Trao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)
Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 có thay đổi rất lớn về việc quản lý sổ bảo hiểm xã hội. Người lao động có quyền tự quản lý sổ bảo hiểm xã hội thay vì chủ sử dụng lao động như hiện hành. Hàng năm, người lao động sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội, được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội.
Luật cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động định kỳ 6 tháng phải niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp hàng năm.
Về những thay đổi trong việc quản lý sổ bảo hiểm xã hội, phóng viên VietnamPlus đã có buổi trao đổi với Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đỗ Văn Sinh bên lề cuộc họp công bố thông tin định kỳ về tình hình đóng bảo hiểm xã hội theo quy định mới chiều ngày 28/12.
-Thưa ông, Luật Bảo hiểm xã hội mới có quy định người lao động sẽ tự quản lý sổ bảo hiểm xã hội thay vì chủ sử dụng lao động, vậy lộ trình trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ được thực hiện như thế nào khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực?
Ông Đỗ Văn Sinh: Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phục vụ hơn 12 triệu lao động có sổ bảo hiểm xã hội và khoảng 300.000 đơn vị sử dụng lao động. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang xây dựng kế hoạch để cơ quản bảo hiểm các cấp cùng với chủ sử dụng lao động rà soát lại số lượng lao động, số lượng sổ bảo hiểm xã hội đã được cấp và tình trạng của sổ có còn tốt, có bị rách hỏng hoặc có bị mất hay không.
Nếu sổ bảo hiểm xã hội bị mất, mất tờ rời thì bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành cấp lại. Khi bàn giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ ký biên bản bàn giao sổ giữa bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp và người lao động.
Dự kiến, trong quý 1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ rà soát và bắt đầu quý 2 sẽ tiến hành trả sổ bảo hiểm xã hội. Số lượng 12 triệu người lao động là con số lớn, trong khi không chỉ giao sổ mà còn phải đánh giá tình trạng doanh nghiệp giữ sổ có tốt hay không hay đã mất hỏng thì phải cập nhật lại dữ liệu, in lại sổ cho người lao động nên cần có lộ trình.
-Việc trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ tạo thuận lợi gì trong việc quản lý sổ bảo hiểm xã hội?
Ông Đỗ Văn Sinh: Khi người lao động giữ sổ thì quan hệ giữ sổ là quan hệ giữa người lao động và cơ quan bảo hiẻm xã hội, việc này sẽ giảm thiểu rất nhiều thủ tục hành chính cho người lao động và doanh nghiệp.
Đặc biệt, đối với tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, trước đây nếu doanh nghiệp đã thu tiền của người lao động nhưng không đóng cho người lao động thì họ cũng không biết. Tuy nhiên khi chuyển sổ bảo hiểm cho người lao động giữ thì đây như một tài khoản tiết kiệm, người lao động kiểm tra được doanh nghiệp có đóng cho mình hay không. Sổ bảo hiểm xã hội sẽ như tài sản của người lao động họ sẽ có trách nhiệm bảo quản sổ tốt hơn, hạn chế tình trạng hàng năm Bảo hiểm xã hội phải cấp lại sổ rất nhiều.
Hiện nay, theo quy định Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ cập nhật thông tin về tình hình đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng một lần và in sổ tờ rời quá trình đóng một năm cho người lao động.
– Sau khi cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, lộ trình công khai thông tin bảo hiểm xã hội và cải cách thủ tục hành chính xây dựng tài khoản bảo hiểm xã hội điện tử sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Sinh: Chúng tôi đã thí điểm một số tỉnh thành phố công khai thông tin, trả lại sổ bảo hiểm xã hội và cung cấp trên mạng tiến độ đóng bảo hiểm xã hội. Người lao động có thể truy cập trên hệ thống thông tin để biết được quá trình đóng và mức đóng của doanh nghiệp.
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cải cách bộ thủ tục hành chính xong và bắt đầu lộ trình thực hiện giao dịch điện tử để phục vụ đối tượng lớn. Việc thu cấp sổ, cấp thẻ dự kiến xong và sẽ bắt đầu thu nộp bảo hiểm xã hội điện tử giống thu thuế từ năm 2017. Từ năm 2018 sẽ bắt đầu thanh toán chi trả bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng.
Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu thí điểm chi trả các khoản bảo hiểm ngắn hạn như ốm đau, thai sản cho người lao động và đang đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản chứ không nhận tiền mặt để giảm thủ tục hành chính.
Đối với 2,8 triệu người đang hưởng lương hưu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã vận động gần nhưng chỉ có 10% nhận qua tài khoản thẻ ngân hàng, còn 90% vẫn trả bằng tiền mặt nên chi phí tiền lưu thông lớn.
– Xin cảm ơn ông!.
Theo VietnamPlus