Du thuyền của các tỷ phú. (Nguồn: Guardian)
Cụ thể, Oxfam cho biết giai đoạn 2010-2015, tài sản của 50% dân số nghèo nhất thế giới, đã tụt thêm 41%. Điều này diễn ra bất chấp việc quy mô dân số toàn cầu tăng thêm 400 triệu người. Cùng thời điểm, tài sản của 62 người giàu nhất tăng thêm 500 tỷ USD, lên tổng số tiền 1,76 ngàn tỷ USD.
Tờ Guardian dẫn báo cáo của Oxfam cho biết trong năm 2010, tài sản của 50% dân số nghèo nhất thế giới bằng với tài sản của 388 tỷ phú giàu nhất thế giới. Tuy nhiên tới năm 2014 thì nhóm “nhà giàu” đã chỉ cần tới 80 tỷ phú và một năm sau là 62 người.
Mark Goldring, Giám đốc điều hành Oxfam Anh, nhận xét: “Thật không thể chấp nhận được khi một nửa dân số nghèo nhất Trái Đất sở hữu khối tài sản không lớn hơn một nhóm nhỏ những người siêu giàu – nhóm này nhỏ tới mức bạn có thể nhét họ lên vừa một chiếc xe khách duy nhất.”
Các nhân vật lãnh đạo của thế giới, từ Giáo hoàng Francis tới Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde, đều đã kêu gọi đảo ngược xu hướng bất bình đẳng này. Nhưng Oxfam cho biết các phát ngôn mạnh mẽ ấy đều chưa chuyển thành hành động.
Người ta từng dự báo rằng 1% người giàu nhất thế giới sẽ có khối tài sản bằng với 50% quy mô dân số thế giới thuộc nhóm nghèo nhất vào năm 2015. Nay việc đó đã diễn ra sớm hơn một năm.
Trong báo cáo của mình, Oxfam đã đề xuất một giải pháp giảm sự bất bình đẳng này, gồm ba hướng chủ đạo: chống lại nạn trốn thuế; đầu tư cao hơn vào dịch vụ công; trả lương cao hơn cho những người có thu nhập thấp.
Theo nhóm, ưu tiên hàng đầu phải là mạnh tay chống lại các “thiên đường thuế,” đang được ngày càng nhiều công ty và cá nhân sử dụng, để tránh không phải trả thuế và do đó khiến nhiều chính quyền không thể có nguồn vốn chống đói nghèo, bất bình đẳng.
Oxfam dẫn một số ước tính cho biết người giàu đã để 7,6 nghìn tỷ USD trong các tài khoản ở nước ngoài và nếu thuế được đánh lên nguồn thu nhập mà khối tài sản này tạo ra, mỗi năm các chính quyền sẽ thu về chừng 190 tỷ USD – một khoản tiền vô cùng lớn, sẽ rất hữu ích trong cuộc chiến chống lại cái nghèo và tình trạng bất bình đẳng.
Theo VietnamPlus