Tp.HCM: Mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường tại các địa phương ngập nặng - Tạp chí Đẹp

Tp.HCM: Mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường tại các địa phương ngập nặng

Hậu Trường



Đoạn giao nhau giữa đường Phan Ngọc Hiển và Trần Hưng Đạo (Cà Mau) bị ngập sâu gây khó khăn cho việc lưu thông của người và phương tiện. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Tại cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, ôtô xếp hàng dài gần 5km, từ cầu Rạch Chiếc (quận 2) đến cầu Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Trong đó nghiêm trọng nhất là đoạn qua Ngã tư Hàng Xanh, khi ôtô đứng tại chỗ không nhúc nhích được, xe máy len lỏi dưới đường ngập nặng. 
Tình trạng trên kéo dài từ 17 giờ đến 20 giờ. Nhiều khu vực như đường D1, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng… nước ngập hơn nửa bánh xe.
Tại các tuyến đường Kinh Dương Vương (quận 6), Tô Hiệu (quận Bình Tân), Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn phường 22, quận Bình Thạnh), nước ngập gần 1m; nhiều ôtô, xe máy bị hư hỏng không thể di chuyển được khiến giao thông tê liệt. Đến 19 giờ 30 phút tình trạng ngập vẫn còn rất nghiêm trọng. 
Tương tự, tại giao lộ Phạm Văn Chiêu-Quang Trung (quận Gò Vấp), hàng xe dài hơn 1km vẫn còn tới thời điểm này.
Trước đó, ngày 14/9, Thành phố Hồ Chí Minh cũng hứng chịu một cơn mưa lớn tương tự. Một cây xanh có đường kính 40 cm ngay giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm-Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) cũng bật gốc, đổ ra đường khiến 3 người đi xe máy bị thương.
Đến sáng 15/9, nhiều sự cố được phát hiện như mặt đường nhánh cầu vượt Thủ Đức (cầu vượt Trạm 2) nằm trên quốc lộ 1 đã bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn sạt lở nằm ở đỉnh nhánh hoa thị từ Xa Lộ Hà Nội lên. Ngoài ra, vào khoảng 7 giờ ngày 15/9, một cây xà cừ lớn bật gốc, đè sập nhà thi đấu bóng bàn và căn tin trong Cung văn hóa Lao động.
Tại Đồng Nai, chiều 15/9, sau cơn mưa kéo dài khoảng hơn 1 giờ đồng hồ (từ 15 giờ đến hơn 16 giờ), trên Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng, hàng ngàn phương tiện phải xếp hàng dài gần 5 km. Đến hơn 19 giờ cùng ngày, tình trạng tắc nghẽn giao thông mới được giải quyết.
Theo ghi nhận của phóng viên, việc kẹt xe kéo dài từ xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) đến chợ Tân Biên (thành phố Biên Hòa). Do mưa quá lớn, nhiều đoạn đường trên Quốc lộ 1A, đặc biệt là đoạn qua Bệnh viện đa khoa Thống Nhất nước ngập sâu gần 1m, nhiều người đi xe gắn máy bị nước “xô” ngã; hàng loạt phương tiện bị ngập nước dẫn đến chết máy nằm ngay giữa lòng đường; giao thông trở nên hỗn loạn.
Theo một số người dân sống bên Quốc lộ 1A, từ đầu tháng 9 đến nay, mưa lớn thường xuyên xuất hiện ở Đồng Nai. Riêng 15 ngày của tháng 9, đoạn đường này đã 5 lần bị ngập sâu vì mưa. Cơn mưa chiều 15/9 xảy ra đúng giờ tan tầm, hàng trăm ngàn phương tiện cùng đổ ra đường dẫn đến tình trạng kẹt xe trầm trọng. Mưa lớn bên cạnh gây ngập đường, ách tắc giao thông còn khiến nhiều hộ dân sống bên Quốc lộ 1A bị ngập nặng. 
Có những gia đình ở phường Tân Biên (thành phố Biên Hòa) dù nền nhà cao hơn 0,7m so với mặt đường nhưng nước vẫn tràn vào nhà. Mưa cũng khiến hàng trăm nhà dân tại các phường như Tân Phong, Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) bị ngập, nhiều tuyến đường trong nội đô thành phố Biên Hòa chìm trong biển nước.
Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Nai cho biết, tuần trước, lượng mưa trung bình ở Đồng Nai đạt từ 150-200mm. Lượng mưa trên cao hơn nhiều so với lượng mưa trung bình những năm trước. 
Đặc biệt, trong ngày 8 và 9/9, tại Đồng Nai đã xảy ra trận mưa lịch sử – lớn nhất trong 20 năm trở lại đây, gây ngập lụt ở nhiều địa phương. Từ nay đến 20/9, lượng mưa ở Đồng Nai dự báo sẽ tăng cao so với những ngày đầu tháng; mưa thường tập trung vào chiều và tối; trong cơn mưa hay có dông, gió giật mạnh, lốc xoáy và sấm sét. 
