Tôi bị tăng động từ nhỏ
– Anh là người gần như không thể… đứng yên được. Tự bao giờ anh rơi vào tình trạng luôn phải vận động như thế?
– Ngay từ nhỏ là tôi đã bị chứng không thể tiếp thu khi ngồi một chỗ. Khi lớn dần lên tôi cũng có hỏi thăm nhiều người xung quanh và biết mình bị… tăng động. Những người bị chứng này luôn phải làm một cái gì đó. Nhưng bản thân việc hoạt động liên tục khiến tôi cảm thấy bình tĩnh. Còn nếu không làm gì, người ngoài nhìn vô ngỡ như tôi đang bình tĩnh nhưng kỳ thực lại đang cực kỳ bối rối. Mọi người bảo càng lớn lên thì mình sẽ càng kiểm soát được hành vi tốt hơn. Nhưng tôi… không thấy vậy, tôi chỉ thấy mình càng ngày càng… tăng đô hơn nữa. Nhưng mà thôi, tôi cũng nghĩ không việc gì phải tiết chế nữa. Mình có sao cứ để vậy thôi (cười).
– Anh chọn rock từ khi nào?
– Từ khi tôi còn ở Cam Ranh, học đàn với ba của Mai Khôi. Trong những bài tập, tôi được tiếp cận với đủ thể loại nhạc khác nhau, nhưng bị thu hút đặc biệt bởi một thứ nhạc khác lạ, sần sùi, phù hợp với kiểu của mình. Sau khi tìm hiểu thì tôi mới biết đấy là nhạc rock. Dòng nhạc ấy thu hút tôi bởi sự nam tính.
– Trước giờ, người ta cứ nghĩ hát rock là phải… ở dơ, tóc tai bù xù, quan hệ bừa bãi…
– Đấy là một quan điểm sai và lỗi thời. Nhạc rock phản ánh thực trạng xã hội vào thời điểm nó sống. Những gì anh vừa nêu trên chính là thực trạng xã hội những năm 1970. Lúc ấy, thanh niên họ muốn thoát ly ra khỏi thực tại bức bối đang giam cầm họ, họ muốn nổi loạn. Nhưng bây giờ, cuộc sống đã khác và mọi nghệ sĩ phải sống đúng với chức năng là phản ánh lại chính cuộc sống đó. Anh quan sát đi, rock bây giờ ăn mặc thời trang hơn, trẻ trung hơn, ngôn ngữ gần gũi hơn, không còn đao to búa lớn nữa. Đấy là dòng chảy chung, có chăng ở mình, người ta vẫn còn bám lấy những dòng chảy cũ, không kịp cập nhật cái mới.
– Nhân nói về sự thay đổi, anh có thể nói về sự thay đổi của bản thân sau… 8 năm lập gia đình?
– Thay đổi nhiều chứ. Gia đình kéo tôi trở lại với thực tế mà không bị trôi đi mất. Nói nôm na là nó giống như một cái mỏ neo vậy. Đấy cũng là nơi mà tôi… sạc pin bởi khi ở nhà, tôi mang một hình ảnh khác so với ở ngoài đường. Ở đó, tôi thâm trầm hơn, suy nghĩ nhiều hơn. Vợ tôi thì vẫn quý trọng hình ảnh ấy, nhưng nàng thích cuộc sống sôi nổi, năng động của tôi khi ở ngoài đường hơn.
– Có thể có 2 phiên bản khác nhau của cùng một Phạm Anh Khoa sao?
– Lúc trước tôi cũng thấy nó kỳ kỳ, nhưng rốt cục tôi thấy vậy mới hợp lý. Có nổi loạn bên ngoài thì cũng phải có kỷ luật ở nhà. Có sôi nổi cũng phải có trầm lắng, có tĩnh thì phải có động. Nó cũng giống như Thái cực đồ vậy, có âm có dương, có trắng có đen.
– Vậy khác nhau cơ bản nhất của việc lập gia đình là gì?
