Đặc biệt, theo nhà sản xuất, với sự hiện diện của hơn 100 nghệ sỹ ballet nổi tiếng thế giới, “Hồ thiên nga” sẽ được biểu diễn cùng âm nhạc đồ họa 3D.
Sân khấu Trung tâm Hội nghị Quốc Gia sẽ được “chỉnh sửa” thành một sàn ballet đúng chuẩn thế giới theo đúng yêu cầu từ phía Nhà hát ballet nổi tiếng nước Nga “Talarium et lux.”
Sự huyền thoại của vở “Hồ thiên nga” được tạo nên bởi 5 màn hình điện tử lớn. Phó giám đốc nhà hát “Talarium et lux” Sergey Baturin cho biết “Chúng tôi muốn làm cho câu chuyên cổ tích trở nên sống động bằng việc ứng dụng đồ họa 3D vào các vở diễn cổ điển. Thậm chí, các khán giả chưa một lần xem ballet cũng rất thích điều này.”
Sự xuất hiện của âm nhạc đồ họa không làm ảnh hưởng đến vũ đạo ballet cổ điển nổi tiếng. Nhiều đạo cụ sân khấu nhường chỗ cho các đoạn trình chiếu bằng màn hình. Với việc không sử dụng thiết kế sân khấu theo cách truyền thống, các nghệ sỹ ballet có thể dễ dàng hơn trong việc di chuyển khi lưu diễn và thuận lợi hơn khi biểu diễn trên sân khấu.
“Hồ thiên nga” là vở ballet số 20 của Pyotr Ilyich Tchaikovsky, sáng tác khoảng năm 1875-1876. Vở kịch được dựng dựa trên những truyện cổ tích Nga cũng như một truyền thuyết xa xưa của Đức, kể về Odette, một nàng công chúa bị phù phép thành thiên nga.
Là một tác phẩm tuyệt đối lãng mạn, chứa đựng triết lý về lời thề và sự phản bội, cuộc xung đột giữa cái đen tối ác độc và cái trong trắng thánh thiện, những cảnh hội hè luân phiên xen kẽ những cảnh bi kịch.
Trên thế giới, vở “Hồ thiên nga” có hai trường phái dàn dựng khác nhau. Hầu hết các phiên bản được dựa trên bản năm 1895 của Marius Petipa và Lev Ivanov, cả về phần âm nhạc lẫn biên đạo múa.
Vở diễn là sự luân phiên giữa các cảnh lễ hội (Màn I và III) và bi kịch lãng mạn (Màn II và IV), và sự kinh điển đó giúp biểu lộ được khía cạnh bi kịch theo những cách rất đặc thù cho chất liệu làm nên ballet, nhưng mặt khác vẫn tạo thành một bản sắc riêng độc nhất vô nhị cho vở ballet này.
Không chỉ lãng mạn và quý phái, “Hồ thiên nga” còn mang tính định mệnh và đầy sự hủy diệt. Và cơn bão mà Tchaikovsky tạo ra trong Màn IV cũng tầm cỡ không kém gì cơn bão trong vở bi kịch “Vua Lear” của Shakespeare.