Người dân ở những vùng gần sông suối, vùng trũng, dốc và hạ lưu các sông suối, hồ, đập cần chú ý đề phòng vì khi mưa lớn nước thượng nguồn đổ về có thể gây lũ quét, ngập lụt sâu.
Ngày 15/9, mưa lớn từ suốt 2 ngày đã khiến mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị dâng cao dẫn đến tình trạng ngập úng ở một số xã trên tuyến đường Lìa. Bên cạnh đó mưa và gió lốc mạnh đã làm tốc mái nhiều hộ dân và trường học trên địa bàn huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, tổng lượng mưa đo được trong ngày 15/9 phổ biến đạt từ 300-350mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn như tại Đakrông đạt 428mm, Tà Rụt đạt 376mm, Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị) 487mm, Đầu Mầu 423mm. 
Đặc biệt, tại Hướng Hóa mưa lớn dẫn đến tình trạng nước sông SêPôn và một số khe suối trên địa bàn các xã vùng Lìa như xã Thuận, Thanh, Xi, A Xing, A Túc, A Dơi… lên rất nhanh. Một số khu vực dân cư và tuyến đường huyết mạch dẫn vào các xã vùng Lìa xuất hiện những điểm ngập úng cục bộ, có nơi ngập sâu hơn 1m khiến giao thông đi lại khó khăn, nhiều bản làng bị chia cắt. Trên tuyến đường vào các xã vùng Lìa có hai điểm ngập sâu nhất là cầu Tràn, thuộc địa bàn bản 3, xã Thuận và bản 10, xã Thanh. 
Người dân đi lại và cán bộ, giáo viên công tác tại các xã vùng Lìa phải thuê thuyền để vượt qua các điểm bị ngập sâu, với giá cao. Hiện một số trường học trên địa bàn đã chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho các em. 
Trước tình trạng trên, Ủy ban Nhân dân huyện Hướng Hóa đã cử cán bộ đến các xã vùng Lìa nắm bắt tình hình, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ lụt.
Trong hai ngày 14 và 15/9, mưa lớn kéo dài đã làm nhiều tuyến đường ở thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) bị ngập sâu trong nước.
Dù đã được đầu tư nhiều tỷ đồng để chỉnh trang đô thị, xây dựng hệ thống thoát nước nhưng mỗi khi có mưa lớn chỉ trong vài giờ đồng hồ, các tuyến đường lớn ở thành phố Cà Mau như: Phan Ngọc Hiển, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trãi, Ngô Quyền… lại biến thành các “con sông.”
Tình trạng cứ mưa lại ngập trên một số tuyến đường ở Cà Mau kéo dài từ mùa mưa này đến mùa mưa khác, gây khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Nước ngập sâu ở nhiều tuyến đường ở thành phố Cà Mau do mực nước sông Cà Mau dâng cao, hệ thống thoát nước đô thị xây dựng chưa hoàn chỉnh nên không phát huy tối đa tác dụng thoát nước, chống ngập. Mỗi khi có mưa to, điệp khúc đường phố bị ngập lại tái diễn, nước bẩn tràn ngập nhà, người dân thành phố Cà Mau phải vất vả bơm tát nước để chống ngập.
Ngày 15/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh. Tỉnh động viên nông dân nhanh chóng gặt lúa để giảm bớt thiệt hại; ngành chức năng dựng lại những cột điện bị đổ…
Cơn bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Quảng Nam vào tối 14/9 không mạnh với lượng mưa phổ biến tại các địa phương từ 140-270mm nhưng đã gây ra nhiều thiệt hại về hoa màu, tàu thuyền của ngư dân.
Cụ thể, tại Quảng Nam, bão số 3 làm 6 ngôi nhà bị tốc mái; diện tích lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập và ngã đổ là 799ha; diện tích ao nuôi tôm bị sạt lở là gần 10 ha; sạt lở đường giao thông gần 2.750 m3 đất đá; hơn 450 cây xanh bị ngã đổ. Khu vực biển Cửa Đại (thành phố Hội An) bị sạt lở 800m. 
Ngoài ra, bão số 3 cũng làm 42 trụ điện bị gãy và 1 trụ ăng-ten Đài truyền thanh thành phố Hội An bị gãy. Đặc biệt 2 tàu cá của Quảng Nam bị chìm do va đập khi đang neo đậu tại bến.

Hiện nay, trong số 17 hồ chứa thủy lợi do Công ty Thủy lợi Quảng Nam quản lý có 1 hồ tích đầy nước, 1 hồ tích đạt 80% dung tích hồ, còn lại 15 hồ chứa đạt dưới 50% dung tích hồ. Một số hồ chứa thủy điện trên địa bàn ghi nhận được lưu lượng nước trung bình trong ngày 14/9 về hồ đạt cao như hồ Sông Tranh 2 đạt hơn 470m3/giây, Đắc Mi 4 đạt hơn 522 m3/giây.

Theo VietnamPlus

Thực hiện: depweb

16/09/2015, 10:58