“Cái ‘vẫn thế’ là đáng tự hào chứ!”
– Anh chuẩn bị có một show diễn ở Hà Nội, nhưng lần này khách mời hàng diva có vẻ đông hơn. Đã đến lúc Bằng Kiều cần nhiều người “yểm trợ” đến thế sao?
– Thực ra kể từ năm 2012 trở về nước, lần nào show diễn của tôi cũng có khách mời. Lần này, những người xuất hiện cũng đều là các giọng ca tôi yêu thích, có người thì học cùng, có người đã từng làm việc ăn ý. Nhưng khách mời thì sẽ chỉ giữ đúng vai khách mời thôi, tôi vẫn là người hát chính.
– Khán phòng dành cho anh vẻ như cũng đang dần nhỏ lại. Vì từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia về Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội là khác biệt lắm rồi!
– Hai năm nay, dịp này tôi đều hát ở Cung, bởi đó cũng là đơn đặt hàng của nhà tổ chức. Chương trình thiên về sự ấm cúng nên không gian này là phù hợp. Mà về tinh thần, thì ở không gian đó, sự giao lưu cũng dễ hơn. Còn ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tôi vẫn sẽ làm show, và điều này các năm qua cũng đã vẫn thế.
– Chứ không phải do anh cảm thấy sức nóng của cái tên Bằng Kiều đã dần hạ nhiệt ở thị trường trong nước?
– Tôi thấy sự yêu mến của khán giả dành cho mình vẫn rất nồng nhiệt. Tôi có một lượng khán giả trung thành và cố định qua năm tháng. Đối với người hát, đó là hạnh phúc to lớn. Tất nhiên, sự ồn ào như thời gian đầu trở về thì dần dần lắng lại. Nhưng khán giả của tôi, vốn họ không thích sự ồn ào. Họ giống tôi.
– Vừa xuất hiện đã được xếp ngay vào “hàng ghế VIP” với chất giọng khó trộn lẫn, Bằng Kiều được kỳ vọng sẽ còn tiến xa hơn so với điểm xuất phát. Vậy nhưng, có vẻ không đúng như kỳ vọng?
– Tôi luôn bằng lòng với những gì mình đang có, vì tôi không đặt mục đích xa vời, lớn lao trong cuộc sống. Với tôi, một nghệ sĩ, thì sự nghiêm túc với những gì mình làm trong suốt thời gian dài chính là sự tôn trọng khán giả và tôn trọng bản thân. Còn để đi đến hôm nay, tôi luôn có suy nghĩ trau dồi kiến thức liên quan đến nghề nghiệp. Tôi học từ những thứ bắt gặp trong đời thường, trong nghề nghiệp và học cả đàn em nữa. Tôi cho rằng mình may mắn không phải là người bảo thủ trong công việc. Tôi rất “open”.
– Qua năm tháng, anh có thấy mình cũ đi không?
– May mắn là hình như khán giả không thấy tôi cũ đi. Tôi cũng không thấy mình cũ đi. Khi nghe lại những bài hát cũ, tôi thấy mình đã hát khác. Về chuyên môn, tôi còn thấy mình hát tốt hơn ngày xưa, truyền cảm và sâu hơn. Cái sâu đó có thể nhờ trải nghiệm đời sống mà thành.
– Nhạc sĩ Tường Văn (cựu thành viên Quả Dưa Hấu – PV) nói rằng, từ “hàng ghế VIP” đó, Bằng Kiều có quyền đi xa hơn thực tại…
– Đó là một cái nhìn và mong muốn chân thành từ anh em, từ những người thân của mình. Vì người thân bao giờ cũng kỳ vọng về mình nhiều hơn, đôi khi vì yêu thương, đôi khi vì tôn trọng. Với tôi, sự kỳ vọng đó thật đáng quý. Tôi vẫn sẽ lắng nghe những chia sẻ đó, nhưng tôi không phải là người “đẽo cày giữa đường” nên ý kiến nếu đúng thì mình bổ sung, nếu phù hợp với mình thì mình cố gắng làm, còn không thì vẫn phải theo cách của mình.
– Nhưng nếu so sánh với người ra đi cùng thời điểm với anh là Thu Phương, thì chị ấy giờ đây gây cảm giác táo bạo hơn anh. Và Hà Trần nữa, dù ở xa quê hương nửa vòng trái đất, vẫn ngày càng khẳng định vị trí người dẫn đường trong làng nhạc Việt… Vậy sự sáng tạo của Bằng Kiều, nếu có, nằm ở đâu?
