Chợ hoa Hàng Lược thu hút khách nước ngoài đến ngắm và mua hoa trong dịp Tết. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Vì thế mỗi khi Tết đến Xuân về, không chỉ người dân Việt Nam nức lòng mong đón mà những người nước ngoài đang học tập, công tác ở Việt Nam cũng háo hức đón chờ không kém.
Tết Việt – trải nghiệm thú vị
Hầu hết mọi người đều mong chờ ngày Tết đến, một cái Tết thật ấm áp trọn vẹn. Ngày Tết, ngày đoàn tụ, đoàn viên của mọi người, kéo mọi người xích lại gần nhau.
Không biết Tết cổ truyền có tự bao giờ nhưng nó đã trở thành một tục lệ thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn và tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Nhưng đối với người nước ngoài ở Việt Nam thì ngày Tết của người Việt cũng có nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Sống và làm việc tại Việt Nam đã 5 năm, nhưng có tới 3 năm anh Arie Panduwibowo, 30 tuổi, nhân viên Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam đón Tết tại Việt Nam. Trong không khí đón Tết ấm áp và thú vị của người Việt, anh Arie Panduwibowo đã có những trải nghiệm với nhiều điều thú vị về Tết cổ truyền ở Việt Nam.
Ở lại Việt Nam vào đúng dịp Tết, có những cảm nhận rất ấn tượng về không khí cũng như công việc chuẩn bị Tết của người Việt, anh Arie Panduwibowo chia sẻ “Vào những ngày này, đường phố ở Việt Nam đông đúc hơn những ngày thường. Nhiều loại phương tiện hối hả đi trên đường. Tất cả mọi người đều bận rộn, đi siêu thị, đi chợ mua sắm những thứ thật cần thiết chuẩn bị cho ngày Tết. Đặc biệt là những loại hàng hóa để trang trí, trưng bày cho ngày Tết và không thể thiếu các loại thực phẩm đủ dùng cho cả gia đình, bạn bè gặp gỡ ăn uống.
Những ngày giáp Tết công việc chuẩn bị này càng được chú ý hơn. Mọi người lau dọn nhà cửa, chuẩn bị đồ thờ cúng, lau bóng từng vật dụng hàng ngày của gia đình, sắp xếp đồ trang trí, trong đó phải kể đến hoa đào và cây quất.
Ở Việt Nam nhiều người quan niệm rằng, lượng hoa đào nở tương ứng với những may mắn gia đình đó sẽ có trong năm. Những hoạt động nhộn nhịp đó làm cho những người nước ngoài cảm thấy rất thích thú khi trải nghiệm và muốn được tham gia cùng.”
Anh Arie Panduwibowo kể “Vào dịp Tết tôi thường đi chơi vui vẻ với các bạn người Việt, thăm hỏi gia đình họ và đến trung tâm thành phố chụp ảnh đường phố được trang hoàng lộng lẫy trong dịp Tết. Có thể nói, Tết ở Việt Nam là một lễ hội lớn nhưng đối với người Việt đây còn là một dịp để mọi người thể hiện niềm kính trọng và tưởng nhớ đối với tổ tiên cũng như là dịp chào đón năm mới với những người thân yêu trong gia đình. Ai cũng yêu thích và mong ngóng Tết vì đây là dịp để gia đình sum họp, mọi người gặp nhau sau cả một năm làm việc bận rộn. Nó làm tôi nhớ đến những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của tôi bên tất cả thành viên gia đình mình.”
Nói về những món ăn yêu thích của Việt Nam, anh Arie Panduwibowo hào hứng nói về món bánh cuốn và tất cả những món liên quan đến bún đã làm anh “xao xuyến” khi các bạn Việt Nam và những người bạn giới thiệu các món ăn truyền thống của Hà Nội.
Anh Arie Panduwibowo còn cho biết: “Trong quá trình làm việc cũng nh ư trong các kỳ nghỉ, tôi đã đến rất nhiều địa phương ở Việt Nam. Ở phía Bắc Việt Nam là: Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng. Ở miền Trung là Huế, ở miền Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và Lâm Đồng. Mỗi nơi đều có một vẻ đẹp ’quyến rũ’ riêng của nó. Tôi cảm thấy rất yêu mến đất nước và con người Việt Nam.”
Tết, ngày hội đoàn tụ
Ở Việt Nam, Tết còn là dịp để những người con xa quê trở về đoàn tụ, sum họp cùng gia đình. Bởi vì đây là niềm mong mỏi của tất cả các thành viên trong gia đình, người đi làm ăn xa quê hay cũng như những người ở nhà đều ngóng chờ Tết để mọi người được gặp mặt và quây quần cùng nhau.
