“Tôi nghĩ nghề viết và người viết cũng đơn giản vậy, chữa lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình. Như sau tàn tro, là vẻ đẹp lộng lẫy của đá,” nhà văn Nam Bộ đã tâm sự như vậy trong “Sỏi đá buồn tênh.”
Ở “Biển của mỗi người,” chị chọn một lối viết nhẩn nha, nhẹ nhàng để kể những câu chuyện tưởng chừng như rời rạc nhưng lại khiến người đọc giật mình: cuộc sống ngày càng khắc nghiệt và lạnh lẽo, mỗi người đều có một vùng không gian thăm thẳm, chẳng ai chạm thấu, đều “sống với biển của mình lâu tới mức, lúc cần tìm người, họ hoàn toàn mất dấu tích của nhau.”
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Văn của Nguyễn Ngọc Tư buồn. Thế nhưng, trong “Biển của mỗi người,” bên cạnh “tông” buồn cố hữu, người ta còn thấy một Nguyễn Ngọc Tư đầy hóm hỉnh.
Độc giả có thể sẽ bật cười để rồi bỗng thấy nghèn nghẹn khi đọc những dòng chị viết về chương trình quà tặng âm nhạc trên radio: “…suốt chương trình là những lời nhắn mang nhiều sắc thái khác nhau: tình cảm như ‘Em vẫn yêu anh’ với bài hát ‘Em đi bỏ mặc con đường’ (?!); thắm thiết như ‘Cảm ơn anh đi cùng và che chở cho mẹ con em’ với bài hát ‘Hẩm hiu một mình’…”
Là người ưa xê dịch, Nguyễn Ngọc Tư chịu khó đi, miệt mài ghi chép và nghiền ngẫm. Đọc tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, ta bắt gặp những cảm xúc rưng rưng của một người “biết khao khát, tìm kiếm và trải nghiệm” những vẻ đẹp bình thường, quen thuộc.
Để rồi, người đọc phải tự nhắc nhở mình: hãy luôn trong “trạng-thái-sống” để hòa nhịp được với “cảm giác tan đi dưới dàn đồng ca rền rĩ, buốt nhức của những con ve mùa Hạ, lẫn trong nó là cái âm thanh trong lẻo thanh thoát của dòng nước chảy lỏn lẻn qua khe đá. Và gió và nắng, chúng lung linh, sống động đến nỗi, ở trong nó người ta không bắt kịp bằng tất cả các giác quan của mình,” (Khúc hát lên đường).
Hình ảnh bìa cuốn sách. (Ảnh: NXB Kim Đồng)
Tản văn “Biển của mỗi người” do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành tháng 5/2015.
Theo: An Ngọc/Vietnamplus