– Có vợ thì… có con. Còn chưa lập gia đình thì chưa có (cười to). Nói đùa vậy chứ việc có con là một điều thật sự trọng đại. Trước khi có con, tôi có thể tăng tốc chiếc xe hết cỡ, không quan tâm đến hậu quả. Nhưng từ khi có con, một cái nhấn ga luôn đi kèm với suy nghĩ. Đấy chỉ là một ví dụ cho thấy con người ta sẽ giảm đi rất nhiều sự liều mình khi đã làm cha. Mà tôi lại là người luôn theo phương châm phải tới nơi tới chốn về mặt cảm xúc. Vậy thì câu hỏi đặt ra là liệu sự tiết chế sau khi có con ấy là một việc tốt hay không? Nó có ảnh hưởng đến cách đi của mình trong nghệ thuật không?
Câu trả lời là tôi phải học cách cân bằng mọi thứ. Thời gian đầu mới lập gia đình, tôi luôn bị nhập nhằng giữa cuộc sống ngoài đời và cuộc sống gia đình, đặc biệt khi người làm việc với tôi cũng chính là vợ tôi (Thùy Trang, vợ Phạm Anh Khoa, chính là người quản lý của anh – PV). Thành ra mọi thứ cứ bị giảm tốc, trục trặc đủ thứ, nó khiến tôi không thể làm được nhiều thứ mà mình muốn làm. Nhưng bây giờ thì tôi đã biết cách đặt những bánh răng vào đúng vị trí của nó, để cả cỗ máy có thể hoạt động một cách trơn tru nhất.
Mất nửa năm để thoát ra khỏi “đường đua”
– Nói về sự xung đột vai trò, tôi lại nhớ đến “Đường đua”. Ở đó là một Phạm Anh Khoa rất khác, không bản năng và cực kỳ nội tâm. Anh vẫn còn nhớ vai diễn và danh hiệu “Loser of the Year” của TTVH & Đàn Ông chứ?
Trở lại với vai diễn trong “Đường đua”, sau khi phim đóng máy, tôi như biến thành một con người khác. Một thời gian dài tôi không thể biểu diễn được gì vì tôi chưa thoát ra khỏi cái nhân vật u uất trong bộ phim ấy. Tôi không thể suy nghĩ lạc quan được nữa. Phải mất nửa năm tôi mới xả ra hết được cái chất của nhân vật để trở về với Phạm Anh Khoa trước đó. Tôi vẫn còn nhớ show đầu tiên mình diễn với band sau khi quay xong bộ phim, cảm giác lạc lõng vô cùng. Tóc ngắn nên mất tự nhiên đã đành, tôi còn thấy mọi thứ thật xa vời, con người trong âm nhạc biến đi đâu mất.
Nhưng sau một thời gian, tôi lại cám ơn trải nghiệm “hãi hùng” ấy vì nhờ điện ảnh mà tôi có được khả năng nhập vai. Những bản thu âm sau đó của tôi tốt hơn, lắng đọng và có chiều sâu hơn.
– Tức là “Đường đua” là một sản phẩm điện ảnh rất khác so với những bộ phim mà anh đã tham gia trước và sau đó?
– Đúng vậy, rất khác, nói chính xác hơn là rất… khổ. Trong “Đường đua”, tôi phải làm một việc điên rồ vô cùng là… khóc. Trong phân đoạn mà nhân vật khóc, tôi không biết phải làm thế nào. Chị Hồng Ánh (diễn viên Hồng Ánh – nhà sản xuất phim “Đường đua” – PV), đã làm đủ thứ liệu pháp tâm lý để tôi có thể khóc, nhưng tôi vẫn không làm được. Cả đoàn phim hôm ấy chỉ quay mỗi phân cảnh ấy, nhưng cả ngày trời tôi cứ ngồi yên, ráo hoảnh hoàn toàn bởi không biết phải làm gì.
