“Đi” là không chờ đợi
Journeys to the East là cái tên mà chị Nguyễn Việt Loan chọn để gây dựng sự nghiệp gắn với niềm đam mê của mình, ở thời điểm mà chị nhẽ ra hoàn toàn không cần nghĩ suy về chuyện mưu sinh nữa. Trong ngôi nhà đẹp từng milimet ven hồ, những buổi sáng sẽ tràn hương hoa và ngập gió, chị Loan có thể dùng bữa sáng bên bể bơi, hay thảnh thơi bước lên ngôi nhà cổ, ngồi trên chiếc ghế trường kỷ gỗ, thưởng trà và ngắm bình minh hay hoàng hôn đều rất tuyệt vời.
Nhưng ở người phụ nữ này, niềm vui không “giản dị” như vậy. Từ khi còn là một cô bé, cứ trung bình 2 năm chị lại học một ngoại ngữ mới. Cộng hưởng cùng những chuyến đi – chuyến thì theo chân bố mẹ, chuyến thì tự đi một mình, chị Loan đã có được vô số hành trình – và chưa dừng lại. Trong số đó có những lần di chuyển “lớn”, với những miền đất nhiều cơ duyên, đã giữ lại của chị mỗi nơi… vài năm trong cuộc đời. Trong số đó, lâu nhất là Trung Quốc: 6 năm, nước Đức: hơn 5 năm, khiêm tốn hơn là 2,3 năm.
Cho tới khi lập gia đình, chị Loan đã “kịp” nói lưu loát 7 thứ tiếng. “Hiểu và thông thạo ngoại ngữ giống như nắm trong tay một dụng cụ quát quang, mở lối – đưa ta đến những vùng trời mới, những người bạn thú vị, những ý tưởng hay và những đam mê chu du càng thêm nối dài. Điều này có lẽ rất đúng với tôi”. – chị Loan chia sẻ.
Một trong những buổi học nấu ăn do Journeys To The East tổ chức
Trước khi được biết tới với vai trò chủ tịch công ty TNHH Quản lý Tour du lịch hạng sang Đông Du – Journeys To The East DM Co.,Ltd, chị Loan đã là một người phụ nữ có tiếng trong giới doanh nhân thành đạt. Năm 1989, khi cánh cửa hội nhập trong nước bắt đầu mở ra, chị là một trong những Việt kiều đầu tiên quay trở về, với mong muốn đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng quê hương. Chị cũng là người phụ nữ đầu tiên thành lập Hà Nội Business Centre tại 51 Lý Thái Tổ – trung tâm giao dịch quốc tế, nơi các công ty quốc tế đến để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Những tháng năm sinh sống, học tập và làm việc tại nhiều đất nước khác nhau cũng chính là những khoảng thời gian trải nghiệm, và lao động không ngừng nghỉ của chị. Trải qua rất nhiều vai trò, vị trí quan trọng như tư vấn đầu tư chiến lược, đại diện phát triển độc quyền thương hiệu, chủ hệ thống nhà hàng, những hiệu đồ cổ lớn… chị Loan sở một gia tài thực sự đồ sộ về kinh nghiệm, kiến thức, mối quan hệ, và đương nhiên là cả gia tài theo nghĩa đen của nó.
Các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam cần có những cộng sự, đối tác làm cầu nối. Và cái tên Nguyễn Việt Loan lại càng được biết tới nhiều hơn với hình ảnh năng động, nồng hậu và luôn hết mình với công việc. Từ nhiệm vụ chính của mình, chị lại được “lôi kéo” về với đam mê vốn dĩ luôn âm ỉ. Những chuyến đi giới thiệu dự án, những địa danh du lịch tiềm năng, những cuộc trò chuyện, những miền đất hoang sơ và trăn trở “Việt Nam của mình vô vàn cảnh đẹp, vô vàn điều hay, sao vẫn chưa nhiều người muốn đến và muốn quay trở lại?” – đã thôi thúc chị hành động.
Du lịch, không phải là “Check- in” – mà là khắc ghi xúc cảm
Những hành trình của Journeys To The East không dành cho số đông, và chị Loan cũng không hướng tới điều này. Có lẽ, chị muốn tìm “bạn tâm giao” trong thú vui khám phá, du lịch thì đúng hơn. Bởi đa phần những người “chu du” với Journeys To The East đều sẽ từ khách hàng thành bạn – hay ngược lại. Và mạng lưới “bạn hàng” của chị lại chính là những kênh truyền thông bằng cảm xúc thật tốt nhất tới những người bạn khác.
Chị tự tay mình xây từng “tour”, đưa vào hành trình những điểm đến mà mình đã có dịp trải nghiệm, biết chắc chắn rằng người đến sau sẽ thích.
Và tất nhiên, mỗi địa danh phải để lại điều gì đó thật đặc biệt trong tâm trí của họ sau mỗi chặng dừng chân. Món ăn ngon, thắng cảnh đẹp, sự đón tiếp chân tình, lòng hiếu khách và những nét văn hoá chân phương nhất của bản địa, tưởng dễ mà rất khó. Khách càng “5 sao”, trải nghiệm “home stay” – càng phải chân thực, khâu tổ chức càng phải kỹ lưỡng và chu đáo.