– Tôi nghĩ quan điểm về sự sáng tạo của mỗi người là khác nhau. Khi hát một bài hát cũ theo cách của mình, đó là một sự sáng tạo. Khi bạn thổi được cái đương đại vào những bài ca cũ, là một sự sáng tạo. Dẫu rằng, sự sáng tạo đó, mọi người không dễ nhận ra như khi bạn tạo ra một sản phẩm mang tính tiên phong. Tôi rất thích Hà Trần, rất trân trọng cách Hà đi, nhưng có thể quan niệm của tôi hơi khác biệt, bởi đối với tôi, nghệ thuật phải có công chúng. Và mỗi nghệ sĩ như chúng tôi có nhiệm vụ riêng trên con đường chung ấy. Dù theo cách nào, tôi nghĩ tất cả đều đáng trân trọng và khuyến khích.
– Cũng có thể hoàn cảnh của anh khác: Một ông bố ba con hậu ly hôn – trách nhiệm đó không đơn giản với một người nhập cư ở Mỹ. Quan điểm nghệ thuật của anh liệu có vì thế mà cũng cần thực tế và thực dụng hơn?
– Những đứa con có thể là một yếu tố, nhưng nó không phải là tất cả. Tôi không đổ tại những thứ đó trong công việc của mình.
– 10 năm ở Mỹ, sự thực dụng của người Mỹ đã dạy cho anh điều gì?
– Tôi thay đổi nhiều về quan điểm nghệ thuật. Ở Việt Nam tôi đã nổi tiếng và được yêu mến rồi, tôi lên sân khấu đơn giản chỉ cần hát là đủ. Sang Mỹ, tôi học được rằng, khi một ca sĩ bước lên sân khấu, anh phải tạo ra một không gian giải trí. Vì thế, nếu so với cách đây 20 năm thì những màn trình diễn của tôi đã khác trước rất nhiều.
– Nhưng người ta cho rằng, phía sau anh là cả một bộ máy, họ đã tạo sẵn cho anh không gian ấy, anh chỉ việc bước vào. Nên ngay cả ở Mỹ, anh cũng rất thong dong trong việc hát.
– Không, nhà tổ chức đó, sân khấu Thúy Nga chỉ là một góc trên con đường nghệ thuật của tôi. Nếu tôi không tạo ra thứ của riêng mình, thì tôi không đi đến hôm nay được.
– Nếu cho rằng, sau gần 20 năm, Bằng Kiều “vẫn thế”, thì anh có buồn không?
– Tại sao tôi phải buồn, cái “vẫn thế” đó là điều đáng tự hào chứ! Vì ít nhất, với sự “vẫn thế” đó, tôi có sự bình yên và an tâm trong sự nghiệp, bên cạnh một đời sống nhiều sóng gió.
“Hưng đã đi xa so với xuất phát ban đầu”
– So với những bạn nghề cùng trang lứa, anh nghĩ anh và Tuấn Hưng đã đi xa được bao nhiêu?
– Tôi hơi duy tâm nên tôi tin mọi thứ đều có sự may mắn riêng, bởi có nhiều người nỗ lực như chúng tôi mà vẫn không thành công. Nên tôi vui khi thấy anh em trong Quả Dưa Hấu, mỗi người đều có vị trí riêng trên con đường của mình.
Ở hàng “tiền đạo”, tôi và Hưng đều biết khai thác sự may mắn đó. Trong quan sát của tôi, Hưng đã đi rất xa so với xuất phát ban đầu, bằng một bước rất dài. Với tôi, Hưng là một trong số ít các nam ca sĩ hàng đầu của Việt Nam hiện tại. Còn trong dòng nhạc Hưng theo đuổi, ở thời điểm hiện tại, Hưng là số một.
– Giọng hát có phần hạn chế của Hưng lúc bắt đầu, đến nay đã khắc phục được bao nhiêu, theo anh?
– Hưng đã khắc phục được rất nhiều. Thời mới bắt đầu, Hưng rất có sức hút sân khấu, nhưng giọng Hưng thô hơn. Bây giờ giọng Hưng đã đẹp và truyền cảm hơn nhiều. Nhưng ở góc độ chuyên môn, tôi vẫn khắt khe với các em, trong đó có Hưng. Khi có dịp nói chuyện về chuyên môn, tôi vẫn góp ý thẳng với Hưng về chuyện đó. Tôi luôn coi Hưng là một đứa em mình vẫn cần phải có trách nhiệm.