Cuối cùng, chị Ánh đã nói một câu làm thay đổi hoàn toàn cục diện: “Em vô trách nhiệm với đoàn lắm”. Tự nhiên tôi khóc như mưa, khóc vì ức, vì nghĩ chị ấy… nói thật. Tôi ức vì mình đã tham gia mọi thứ có thể, tôi biết mình là một người mới trong điện ảnh, thành ra phải nỗ lực và trách nhiệm gấp đôi, gấp ba. Thế nên khi nghe câu ấy của chị Anh, tôi đã khóc… từa lưa, khóc không dừng lại được. Đạo diễn đã cắt cảnh, phân đoạn đã hoàn thành vậy mà tôi vẫn khóc không dừng lại được.
Lúc này, từ chỗ làm mọi cách để tôi khóc, mọi người quay sang làm mọi cách để tôi… nín. Vậy mà tôi vẫn không nín nổi. Huy phải đến tát bốp bốp vào mặt tôi và nói: “Tỉnh lại Khoa, hết rồi, xong rồi”. Lúc đầu tôi giận chị Ánh lắm, sau đó thì tôi buồn cười bản thân mình vì mình dở quá, không biết diễn gì cả.
Với tôi, trải nghiệm khóc trên phim ảnh là thứ hãi hùng và khó khăn nhất, gấp nhiều lần so với khi phải đóng cảnh nóng trong “Mỹ nhân kế”.
– Nhưng nhờ vậy mà anh có một vai diễn tạm gọi là xuất sắc nhất kể từ khi đặt chân vào điện ảnh. Anh có nghĩ vậy không?
– Vâng, tôi nghĩ đấy là vai tốt nhất của mình. Vì tôi đã dành thời gian đầu tư cho vai diễn ấy một cách nghiêm túc. Hai tháng trước khi khởi quay, tôi có ngồi lại với Huy, cùng nghĩ về nhân vật mà tôi sắp nhập vai. Huy chỉ dẫn cho tôi cách diễn xuất theo bài bản được học ở nước ngoài và tôi rất trân trọng điều đó.
Chẳng hạn như Huy bảo tôi cầm ly trà trong tay và hãy tưởng tượng là nó nóng. Từng những chi tiết nhỏ, rất nhỏ như vậy đã mở ra trước mắt tôi bao nhiêu điều mới mẻ. Trước khi gặp Huy, kiến thức điện ảnh của tôi là một tờ giấy trắng, và Huy đã vẽ lên tờ giấy ấy những nét chấm phá đầu tiên.
– Dù có một vai diễn đáng nhớ, dù gây ra nhiều tranh cãi, bộ phim vẫn thất bại thảm hại về doanh thu? Anh có cho mình là một người thất bại không?
– Không hề. Tôi luôn nghĩ khi đã làm được việc mà mình thấy thích, mình luôn là người chiến thắng. Bây giờ, những việc mà tôi đang làm, tôi luôn nhận trước hết là vì thích. Nếu nó thành công, tốt cho tất cả. Nếu không, tôi cũng vui vì đã dốc hết sức cho nó và sẽ lại dấn thân vào những việc mới. Mỗi ngày, tôi luôn đều chờ đợi một cái gì đó mới mẻ, chứ nếu cuộc sống là một vòng lặp lại của những điều đã cũ, vậy mới là thất bại.
Hãy cứ điên đi
– Để có được một ý chí vững vàng như thế, rốt cục ai là người có ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp của anh?
– Thầy Tuấn Khanh, đây sẽ là nhân vật mà tôi sẽ còn nhắc đi nhắc lại hoài. Thầy chưa dạy tôi một nốt nhạc bẻ đôi nào cả, nhưng lại dạy tôi về mặt con người. Đấy là người mà tôi trao gửi niềm tin, để tôi biết những lựa chọn của mình, cách sống của mình là đúng. Khi ở Cam Ranh mới lên Sài Gòn, tôi vẫn còn ngơ ngác, mang những mặc cảm cố hữu của một kẻ từ tỉnh lẻ. Chính thầy Tuấn Khanh là người đập tan những hoài nghi, tự ti ấy. Thầy nói ở đây, Sài Gòn này, chính là nơi cho phép tôi sống thật với cá tính của mình. Vì thế thôi đừng cố trở thành người bình thường làm gì, hãy cứ điên đi. Đấy là giai đoạn mà tôi “banh ta lông” nhất, nhìn không thấy tương lai gì cả, học hai trường thì cả hai trường đều nghỉ ngang. Chắc tôi học ở trường đời nhiều hơn (cười).