Cảm nhận về không khí ấm áp đó, bạn Sonika, quốc tịch Liên bang Nga, sinh viên ngành Ngôn ngữ tiếng Việt, Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn cho biết: “Tôi thấy rất ấm áp khi được đón không khí Tết ở Việt Nam. Mọi người đều tất bật để chuẩn bị cho ngày Tết. Không khí Tết ở đất nước các bạn thật thú vị. Tôi yêu đất nước Việt Nam. Ngày Tết tôi thường đến thăm gia đình bạn bè cùng học. Tôi thấy, mọi thành viên trong gia đình đều tập trung đông đủ. Ai cũng mong muốn và cố gắng trở về nhà đoàn tụ với gia đình. Mọi người thường chúc nhau những lời rất tốt đẹp.”
Chia sẻ cảm nhận về không khí Tết, Sonika nhấn mạnh: “Ở đây rất đặc biệt, mọi người chuẩn bị mua đào, quất, hoa, trang trí nhà cửa để đón Tết. Ở đất nước chúng tôi thì không như vậy vì Tết của chúng tôi gần với ngày lễ Giáng sinh nên chúng tôi có cây năm mới được trang trí trong nhà chứ không có đào và quất như ở nước bạn. Tôi đã có trải nghiệm với cảm giác thật lạ khi đón Tết ở Việt Nam.”
Nói về nét tương đồng giữa phong tục đón Tết ở Việt Nam với nước Nga, Sonika cho rằng: “Tết ở Việt Nam rất khác so với đất nước chúng tôi. Tuy nhiên có một vài điểm giống nhau đó là mọi người đều rất hào hứng trong việc đón năm mới. Món ăn mà tôi yêu thích trong những ngày Tết ở Việt Nam chính là bánh chưng.”
Sống và làm việc ở Việt Nam được hai năm và cũng là hai năm Tom Constantin, 25 tuổi, quốc tịch Đức, giáo viên dạy tiếng Anh đón Tết ở đây. Tom Constantin bộc bạch: “Tôi đã từng nghe nói về những Tết Việt Nam. Nhưng khi sang đến đây tôi mới cảm nhận được hết vẻ đẹp văn hóa truyền thống trong ngày Tết của đất nước các bạn. Tôi rất thích Tết ở Việt Nam. Tôi cũng thích các loại thức ăn truyền thống trong dịp Tết như bánh chưng và thịt đông. Những món ăn này có thể dùng trong nhiều ngày.”
Tom Constantin kể “Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên ăn tết tại Việt Nam. Ấn tượng đó vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi cho tới tận bây giờ đó là sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của các loại hoa Tết được trưng bày ở chợ hoa. Những hội hoa Xuân mở ở khắp nơi.
Hàng ngàn vạn, cành hoa, chậu hoa rực rỡ được bày bán. Đến chợ hoa vào những ngày này, tôi cảm thấy sự náo nhiệt, rộn rã lạ thường. Cả một rừng đào, mai, quất vàng, hồng, cúc, lay ơn, thược dược, đồng tiền… và cả phong lan bừng nở không thiếu thứ gì. Mọi người đến chợ hoa đều hồ hởi vui vẻ ngắm hoa. Ai cũng phải mua cho mình một loại hoa ưng ý để trưng bày trong nhà. Vì thế những ngày Tết ở Việt Nam là một dịp đáng nhớ đối với tôi.”
Tom Constantin chia sẻ thêm: “Tôi rất thích Tết Việt vì có pháo hoa. Tôi và bạn bè thường ra hồ Hoàn Kiếm để ngắm nhìn cảnh tượng ngoạn mục này. Tết là một kì nghỉ nhưng đó là một kì nghỉ có ý nghĩa nhất trong năm để người thân trong gia đình đoàn tụ.”
Một năm mới đã tới với biết bao niềm vui, sự hứng khởi của không chỉ người dân Việt Nam hào hứng, chào đón mà nó cũng là niềm vui, cảm nhận sự ấm áp, trải nghiệm thú vị đối với mỗi người nước ngoài sống, học tập ở Việt Nam đều mong muốn chờ đón mỗi khi Tết đến.
Phải chăng sự háo hức chào đón Tết cổ truyền của người Việt cũng chính là nét đẹp truyền thống gắn kết những con người bên nhau dù họ ở bất kỳ nơi nào trên trái đất này.
heo VietnamPlus