Da trắng thì sao, mà da không trắng thì có việc gì? - Tạp chí Đẹp

Da trắng thì sao, mà da không trắng thì có việc gì?

Sống

Hồi đó tôi cũng chẳng để ý nhiều, nhưng lên cấp hai, đến tuổi bắt đầu quan tâm tới vẻ ngoài, tôi mới thấy những nhận xét tưởng chừng vô hại đó ngấm vào nhận thức của mình đến mức nào. Phần lớn bạn bè tôi da đều khá trắng. Trên TV thì đủ các kiểu quảng cáo kem dưỡng trắng da, sữa tắm làm trắng da, lúc nào cũng khai thác cảnh một người phụ nữ da tối màu thở dài, buồn rầu, nhưng chỉ cần bôi kem vào cho da trắng hồng hào lên là cười rạng rỡ được ngay. Hơn thế nữa, thỉnh thoảng bạn bè ngồi túm lại với nhau bàn về tiêu chí chọn người yêu, mấy thằng bạn tôi gần như đứa nào cũng “da trắng nè, dễ thương nè.” 

Dần dần, tôi, cũng như bao người khác, bắt đầu vô thức gắn “da đen” cho sự xấu xí, thấp kém, trong khi “da trắng” trở thành một điều đáng mơ ước, đại diện cho sắc đẹp và hạnh phúc. 

Mùa hè năm 2001, Trina Johns, Giáo sư ngành Luật của trường ĐH Duke, Mỹ, đặt chân tới Hà Nội lần đầu tiên trong một chuyến đi thực địa. Đi từ sân bay về khách sạn, qua cửa kính taxi, bà nhìn thấy hàng loạt phụ nữ cả đi bộ, lái xe máy hay xe đạp, đều bịt khẩu trang, mặc lớp lớp áo quần che kín mít mặc dù ngoài trời vừa nóng vừa oi. Bà Johns băn khoăn không hiểu tại sao, vì mọi bản năng của bà trong thời tiết này đều chỉ muốn cơ thể được thoát nhiệt một cách tối đa. 

Bà tự hỏi liệu có phải những phụ nữ này muốn bảo vệ bản thân khỏi tia cực tím và khí thải giao thông, hay đằng sau đó còn có gì khác?(1)

Với người Việt Nam chúng ta thì đó là một hình ảnh quen thuộc, nhìn thấy hàng ngày mỗi khi hè về. Trina Johns đã đặt ra một câu hỏi xác đáng, vì quả thật chúng ta hoá ninja chủ yếu không vì sợ ung thư da hay hít phải khói bụi. Ta sợ làn da ngăm đen, đi ngược lại tiêu chuẩn sắc đẹp được xã hội công nhận.

Sự phân biệt đối xử dựa trên màu da khá phổ biến, nhưng mãi đến năm ngoái trong lớp Xã hội học, tôi mới biết cái tên chính thức của nó là “colorism”. Ở một quốc gia đa sắc tộc như Hoa Kì, chẳng hạn, colorism có thể liên quan tới phân biệt chủng tộc. Nhưng ở các quốc gia khác nơi chỉ có một chủng tộc chiếm đa số, thì colorism đơn thuần là sự ưa chuộng màu da này hơn những màu da khác, thể hiện qua khác biệt trong đối xử. 

Việt Nam không phải đất nước duy nhất thần thánh hoá làn da trắng. Ở Mỹ nơi tôi đang sinh sống và học tập, mặc dù thời nô lệ đã kết thúc từ lâu, nhưng định kiến rằng người da trắng ưu việt hơn người da màu, tên gọi khác là phân biệt chủng tộc, vẫn nhan nhản hàng ngày. 

Trên nấc thang giai cấp, người da trắng vẫn chiếm vị trí trên cùng. Vì da càng sáng thì càng được đối xử tốt hơn, nhiều người da đen đã chủ động kết hôn với những người có màu da sáng hơn hoặc dùng các biện pháp tẩy da để nâng vị thế xã hội của mình.(3) 

Hiện tượng chuộng da trắng này gây ra bất hoà trong chính cộng đồng người da đen. Bạn có nhớ chuỗi phim “That’s So Raven” trên Disney Channel hồi trước về hai chị em da đen sống trong Nhà Trắng? Raven-Symoné Pearman, diễn viên đóng vai Raven, đang bị tẩy chay bởi chính cộng đồng người da đen vì đã tẩy da cho sáng lên và có những phát ngôn được cho là “xúc phạm tới cội nguồn” của mình.(4)

