1. Trong tiểu thuyết “Chồng xứ lạ” của tôi, có một nhân vật sau khi ly hôn với người chồng Đài Loan đã kiên quyết không chấp nhận việc quay về sống tại quê hương.
Cô ấy nói: “Con tôi cần một trường học tốt, một cô giáo không kỳ thị, một bác sĩ giỏi, một đơn thuốc có lương tâm không bị bóp méo bởi hoa hồng của hãng dược, những món ăn không bị trộn thuốc sâu hay chất formol bảo quản, một con đường cho con đi học bớt bụi bặm khói xe ô nhiễm, và không bị rải đinh lỡ trớn lao một cú bể sọ não, và hơn tất cả là một cuộc sống không ai có quyền xúc phạm dè bỉu nó, cười nó không cha.
Con trai tôi cần công viên không có rào ngăn và ống kim tiêm chích ma túy để chạy nhảy, cần một bể bơi gần nhà để học vẫy vùng, con trai tôi cần hòa nhập”.
Trang Hạ viết trên Đẹp:
– Độc thân – Đơn độc và kiêu hãnh
– Ly hôn – chẳng qua là hạnh phúc đến muộn
– Đàn bà thừa sau một cuộc hôn nhân
Câu chuyện đi hay ở, sống hay chết, bị chụp mũ là yêu nước hay ích kỷ đã trở thành câu chuyện cá nhân hơn của mỗi cuộc đời: Bạn có được gì trong đời, bạn là ai trong xã hội mà cả lương tâm lẫn không khí sạch cũng trở thành một điều xa xỉ?
Nếu cô ấy ra đi, chắc chắn lý do đưa ra sẽ có thêm những dòng như sau:
– Con tôi cần một bãi biển để tắm, không phải một bãi biển bị ô nhiễm.
– Con tôi cần một khu tập thể không bị các chuồng lợn – gà và vườn rau tự trồng đè lên trên, trong phong trào hô hào nông thôn hóa thành thị.
– Và con trai tôi cần sống ở một xã hội mà không ai có quyền lên tiếng chửi một người đàn bà không quen biết, vì bất cứ lý do gì!
Ô nhiễm biển, không khí, đất đai không đáng sợ bằng ý thức ô nhiễm, tinh thần ô nhiễm, lòng tự trọng cũng bị nhiễm độc toàn diện, và quan điểm sống méo mó theo những trào lưu “nổ” trên facebook của không ít những trí-thức-mạng.
Từ 3G, giờ là 4G. Cuộc đời văn minh lên và mạng không dây nâng cấp, không có nghĩa là những cái đầu đang miệt mài làm bạn với màn hình cũng được nâng cấp khỏi những cơn cảm xúc bầy đàn.
Sách bán khó mà thành best-seller, trừ những thứ sách vuốt ve những cơn bầy đàn. Hoặc loại sách tạo ra những cơn sốt vô nghĩa trong công chúng.
2. Nếu được nói với thế hệ con cháu, tôi sẽ không nói xin lỗi.
Tôi sẽ không xin lỗi thay cho những kẻ đang tàn phá môi trường. Và thế hệ tôi phải chứng kiến không ít bạn trẻ của thế hệ hiện tại lớn lên chỉ biết thần tượng toàn ngoại lai, nhạc nhẽo – phim kịch diễn như zombie, nhưng chính họ lại đang đầy bức xúc và phản biện, chấp nhận mọi sự đa dạng và sáng tạo, sẽ phải gánh vác vai trò là người vực dậy cả xã hội này về tương lai phát triển cũng như kiến tạo lại hệ thống tư duy và triết lý để các giá trị xã hội được hình thành lại lần nữa?
Tôi không biết hai mươi năm nữa tương lai như thế nào. Nhưng tôi dứt khoát không chấp nhận xin lỗi thế hệ con cháu, thay cho những kẻ đang trực tiếp hay gián tiếp tiếp tay cho việc tàn phá môi trường.
Tại sao lại là tôi, một người mẹ viết văn, phải xin lỗi con mình, chỉ vì tôi đã không đủ dũng cảm để lựa chọn việc ra đi như nhân vật của mình, dù tôi hoàn toàn có thể?
Mà tôi ở lại để đương đầu?
3. Nhưng có những sự thật trần trụi về một thế hệ đang tự chất vấn này!
Là chúng tôi không bao giờ tự thấy được chân dung nếu không nhờ một tấm gương.
Đủ gần để phản chiếu hình ảnh: Trong lúc chúng tôi kêu gọi giữ đất rừng, thì chúng tôi lại chẳng hề bận tâm rằng điện chạy máy lạnh 24 giờ của tôi từ đâu, hay các con tôi chạy ngoài sân chơi vã mồ hôi, dứt khoát phải đủ nước sạch để chúng tắm rửa. Tôi không thể nói, vì có một triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long đang tắm hạn mặn, nên hôm nay tôi bớt xài nửa chậu nước trong phòng tắm nhà mình!
Đủ xa để nhận ra cảnh huống: Những biển hoa, rừng bánh dâng biếu, các tượng đài ngàn tỉ, hoặc ngàn vạn tấm biển gia đình văn hóa gắn lên những khu chung cư ngập rác và hở ra là cướp giật cờ bạc… Những vui vẻ hoan hỉ hôm nay chỉ tăng thêm bao nhiêu tấn rác rưởi cho ngày mai.
Hay tấm gương thế hệ ấy chẳng cần soi cũng thấy, lấy đâu ra những đứa con tử tế khi mẹ vừa đi vừa ăn vụng ăn cắp trong siêu thị, bố vừa chờ con trong sân trường vừa bóp còi xe inh ỏi vì sốt ruột, những đám đông chỉ đợi va vào nhau trên đường là lao vào đánh nhau và lao vào hóng xem.
Và tôi dừng lại, cảm thấy tuyệt vọng trước vẻ đẹp thanh bình đơn sơ của thiên nhiên và con người ấy, đó là những vẻ đẹp cay đắng và tàn nhẫn.
Và chúng ta vẫn chờ những ông Tây đeo khẩu trang, xỏ găng tay lội cống nhặt rác?
“Chúng ta đã làm gì với thế giới này”?
Trong ca khúc “Earth Song” (Michael Jackson) – bài ca của sự thức tỉnh và sám hối – có câu: “Chúng ta đã làm gì với thế giới này để những cánh rừng trơ trụi lá, những chú cá voi gào thét vì biển khơi bị tàn phá, hay những con đường mòn xuyên rừng thẳm bị thiêu rụi bất chấp lời khẩn nài?”.
Câu hỏi được cất lên với giai điệu thống thiết như tiếng kêu quằn quại đau đớn của một con thú bị thương, cảnh báo loài người về sự tàn phá, hủy hoại không hồi kết của chính họ đối với môi trường đang sống dường như ngày càng nhức nhối hơn – trong hôm nay.
Vì lý do đó, Đẹp tổ chức chuyên đề đặc biệt này…