Và chân thực thế nào, sàng lọc ra sao để vừa đủ tinh tế, tránh xô bồ, vừa xóa nhòa những ấn tượng hay thông tin chưa được tích cực về văn hóa du lịch – phục vụ của Việt Nam mà vẫn tạo ra được những không gian tiếp xúc sống động và thực tế đối với chị Loan chính là hành trình “gian nan” nhất. Sau mỗi chuyến đi, điều đọng lại trong tâm trí của mỗi du khách là những kiến thức, cảm nhận và ấn tượng trìu mến về văn hóa mỗi vùng đất họ đi qua mới thực sự là “quả ngọt”. Và chị Loan đã tìm những mảnh đất – không bao la nhưng sẽ rất trù phú nếu biết chăm bón, để ươm mầm.
Hành trình đến phương Tây – tại sao không?
Mỗi năm vài lần, chị lại “xếp va li nhanh rồi đi” – đến cả những vùng đất tưởng chừng đã cũ, để tìm cho ra những gì mới mẻ. Chị vừa trở về Hà Nội sau một chuyến đi thăm lại Hội An và Huế, những nơi đã “mòn gót” dân du lịch. Và chị lại tìm thấy những cung đường mới, nơi không phải tụ điểm của khách tham quan, không nhằm cung ứng nhu cầu “check-in” của đám đông. Và chắc chắn, trong lần tới quay lại đây, đi cùng chị sẽ có những người bạn – khách hàng mới.
Hành trình gồm các chuyến tham quan các thành phố nổi tiếng về nghệ thuật và kiến trúc của châu Âu, đi thăm các lâu đài cổ kính, tham gia vào những buổi hái nho tại vùng rượu vang nổi tiếng Bordeaux của Pháp. Du khách cũng sẽ được học hỏi nghệ thuật thưởng thức các loại rượu vang tuyệt hảo ngay tại các hầm rượu của một số lâu đài. Đến với xứ Provence, chắc chắn ai cũng sẽ bị hớp hồn khi được dạo chơi trong những vườn hoa hướng dương và oải hương thơ mộng, thơm ngào ngạt.
Đi bộ khám phá những ngôi làng cổ kính xinh đẹp bình dị nằm rải rác xung quanh các vùng núi hay những tòa lâu đài là vẻ đẹp và mầu sắc rất đặc trưng nơi đây cũng sẽ là một trải nghiệm khó quên. Và tất nhiên, hương vị những món ăn ngon càng thêm dư vị khi bạn thưởng thức trong không gian xanh mướt đầy nắng giữa hòn ngọc Verdon Gorges và Riviera.
Khách sẽ cừng chân ở Venice, thong dong đi dạo qua các con kênh đào lãng mạn và vô số cây cầu, các đường phố nhỏ hẹp. Bạn có thể vừa thưởng thức bữa ăn rên thuyền, vừa chiêm ngưỡng cảnh quan thành phố. Buổi sáng bình minh, hoàng hôn hay lúc mặt trời lặn sẽ là những khoảnh khắc khó quên khi trong tầm mắt bạn luôn là những cảnh đẹp và không gian lãng mạn đến say đắm lòng người.
Chị Loan chia sẻ, chuyến đi có thể dài tới 20 ngày với hàng trăm “sàng khôn” lý thú.
“Cũng là một người Việt, tôi biết có rất nhiều người cũng yêu thích du ngoạn như mình, và nhu cầu của họ không đơn thuần chỉ là ngắm cảnh hay chụp ảnh, mà còn để tìm hiểu, cảm nhận về văn hoá. Và những ý nghĩa về văn hoá, về tính bản địa luôn là điều tôi coi trọng nhất trong mỗi hành trình mà mình tạo nên – dù hành trình đó ngắn hay dài, xa hay gần. Năm ngoái, tôi và các khách hàng của mình đã thực hiện một tour tới Amazon, và những người khách Việt của chúng tôi đã vô cùng thích thú với chuyến đi này, bởi nó mang tới cho họ quá nhiều trải nghiệm mới lạ. Tour đi Châu Âu năm nay chắc chắn sẽ đáng nhớ không kém” – Chị Loan hào hứng.
Sự duy mỹ, mực thước và cẩn thận của gia chủ được thể hiện ở từng tiểu tiết trong ngôi nhà của chị Nguyễn Việt Loan.
Nơi chị đang sinh sống cũng là một trong những điểm “home stay” có một không hai ở Hà Nội. Song song với căn biệt thự kiến trúc hiện đại với bể bơi, vườn tược và cây cối xanh mướt mắt là một ngôi nhà cổ mà để có được, chị đã tốn vô cùng nhiều công sức, tâm huyết. Đó không phải một ngôi nhà được dựng lên theo phong cách cổ, mà là một ngôi nhà cổ thực thụ với đủ kết cấu nguyên sinh của nó – vốn là nơi ở của một vị Quan lại Triều đình Nguyễn tại Huế thời vua Thành Thái. Chị đã cất công sưu tầm, chở từng cột, kèo về Hà Nội và dựng lại nguyên hình nguyên dạng trên tầng 2 của căn biệt thự. Khách đến Hà Nội có thể ngắm nghía ngôi nhà này trọn vẹn chỉ sau vài bước lên cầu thang, mở cửa ra và đón gió hồ Tây lồng lộng tràn vào.
Với sự mạnh mẽ, quyết liệt, khác biệt nhưng lại rất dịu dàng và tỉ mẩn, chị đã tạo nên công thức cho sự thành công của mình. Và cũng với công thức ấy, chị vẽ ra những hành trình đáng giá. Chị tiết lộ, mình đang tổng hợp ý tưởng và tư liệu để viết một cuốn sách về cuộc đời và những chuyến đi của mình. Cuốn sách đó chắc chắn sẽ rất đáng tìm xem, ít nhất bạn sẽ được chị chia sẻ “một nửa gia tài”.