Trong “Du hành Ẩm thực” kỳ trước, tôi có nói về sự chua chát khi thấy fast-food dần làm mất đi tinh thần thuần khiết của ẩm thực. Và đó là khi tôi nhớ tới các cửa hàng buffet BBQ lúc nào cũng đông nghẹt khách. Tóm lại thì cái gì đã làm cho món nướng Hàn Quốc trở nên hấp dẫn như vậy? Tôi nghĩ không chỉ bởi thịt ngon hay nước xốt đặc biệt. Đó còn là không khí ấm cúng dưới ánh đèn vàng, khói tỏa mờ mịt, và vô vàn chuyện phiếm bên chén soju. Phải, chính khung cảnh mà nó được đặt vào – chứ không phải bản thân nó – mới là điều tạo nên phần hồn của mỗi món ăn.
Tôi nhớ tới buổi tối một ngày trước Giáng sinh. Cả đám được đưa về khách sạn sau cả ngày lịch làm việc ken đặc, cùng bữa tối 5 sao đầy tới ngọn. Chúng tôi đứng trước thang máy, bần thần và trống trải nhìn nhau. Giữa sự kỹ càng và đủ đầy của mỗi kỳ công tác, chúng tôi ngắm dòng xe cộ qua cửa kính ô tô. Mọi thứ được lập trình chi tiết từng phút, chưa kịp khát đã có người rót nước mời, và buổi tối sẽ kết thúc bằng 30 phút ngâm mình trong bồn tắm thoang thoảng hương của khách sạn The Ritz-Carlton, phóng tầm nhìn qua cửa kính xuống bầu trời sao thành phố Seoul…
Rất nhanh chóng, chúng tôi quyết định rảo bộ xuống phố, bắt một chiếc taxi tới khu Shinchon – một trong những “thủ phủ” của giới sinh viên, với món Samgyeopsal (thịt ba chỉ nướng) ngon nức tiếng. Không khó để bắt gặp những quán ven đường thường thấy trong các bộ phim Hàn Quốc – quầy di động được quây bằng bạt trong suốt, hắt ra ánh đèn vàng dịu, vài ba chiếc bàn với người ngồi lúp xúp, và làn khói quyến rũ tỏa lên từ những chảo nướng. Giữa tiết trời giá lạnh, mà chỉ vài hôm sau tuyết đã bắt đầu rơi, khối vuông tỏa ánh sáng vàng ấy rõ ràng là một khối nồng ấm có thể chạm tới được.
Người Hàn Quốc thích đồ nướng, với tất cả các loại thịt, nội tạng, hải sản, rau củ, kể cả kim chi, trên mọi chất liệu gang, thép, đá nóng… Một món nướng ngon trước hết thịt phải được cắt bằng máy đều, đẹp và độ dày vừa đủ để có thể chín giòn bên ngoài nhưng vẫn mềm bên trong. Cũng như khâu tẩm ướp và chuẩn bị nguyên liệu, kỹ thuật nướng thịt là một trong những bí quyết quan trọng làm nên món thịt nướng đúng điệu. Có người nói, bạn hãy lật thường xuyên với các loại thịt đã tẩm ướp gia vị; ngược lại, chỉ lật 1 lần với thịt nguyên bản.
Thịt nướng xong được cắt nhỏ, chấm thứ nước xốt đặc biệt kiểu Hàn Quốc cuốn trong rau sống (rau diếp, lá vừng…), thêm chút kim chi, hành tây. Cuối cùng, quan trọng nhất, bạn đừng e lệ, hãy đưa tất cả vào miệng để chúng khiến hai má bạn phình lên, nhảy nhót theo nhịp răng. Ăn với niềm sảng khoái “không giữ mình” – ấy là lời khen ngợi tuyệt vời nhất dành cho đầu bếp nơi đây.
Tối ấy, đường phố chăng đèn khắp nơi, nhạc rộn rã tưng bừng từ các cửa hàng quần áo. Người đổ ra đường đông hơn, các quán hàng chật cứng, nhiều nơi phải xếp cả hàng dài. Vài người say tới mức chọn một cánh cửa vắng ngồi ngủ bừa, có lẽ tới sáng. Chúng tôi gọi vài ly soju, trò chuyện miên man tới nửa đêm. Thật kỳ lạ, chúng tôi hầu như chưa quen nhau trước chuyến đi này, và trong những ngày qua, câu chuyện thường có độ mặn vừa phải theo phép xã giao thông thường. Nhưng ngồi dưới ánh đèn vàng, chờ cho miếng thịt đang cháy xèo xèo trên chảo đạt tới độ chín đủ, rót cho nhau vài ly soju, và chẳng ai thấy cần phải đóng vai hoàn hảo hay quyền lực trước mặt nhau nữa. 1 giờ sáng, khi những bước chân đã hơi bồng bềnh bước ra khỏi cửa, chúng tôi bá vai nhau gào lên bài hát Giáng sinh. Dù sao thì ở đây cũng không ai biết mình!
Tất nhiên, bạn còn có nhiều lựa chọn khác cho món Samgyeopsal ở Hàn Quốc. Bạn có thể bước vào một quán ăn với cửa kính sáng choang – nơi chỉ cần bấm chuông trên bàn, nhân viên sẽ tới phục vụ tận tình, và bạn cũng chẳng bao giờ cần lo lắng vì mùi khói bám đầy trên quần áo. Đó chắc chắn sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn thú vị khác. Nhưng vào lúc này, khi tòa nhà đối diện đã trưng cây thông Noel cao tới nóc, tôi bần thần tìm lại list nhạc Giáng sinh qua mấy giọng vocal yêu thích, và nhớ ngây ngây mùi thịt ba chỉ nướng thơm lừng trong căn lều nồng ấm giữa Seoul.
Bài: Vũ Thủy