Ở các nước châu Á, từ lâu người ta đã quan niệm da sáng màu thể hiện một người là tầng lớp trí thức, được ở trong nhà nhiều, giàu có hơn và có vị thế cao hơn, trong khi da tối, xỉn màu là những người lao động chân tay nghèo khổ, làm việc ngoài trời. Bên cạnh đó, quá trình thuộc địa hoá của phương Tây xưa kia và toàn cầu hoá hiện nay càng củng cố tiêu chuẩn sắc đẹp này. Truyền thông, phim ảnh, văn học ngập tràn vẻ đẹp phương Tây với da trắng, mắt to, mũi cao, môi đỏ như Bạch Tuyết.(5)

Mặc dù càng ngày người da trắng càng ưa chuộng da nâu hơn, nhưng lí do không phải vì tự nhiên họ thấy nó đẹp, mà vì làn da rám nắng thể hiện người đó có tiền và thời gian đi du lịch, phơi nắng, nhuộm da. Ở châu Á thì không có trào lưu này. Da nâu bẩm sinh hay do tắm nắng thì đối với nhiều người cũng đều không bằng da trắng cả. 

Để có được làn da như ý, bên cạnh việc làm ninja trong ngày hè, nhiều phụ nữ châu Á dùng đủ các loại mỹ phẩm trắng da, hay thậm chí tắm trắng, tiêm thuốc, uống thuốc, dù nhiều sản phẩm chứa biết bao chất độc nguy hiểm như thuỷ ngân và chì. 

Nhiều bạn trẻ hầu bao eo hẹp đã chấp nhận mua các thuốc tắm trắng không rõ nguồn gốc thường được rao bán trên Facebook của các “hot girl,” đánh cược sức khoẻ và cả sắc đẹp của mình để có được làn da mơ ước.

Công cuộc làm đẹp thực sự không dễ dàng như nhiều người nghĩ.

Hè năm ngoái khi trở về Việt Nam sau một năm đầy tuyết và giá lạnh ở Mỹ, tôi không kìm được mà lại phơi nắng cả hè, da cũng gọi là rám nắng trong mức xã hội chấp nhận. Có một hôm tôi vào một tiệm cắt tóc khá nổi tiếng, nhân viên toàn các chị chân dài, da trắng nõn nà đứng tụ lại một góc phía trong. Tôi vừa bước qua, tự nhiên nghe thấy có một chị thì thầm trong tiếng cười: “Da đen thế kia thì chó nó yêu.” 


Đây không phải lần đầu tiên tôi bị hạ thấp chỉ vì màu da của mình, nhưng tôi cứ nhớ mãi câu nói đó. Nó ám chỉ rằng những người phụ nữ da tối màu không xứng đáng được yêu. Nó đại diện cho một xã hội trọng hình thức hơn phẩm chất, sẵn sàng tước đi quyền lợi và giá trị của một người nếu vẻ ngoài của họ không theo chuẩn mực.

Hồi xưa tôi còn tự nhủ, không có được làn da trắng là một sự thiệt thòi, nhưng thôi, mất cái này thì bù lại bằng cái khác. Nhưng đến giờ thì tôi nhận ra, tại sao phải xấu hổ, tại sao phải coi đó là cái “mất,” tại sao không thể chấp nhận sự khác biệt của mỗi cá thể mà phải gò nhau vào những khuôn phép? 

Một màu da phát ra thông điệp gì là qua sự phát triển của xã hội, con người qui định ngầm với nhau như vậy. Tiêu chuẩn nào cũng đều không được sinh ra một cách tự nhiên và cũng sẽ không sống mãi với thời gian. 

Tôi không tự nhiên mà thấy tự ti về làn da bánh mật của mình; điều thay đổi nhận thức của tôi là cả một quá trình bị trêu trọc, hạ thấp từ những người xung quanh, bị thành kiến chống lại chính mình bởi những hình ảnh không thực tế từ truyền thông, phim ảnh.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta giải thoát cho chính mình và người khác khỏi những áp lực, trông đợi, và định kiến xã hội. Hãy biết yêu bản thân mình, tôn trọng sự khác biệt, và nhớ rằng ta sống không phải để làm hài lòng người khác.

Tham khảo thêm:

(3): Kerr, A. E. (2006). The paper bag principle: Class, colorism, and rumor in the case of black Washington, DC. Knoxville: University of Tennessee Press.
(5): Rondilla, Joanne L, and Spickard, Paul (2007). Is Lighter Better?: Skin-tone Discrimination Among Asian Americans. Lanham: Rowman & Littlefield Publishers. ISBN 9780742554948.
Bài: Trần Khánh Linh
SV ngành Truyền thông và Xã hội học
ĐH Oberlin, Mỹ
logo

Thực hiện: depweb

13/04/2016, 11:13