– Vậy bài học anh nhớ nhất từ nhạc sĩ Tuấn Khanh là gì?
– Có lẽ là sự kiên nhẫn từ những buổi xem Trio 666 và MTV tập. Tôi ngồi đó, phụ việc cho thầy và suýt nữa đã trở thành thành viên của nhóm MTV sau khi anh Phan Đình Tùng đi học. Thầy dạy tôi chấp nhận thực tại, để tôi biết là tình huống của tôi không hề bi đát đến mức như tôi nghĩ. Tôi ở đó, phụ thầy làm những công việc lặt vặt, quan sát cách các anh chị làm việc, học cách làm việc có kỷ luật. Sinh hoạt với thầy, tôi mới nhận ra thầy là một con người mà… không ai ngờ đến. Bỏ âm nhạc ra, thầy như con nít vậy. Có ai nghĩ nhạc sĩ Tuấn Khanh nổi tiếng là người ăn chocolate, ôm gấu bông, đọc truyện tranh không? Thầy là người có máu hài hước, siêu lạc quan, chưa kể tình trường thì… sôi nổi vô cùng. Ở Tuấn Khanh là bức tranh tổng thể của một Lão Ngoan Đồng mà tôi nghĩ mình sẽ lấy đó làm hình mẫu. Đệ tử của thầy cũng đều có cái tính ngông cuồng cả, trong đó có… tôi.
– Bạn bè, sư phụ của anh toàn người… điên điên cả? Vì sao vậy nhỉ?
– Tôi nghĩ vì người điên, à không, người “tỉnh” như chúng tôi có chung một tần số nên dễ “bắt sóng” của nhau hơn. Chẳng hạn như lâu lâu buồn buồn, tôi và anh Minh Dofilm (đạo diễn Đỗ Quang Minh – PV) rủ nhau phi xe lên rừng Nam Cát Tiên cho… vắt cắn chơi. Anh Minh cũng thuộc dạng… điên lâu, khó đào tạo. Anh là người luôn giữ lời hứa của mình. Vì thế anh rất thận trọng khi phát ngôn, vì đã nói là phải làm cho được. Đây là một đức tính đáng nể của anh ấy.
– Trở lại việc gia đình, tôi biết là anh vừa… remove Facebook của vợ anh.
– Tại… giận (cười). Khi cơn giận bốc lên, nó gần như che mù tất cả những chuyện khác nên tôi có hành động như vậy. Sau đó năn nỉ vợ add lại… gần chết. Cái này xuất phát từ việc gom công việc và gia đình vào làm một. Vợ tôi vừa là vợ, vừa là quản lý của tôi, nên không có khoảng lặng. Vừa gặp nhau công việc xong lại gặp tiếp chuyện gia đình. Thành ra khi có mâu thuẫn cũng… phức tạp.
Tôi không vượt qua được cám dỗ nào cả
– Trong 8 năm sống chung, gặp biết bao nhiêu cám dỗ, anh đã vượt qua những cám dỗ ấy để bảo vệ cuộc sống gia đình của mình thế nào?
– Tôi tin anh là người chui vô trong, trải nghiệm… cám dỗ rồi thoát ra.
– Đúng là như vậy. Vì tôi luôn đối diện với mọi thứ, kể cả… cám dỗ, rất nhiều cám dỗ. Tôi tuy hơi xấu nhưng… có duyên (cười).
– Vậy trong 8 năm qua, anh đã đi xuyên qua bao nhiêu cám dỗ rồi?
– Tôi không dám thống kê vì sợ… có người nhồi máu cơ tim. Nhưng chắc cũng… không ít.
