Nghe bạn bè í ới gọi nhau đi họp lớp 10 năm mới thấy giật mình, nhanh quá! 10 năm, tôi kịp nhận ra, kiến thức học hành ở trường chuyên lớp chọn, “nhồi nhét” từ lúc phổ thông, trở thành niềm tự hào lấp lánh trên gương mặt bố mẹ, ông bà, thật ra chẳng hề giúp được gì cho công việc và cuộc sống bây giờ. Nếu không muốn nói, đôi khi nó còn cản trở mình bởi lối tư duy máy móc, nặng về lý thuyết. Những thứ mình may mắn lưu giữ được và phát huy tác dụng đến bây giờ thì chẳng hề liên quan gì đến việc học trường chuyên.
Hồi ấy, tôi cứ cặm cụi làm một đứa con không bao giờ phạm lỗi, sáng dậy thật sớm, thuộc bài rồi đến lớp. Ở lớp thật ngoan cho đủ 5 tiết, về nhà muốn lả đi giữa trưa nắng, mẹ dọn cơm cho ăn thật nhanh rồi chiều lại đi học chuyên đề. Ngồi nghe cô giáo giảng bài 4-5 tiếng liên tục, chép kín cả chục quyển sổ như thế, lại về học thuộc và ra trường. Học tiếng anh cũng viết câu theo mẫu. Làm văn cảm nhận về tác phẩm cũng phải theo công thức, bắt đầu từ sự nghiệp và cuộc đời tác giả, sau đó là thông tin về các tác phẩm lớn, rồi mới nói đến tác phẩm mà mình chuẩn bị viết bài cảm nhận. Mỗi phần như thế sẽ được 2 điểm rưỡi, từ bài kiểm tra nhỏ đến kỳ thi đại học, cô giáo tôi luyện thi dày dạn kinh nghiệm nên dặn kỹ, cứ nhớ thế mà làm…
Áp lực và mệt mỏi
Tôi không tại sao lại có người cứ nhất nhất cho rằng, cần phải học trường chuyên để bộc lộ và phát huy năng lực? Nghĩ sao về việc người ta phải gồng gánh khối lượng kiến thức gấp đôi ba trường khác, học sinh phải chấp nhận đến trường với số tiết gấp 2 lần trường khác, tương tự với trăm nghìn yêu cầu của các thầy cô, chỉ riêng việc chép bài cho đủ và học thuộc thôi đã khổ, thì làm sao có thể bộc lộ và phát huy năng lực?
Không có năng lực nào được bộc lộ khi người ta sống và học tập như kiểu “gà công nghiệp” cả. Không bao giờ có năng lực nào được phát huy với mười mấy môn học quá thừa chi tiết mà lại thiếu trọng tâm. Người ta, đáng lẽ ra cần được tự do sáng tạo và suy nghĩ, cần phải được bớt đi những thứ không thật sự liên quan thì những môi trường kiểu như trường chuyên sẽ cố gắng chồng chất thêm vào. Sẽ không có năng lực nào thật sự được phát huy. Có chăng, thì tỉ lệ ấy quá nhỏ. Một vài học sinh giỏi toàn diện trên cả một mặt bằng mệt mỏi và chán nản có lẽ lại làm cho một số người tự hào về “lò đào tạo nhân tài”.
Rất nhiều người giỏi không đến từ trường chuyên
Như cái Tèo xóm dưới, cái đứa mà hồi cấp 3 bị cả xóm chê cười vì hôm nào đi học cũng bị cô giáo mắng, cứ vào lớp là ngủ gật. Hỏi sao lại ngủ, nó bảo vì nó càng nghe càng không hiểu gì. Cả xóm cười chê nó, bố mẹ tôi có đứa con gái đỗ trường chuyên càng thích đem chuyện cái Tèo ra mỉa cười mai. Mẹ nó còn bảo xấu hổ vì nó lắm! Giờ Tèo gặp lại bạn bè vẫn cười toe toét, hì hì. Hỏi cơ ngơi tiền tỷ, Tèo chỉ thật thà là Tèo được trời thương, đời thương, mỗi năm may bao nhiêu quần áo miễn phí cho các trung tâm bảo trợ xã hội, tặng trẻ em nghèo, lại chú trọng dòng thời trang giá rẻ mang thiết kế hiện đại nên khách hàng quý mến. Tèo không học hết được cấp 3 mà chỉ học may. Giờ chẳng ai còn nhớ đến Tèo, mà chỉ nhớ bà chủ công ty thời trang lớn tên Ngọc Mỹ. Tôi nghĩ, Tèo ngủ gật trong lớp hồi ấy, là vì chương trình học đã không giúp gì cho Tèo, chứ không phải là Tèo kém cỏi.
Chuyện của Tèo nghe hơi ồn ào, nhưng xung quanh tôi, còn gặp biết bao nhiêu bạn bè có chuyên môn giỏi, có năng lực tốt, họ làm việc chắc chắn, nghiêm túc và có thu nhập xứng đáng, họ cũng không hề đến từ trường chuyên. Họ thường tập trung vào sở thích, đam mê của mình, và chấp nhận “buông tay” với những thứ ôm đồm, xa lạ với mình.
Vậy đấy, tôi không mong con vào trường chuyên. Chỉ mong con tôi biết chắc chắn là con muốn gì, yêu thích điều gì thực sự và dành thời gian cho ước mơ của mình!
Bài: Nguyên Ân