Park Geun Hye – Sau chiếc ghế tổng thống là người phụ nữ cô độc - Tạp chí Đẹp

Park Geun Hye – Sau chiếc ghế tổng thống là người phụ nữ cô độc

Sao

 Bà có lẽ cần được gọi tên là người phụ nữ single mạnh mẽ nhất thế giới.

Tuổi trẻ nhiều… bi kịch

Sinh ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh liên Triều đang diễn ra ác liệt. Mới học lớp 4, Park Geun Hye đã chứng kiến bố mình tức Đại tướng Hàn Quốc Park Chung Hee lúc đó tiến hành đảo chính vào ngày 16/5/1961. Hai năm sau, ông Park được bầu làm Tổng thống thứ 5 của Hàn Quốc. Bà cùng mẹ và hai em sau đó theo cha dọn vào sống tại Nhà Xanh. Những năm tháng này, Park Geun Hye được mô tả là một học sinh thật thà, khiêm tốn, cần cù và mẫu mực. Bà đặc biệt có niềm đam mê về ngoại ngữ và có thể sử dụng tốt 4 ngoại ngữ: tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Trung.

Nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye

Trong những năm trung học, hiếm khi nào bà đứng thứ hai ở lớp. Năm 1971 bà theo học ngành Kỹ thuật điện tử tại Đại học Sogang. Thời đó, chuyện học hành như bà là một thành tích đáng nể. Bố bà, ông Park Chung Hee khi đó đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1972 nhằm gia hạn thời gian cầm quyền và tăng quyền lực. Động thái này gây nhiều tranh cãi trong dân chúng đồng thời khiến những năm tháng sinh viên của con gái cả gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bà vẫn tốt nghiệp hạng xuất sắc.

Nhưng cuộc đời thực không như là mơ, sau khi tốt nghiệp Đại học bà tiếp tục sang Pháp nghiên cứu chuyên sâu tại Đại học Grenoble, sự nghiệp học hành nhiều lần đứt quãng vì bi kịch gia đình. Mẹ bà bị sám sát khi mục tiêu là nhắm vào bố bà – Tổng thống Park Chung Hee. Cũng kể từ thời điểm quyết định ấy bà từ bỏ ước mơ học tập, trở về nước và sát cánh cùng cha trong mọi nghi thức ngoại giao lớn nhỏ, thay vị trí Đệ nhất phu nhân của người mẹ quá cố. “Nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi thời điểm này là chứng tỏ cho mọi người thấy cha tôi không cô đơn”, bà Park chia sẻ trong cuốn tự truyện về cuộc đời mình. Nhưng đau khổ tiếp tục lặp lại khi chỉ 5 năm sau ngày mẹ bị ám sát, bố bà – ông Park Chung Hee cũng ra đi với lý do tương tự. Viết về thời điểm này, bà Park chia sẻ: “Đó là những ngày tôi sống với sự bàng hoàng, cảm giác như phải trải qua một cơn gió lạnh để lại nhiều tổn thương lớn trong lòng”.

Con đường sự nghiệp không dễ dàng

Park Geun Hye có ưu điểm là sinh ra từ một gia đình làm chính trị, các mối quan hệ xung quanh đều là cơ hội rất tốt để bà dấn thân trên con đường khẳng định vị thế bản thân. Tuy nhiên, đây cũng là nhược điểm lớn nhất, khi các chính sách khác biệt của cựu tổng thống Park Chung Hee – cha bà để lại, khiến bà dễ bị nhận những sự soi mói, trì trích và đương nhiên bị áp đặt rằng, các quan điểm chính trị của bà cũng sẽ tương đồng với ông. Đó là lý do cho đến tận sau này biệt danh “con gái của kẻ độc tài” vẫn là cách mọi người nói về Park Geun Hye, kể cả khi bà lên làm tổng thống.

Trở lại những năm tháng bắt đầu sự nghiệp, sau biến cố gia đình, bà lui về hậu trường trong 18 năm và đau đớn chứng kiến sự phản bội từ các trợ lý cũ thân tín của cha. Thời gian này Park Geun Hye tranh thủ trau dồi vốn hiểu biết về nhân sinh bằng cách học thêm triết học,  lịch sử và đi thăm khắp các danh thắng tại Hàn Quốc.

Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1990 khiến người ta nhanh chóng hoài niệm về quá khứ với sự tăng trưởng kinh tế thần tốc thời bố bà còn lãnh đạo dù vừa không ngớt lời chỉ trích về những chính sách quyết liệt của ông trong quá khứ. Nhờ vậy, bà bắt đầu những bước đi non nớt trong sự nghiệp khi dành được sự ủng hộ của phe bảo thủ và có ghế trong Quốc hội. Tình hình chính trị Hàn Quốc thời đó khá rối ren và căng thẳng. Các nhân vật đối lập đều bị quản thúc hoặc xách nhiễu. Nhờ vậy, Park Geun Hye thể hiện được sự khéo léo khi thừa nhận một số sai lầm của cha trong quá khứ và chủ động xin lỗi các nạn nhân trong 3 sự kiện “đen tối” thời kỳ cầm quyền của ông Park Chung Hee bao gồm vụ đảo chính năm 1961, sự kiện cải cách Hiến pháp năm 1972 và vụ án các nhà hoạt động trẻ tuổi bị xử tử năm 1974.

