.

Chị Vân thường tự thụ phấn cho dưa

Chị trồng khá nhiều loại dưa như dưa hấu, dưa lê, dưa lưới…

Khi quả to chị thường bọc lưới nhựa và treo quả để tránh bị gãy thân cây

Dưa lưới

Dưa lê

Do đực chăm sóc tốt nên trung bình 1 quả khoảng 2 đến 3kg

Ngoài trồng rau, củ quả, chị Vân còn nuôi gà. Trong chuồng gà trên sân thượng nhà chị lúc nào cũng có từ 8 đến 10 con gà. Hầu như ngày nào chị cũng thu hoạch trứng. Chị Vân chia sẻ, chị chăm sóc gà cũng khá đơn giản. Chị thường nấu cơm với đầu cá rồi trộn thêm rau sống thái nhỏ cho gà ăn. Chuồng gà được thiết kế sàn bên dưới, chị lót trấu phía dưới để giữ phân gà. Mỗi ngày chị lại dọn phân gà cho vào thùng ủ, trộn thêm nấm Trichoderma và ủ từ 2 đến 3 tháng. Khi chuẩn bị trồng rau, chị lại sử dụng phân gà để trộn với đất.

Gà được nuôi trong chuồng

Gà đẻ trứng đều mỗi ngày

Phân được ủ hoai để bón cho rau

Lục Bảo


logo

Thực hiện: depweb

16/07/2016, 16:04