(Ảnh minh họa: TTXVN)
“Phải tuyên truyền lại chất lượng giáo dục là thế nào. Học sinh không chỉ cần các môn toán, tiếng Việt điểm cao mà còn nhiều yếu tố khác, cần giáo dục toàn diện. Giáo dục không chỉ đến trường mà ở mọi lúc, mọi nơi, chơi cũng là học, học trong từng câu chuyện hàng ngày. Chẳng hạn, bà ngồi kể chuyện cho cháu nghe cũng là giáo dục. Nếu quan niệm thay đổi thì học thêm sẽ ít đi,” Thứ trưởng Hiển nói.
Ông Hiển thừa nhận vấn đề dạy thêm hiện nay đang khiến người dân rất bức xúc. Ngành giáo dục cũng đã có rất nhiều văn bản, quy định về vấn đề này, nhất là cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, khi đa số học sinh học hai buổi trên ngày.
“Tuy nhiên, giải quyết dạy thêm không chỉ bằng biện pháp hành chính mà phải kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có việc tuyên truyền để phụ huynh thay đổi quan điểm về giáo dục,” ông Hiển nói.
Cùng trả lời về vấn đề này tại buổi họp báo, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng tình trạng học thêm, dạy thêm hiện nay chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân là do tâm lý phụ huynh luôn muốn con mình phải tiến nhanh hơn các bạn trong khi giáo viên cũng có các hình thức tác động.
Theo ông Định, việc Bộ ban hành Thông tư 30 về việc bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học là một giải pháp để tránh giáo viên dùng điểm số gây áp lực cho học sinh và phụ huynh, gián tiếp góp phần giải quyết tình trạng dạy thêm, học thêm.
“Quy định đã có nhưng việc thực thi còn phụ thuộc vào công tác kiểm tra ở các cơ sở. Trên địa bàn rộng nên nếu chỉ riêng ngành giáo dục thì không giải quyết được mà cần sự tham gia của chính quyền địa phương,” ông Định nói.
Theo VietnamPlus