– Không ít ở đây là theo chuẩn của Cristiano Ronaldo (40 bàn/mùa – PV) hay Wayne Rooney (20 bàn/mùa)?
– Rooney thôi anh, chứ Ronaldo… nhiều quá, chịu không nổi đâu. Nhưng tôi có cái may mắn là có được một người vợ rất tâm lý (vợ Khoa lớn hơn anh 6 tuổi – PV). Mỗi lần có chuyện xảy ra, cô ấy lặng như không, tuyệt nhiên không nói gì cả. Đấy mới là một hình phạt ghê gớm với tôi. Những khi đó, chính tôi cũng chả dám mở miệng ra nói gì vì mình sai bét nhè ra đó rồi còn nói năng gì nữa. Lời đầu tiên tôi nói với vợ tôi sau những giông tố ấy là lời xin lỗi. Mà xin lỗi tức là nhận… sai rồi.
Đây cũng chính là vấn đề lớn nhất trong gia đình tôi, và cũng là của vợ tôi. Vợ tôi phải sống cuộc sống của một người vợ nghệ sĩ. Đấy là một sự vất vả vì trước khi lấy tôi, bạn ấy có cuộc sống hoàn toàn khác. Đấy là cuộc sống của một công nhân viên chức bình thường, mặc váy – thể loại mà tôi… ghét nhất. Vậy mà từ khi lấy nhau, cuộc sống của cô ấy hoàn toàn thay đổi, không ai nhận ra. Đứng trước một người chịu thay đổi hoàn toàn về mình, tôi thấy thương… bạn ấy vô cùng.
– Đấy là những sự thay đổi hậu hôn nhân. Còn trước hôn nhân, điều gì khiến anh thay đổi cách nhìn về một mẫu phụ nữ mà như anh vừa nói là anh… rất ghét?
– Tôi bị bạn ấy săn (cười to). Đùa chứ bây giờ chúng tôi vẫn còn thắc mắc là trong “cái đêm định mệnh” ấy ai mới là người cài bẫy ai. Trong đêm ấy, bạn ấy là người say, còn tôi thì tỉnh. Anh có thể cho tôi câu trả lời là giữa người say và người tỉnh thì ai mới là người bị động không?
– Tình huống này… khó thật.
– Khó chứ.
– Nhưng có sao đâu, chẳng lẽ vì một “đêm định mệnh” mà buộc chặt cuộc đời với người ta sao?
Quen nhau được ít lâu thì xảy ra một chuyện quan trọng nữa. Tôi vẫn còn nhớ đấy là ngày Valentine 2008, cô ấy đưa cho tôi cái… que thử thai 2 vạch. Tôi bốc máy gọi điện cho mẹ: “Mẹ ơi, vào làm đám cưới cho con”. Mẹ tôi… hết hồn. “Gì vậy Khoa, đừng có giỡn mà”. Mọi thứ đã trôi qua nhanh và tự nhiên như vậy đó.
Bây giờ nhìn lại, 30 tuổi, 2 đứa con, lập gia đình được 8 năm, tôi mới chợt nhận ra là mình đã trải qua một quãng đời dài đến như vậy mà không hề hay biết. Trong 8 năm ấy, tôi bị công việc và mọi thứ cuốn đi, không có thời gian để nhìn. Giờ thì nhìn lại, tôi thấy hơi… khiếp sợ vì những gì mình đã làm được. Tôi tự hỏi nếu không có gia đình thì bây giờ mình đã đi lạc về phía nào? Có thể sẽ là một đứa râu dài rậm rạp đang sống trong rừng. Mà không có vợ dám tôi sẽ trở thành một tay như vậy thật. Vì đấy là ước mơ của tôi từ khi còn bé, tôi thích sống trong rừng, trồng rau, xây nhà bên suối.
Bài: Minh Trần
Concept: Hiep Le Duc
Photo: Tung Chu
Stylist: Thien Than
Make-up: Dinh Tran