– Còn Tuấn Hưng thì không ngần ngại thừa nhận: “Anh Kiều là người có đẳng cấp hơn tôi về giọng hát”…
– Những mĩ từ đó người làm nghề dành cho nhau là điều đáng trân trọng. Nhưng tôi nghĩ, khán giả chẳng quan tâm đến đẳng cấp hay không, họ chỉ đơn giản thích hay không thích. Hưng dành cho tôi sự ưu ái đó, tôi hiểu mình vẫn được Hưng tôn trọng như xưa. Nhưng có thể Hưng không biết, tôi học từ nhiều người và học cả Hưng nữa. Bởi tôi tin, ai thành công đều có giá trị riêng của họ, và điều đó không ai chối bỏ được.
– Nên bây giờ Hưng đang tìm đường vào Nhà hát Lớn. Anh có lời khuyên nào với “đàn em” của mình?
– Tôi không có quan niệm phân biệt các dòng nhạc, càng không phân biệt về không gian âm nhạc. Vì không gian là một thứ trừu tượng dành cho nghệ thuật ca hát. Đối với tôi, chủ yếu vẫn là khán giả, khi khán giả yêu thích thì Hưng hát ở đâu họ cũng sẽ ủng hộ và yêu mến Hưng thôi. Cũng như tôi, tôi vẫn hát ở chợ, ở quảng trường, phòng trà. Mình không thể nói chỗ đó là rẻ tiền, còn Nhà hát Lớn thì sang chảnh.
– Cùng là những chàng trai Hà Nội, anh thấy mình và Hưng có những điểm giống và khác gì?
– Điều giống nhau rõ nhất có thể đó là cả hai chúng tôi đều là người tình cảm. Nhưng khác nhau là, Hưng bộc trực nên bộc lộ nhiều hơn, còn tôi thì ít thể hiện điều đó hơn. Sự bộc trực của Hưng dẫn Hưng đến với thứ âm nhạc sôi nổi, còn tôi ngày càng trầm lại, nên tình ca – dù không chọn trước, vẫn trở thành sở trường.
– Chứ không phải là các anh đều đào hoa như nhau?
– Cái đó thì để mọi người nhìn nhận, còn mình đâu dại gì tự nhận. Mà kể cả Hưng, Hưng cũng đâu có nhận!
– Những dấu vết đang được xóa dần sao?
– Tôi nghĩ sự đào hoa đó là do cuộc sống đưa đẩy, chứ là con người, ai chẳng mong mình có một cuộc sống êm đềm. Còn người đào hoa thì bạn thấy đấy, đời sống thường trắc trở. Tôi thì không muốn trắc trở nữa, tôi sợ rồi nên không dám nhận gì về mình cả. 40 tuổi rồi, tôi nhận thấy con người ta cuối cùng đều cần sự êm đềm. Ai rồi cũng phấn đấu để hạnh phúc mà thôi.
– Nên, ông bố ba con trai sẽ dạy cho con mình điều gì là quan trọng nhất?
– Tất cả mọi thứ trong cuộc đời đều có cái hay, cái dở riêng. Khi từng trải, bạn sẽ cảm nhận thấy đời sống rất thú vị, hiểu rằng trên đời không có cái gì giống với cái gì. Khi bạn biết buồn, bạn mới hiểu rõ được giá trị của niềm vui. Là một người cha, tôi mong các con có cuộc sống êm đềm, nhưng nếu chỉ êm đềm thì bạn sẽ không cảm nhận được nhiều tầng lớp sâu xa của đời sống, và không biết được, ngay cả mất mát cũng có vị ngọt lành. Nên êm đềm chưa chắc đã là một điều hay với người đàn ông. Tốt nhất là để các con tự lựa chọn.
– Anh có nghĩ vốn sống quan trọng nhất ở người đàn ông là… hiểu rõ đàn bà?
– Không dám nói là hiểu đàn bà. Nhưng tôi cảm thấy, những người phụ nữ có tâm hồn và thế giới quan rộng mở thì thường thích những người đàn ông từng trải. Một người đàn ông có nhiều câu chuyện để nói, có nhiều cách nhìn mới và không bao giờ “bí đề tài” hẳn là hấp dẫn hơn người đàn ông thường xuyên im lặng. Nên phụ nữ cho dù mong bình yên vẫn thích sự từng trải ở đàn ông. Vậy có phải chính họ tạo ra sự xung đột trong đời sống hay không?!
– Ý là đàn ông đào hoa càng về già càng… “đáng sợ”?
– (Cười) Cũng không biết nói thế nào. Có thể đúng thế thì sao!