Từ 1997, Park Geun Hye gia nhập đảng Quốc đại (GNP) – tiền thân của đảng Saenuri. Năm 1998 là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chính trị của bà khi nhanh chóng được đề bạt lên đội ngũ hàng đầu của đảng này. Trong thời gian từ 1998 đến 2012, với vai trò trên nhiều lĩnh vực: nghị sĩ quốc hội, Chủ tịch Ủy ban ứng phó khẩn cấp đảng Saenuri, nghị sĩ đại diện đảng Tân quốc gia khu vực Daegu, bà tự khẳng định được khả năng lãnh đạo bằng hàng loạt chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Đương nhiên, vẫn có vài gián đoạn do bất đồng quan điểm, nhưng sự thức thời của bà đã thuyết phục được đa số thành viên trong nội bộ đảng. Dù vậy, may mắn vẫn chưa đến với Park Geun Hye khi để thua Lee Myung-bak trong cuộc lựa chọn ứng viên đại diện đảng Saenuri ra tranh chức Tổng thống. Chờ đợi suốt nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Lee, bà Park tiếp tục vận động tranh cử và cuối cùng là người cuối cùng về đích trong cuộc chạy đua đến chiếc ghế tổng thống, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc năm 2013.

Một cuộc đời để cho ai?

Ngày nhậm chức tổng thống, bà bước vào 60 tuổi, chưa từng kết hôn và không con. Dù có thông tin bên lề, sau khi bố qua đời bà từng có mối tình sâu đậm với một người đàn ông lớn tuổi, tuy nhiên bị những thành viên còn lại trong gia đình ra sức phản đối. Vốn là một người nghĩ cho người khác, chuyện tình cảm của bà vì thế mà tan vỡ. Đó cũng là lý do cho đến giờ, bà vẫn “đơn thương độc mã” đối mặt với mọi khó khăn và nguồn cơn sâu xa là các quan điểm chính trị của Park Geun Hye có xu hướng bảo thủ.

Rất ít khi thấy hình ảnh bà Park cười thế này

Có lẽ con người thì không thể hoàn mỹ và càng khó khăn hơn khi họ là phụ nữ và sống một mình. Bà từng khẳng định mình không theo tôn giáo nào, nhưng đến gần đây, khi câu chuyện về người bạn thân Choi Soon Sil được truyền thông công bố rộng rãi, người ta mới đặt câu hỏi có hay không vấn đề tôn giáo thần bí thao túng toàn bộ hoạt động chính trị của Park Geun Hye. Nhưng với góc nhìn cho một con người độc lập mà không phải một Tổng thống lãnh đạo đất nước, trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người dù muốn hay không đều cần một điểm tựa. Đặc biệt với một con người cả đời cống hiến cho đất nước, cả bố mẹ và cá nhân bà đều chịu những tổn thương sâu sắc từ thời cuộc, thì vết thương lòng ấy, với một người phụ nữ cô độc như bà có lẽ là quá lớn. Bà từng tuyên bố “kết hôn” với đất nước, nhưng ngay cả tình yêu đó cũng gây cho bà quá nhiều tổn thương.

Vấn đề bình đẳng giới đã trở thành một phần của luật pháp nhiều nước nhưng sự thật, dù có bao nhiêu quy định, thậm chí hiến pháp, phụ nữ với sự mạnh mẽ dẫu quật cường vẫn chỉ là phụ nữ. Đặc biệt với hệ tư tưởng Á Đông, người phụ nữ được “định vị” là người đứng sau, đảm đương công việc nội trợ là phù hợp nhất, thì Park Geun Hye quả đã bước qua hai lần “lời nguyền” vê giới và về mặc định mang tính hệ tư tưởng để vươn lên. Những thành tựu bà mang đến cho phụ nữ Châu Á nói riêng, cho nữ quyền nói chung là một bài học lớn về sự cầu tiến và phấn đấu không ngừng. Nhưng, có lẽ vì không an phận là một “nhi nữ thường tình”, bà đã phải trả giá bằng một cuộc đời cô độc trong nỗi hiu quạnh. 

Dù từng có cả một phần thế giới, nhưng sau chiếc ghế không mấy người bước lên được ấy, Park Geun Hye phải đối diện với cả bầu trời cô độc.

Bài: K.Y.M

Ảnh: Tổng hợp

logo

 

Thực hiện: depweb

11/11/2016, 13:56