“Mr. Plankton”: Tình yêu vẫn đẹp dù đôi khi không trọn vẹn... - Tạp chí Đẹp

“Mr. Plankton”: Tình yêu vẫn đẹp dù đôi khi không trọn vẹn…

Review

Từ một tác phẩm không được kỳ vọng cao, Mr. Plankton xuất sắc ghi danh vào danh sách những bộ phim đáng xem nhất năm 2024. Không chỉ gây ấn tượng với kịch bản chặt chẽ và diễn xuất tinh tế của dàn diễn viên tài năng, bộ phim còn chạm đến chiều sâu cảm xúc, khơi gợi sự đồng cảm mạnh mẽ và để lại sự khắc khoải trong tâm trí người xem.

Ra mắt vào ngày 8/11 trên nền tảng Netflix, “Mr. Plankton” từng khiến nhiều người nghi hoặc bởi cách khai thác câu chuyện dễ rơi vào lối mòn, trong khi khán giả ngày càng mong đợi sự đột phá và sáng tạo từ các tác phẩm phát sóng trên nền tảng trực tuyến. Không chỉ vậy, dự án còn được đặt lên bàn cân so sánh với những “người anh em cùng nhà”. Bỏ qua mọi nghi ngại, bộ phim nhanh chóng làm nên sức hút chỉ sau 1 tuần lên sóng với vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu Netflix, đồng thời trở thành đề tài được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn phim ảnh châu Á.

Ngay từ khi tung poster, “Mr. Plankton” không được đánh giá cao.

“Mr. Plankton” kể về Hae Jo (Woo Do Hwan), một chàng trai đang nỗ lực hoàn thành “bài tập cuối kỳ nghỉ” của đời mình. Ra đời do một sự cố y khoa đầy trớ trêu, Hae Jo tự ví mình như một “sinh vật phù du”. Khi lớn lên chẳng biết bố mẹ mình là ai, bản thân tự chống chọi với những sóng gió cuộc đời. Một ngày nọ, anh bàng hoàng nhận ra mình mắc bệnh nan y và chỉ sống vỏn vẹn trong 3 tháng. Oan ức, bất mãn chồng chất, anh bước vào cuộc hành trình xuôi ngược Hàn Quốc để tìm kiếm “người cha sinh học” thật sự của mình. Và người đồng hành “bất đắc dĩ” của anh trong chuyến phiêu bạt này chính là Jae Mi (Lee Yo Mi), người con gái anh từng đánh mất và là nguồn sáng soi rọi những góc tối trong tâm hồn của Hae Jo những tháng cuối đời.

Màn “cướp dâu” gây bão cộng đồng yêu phim tháng 11.

Cứ ngỡ mô-típ bệnh nan y kết hợp với chuyện tình tay ba, “gương vỡ lại lành” đã quá quen thuộc với các “mọt phim Hàn”, nhưng dưới bàn tay “nhào nặn” biên kịch Jo Young – người đứng sau thành công của siêu phẩm “It’s Okay to Not Be Okay” – và đạo diễn Hong Joo Chan, hành trình tìm kiếm hạnh phúc của hai con người tưởng chừng như bị số phận dồn vào bước đường cùng lại mang đến một góc nhìn mới mẻ và đầy cảm xúc. Mỗi tình tiết trong phim không chỉ đơn thuần là những thử thách của tuyến nhân vật, mà còn là sự khắc khoải trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa và giá trị cuộc sống. Đặc biệt, sự kết hợp giữa những cảnh quay tinh tế và đoạn thoại sâu sắc cũng góp phần giúp bộ phim vượt ra ngoài khuôn khổ của một câu chuyện tình cảm thông thường, tạo nên một tác phẩm vừa lãng mạn vừa đầy suy tư về số phận, tình yêu và sự tha thứ.

Câu chuyện về hai kẻ “phù du”

Tựa đề “Mr. Plankton” chứa đựng chiều sâu ý nghĩa. Trong tiếng Hy Lạp, “Plankton” mang nghĩa “trôi dạt” hay “phù du” – những sinh vật nhỏ bé lặng lẽ nương theo dòng chảy đại dương và bị xem là tầng đáy trong chuỗi thức ăn. Lấy cảm hứng từ hình ảnh đó, biên kịch Jo Young đã xây dựng nên câu chuyện về hai nhân vật chính Hae Jo và Jae Mi – những con người “lênh đênh như chiếc lá treo trên cành”.

Hae Jo là người chọn cách sống vô định, không ước mơ, không mục tiêu, như một chiếc lá trôi nổi mặc cho dòng đời cuốn xoay. Chỉ đến khi biết mình mắc căn bệnh nan y và thời gian sống chẳng còn dài, anh mới quyết định thực hiện chuyến hành trình đi tìm cha – người anh chưa từng biết mặt, cũng là nguồn cơn của sự tồn tại mà bản thân luôn coi là “sai lầm”. Mặt khác, dù lớn lên trong trại trẻ mồ côi, Jae Mi lại mang trong mình khao khát mãnh liệt được làm mẹ. Thế nhưng, ở tuổi 28, mọi hy vọng của cô sụp đổ khi bác sĩ thông báo mình bị mãn kinh sớm ngay trước thềm đám cưới.

Với khả năng diễn xuất ấn tượng, Woo Do Hwan đã đưa nhân vật Hae Jo trở thành linh hồn của bộ phim. Nam diễn viên lột tả trọn vẹn những cung bậc cảm xúc phức tạp – sự bất cần, phẫn uất khi tự ví mình như “món mì hải sản bị gọi nhầm”, kể cả những phút giây tuyệt vọng vào thời khắc giữa sự sống và cái chết cùng khao khát về một mái ấm thật sự.

Lee Yoo Mi khắc họa rõ nét hình ảnh “mặt trời nhỏ” của Hae Jo. Trên màn ảnh, Jae Mi là nhân vật chịu nhiều bất hạnh, nhưng thay vì oán trách cô chọn cách sống vị tha.

Trong khi đó, nhân vật Jae Mi do “con gái Netflix” Lee Yoo Mi đảm nhận. Không phô diễn quá nhiều ở kỹ năng diễn xuất, Lee Yoo Mi vẫn mang đến làn gió mới cho nhân vật của mình trong “Mr. Plankton”. Cô khéo léo thể hiện những cảm xúc, nội tâm phức tạp của nhân vật mà không cần phải sử dụng các chiêu trò diễn xuất. Sự tinh tế trong cách thể hiện của Lee Yoo Mi giúp nhân vật Jae Mi trở nên sống động và dễ dàng chạm đến trái tim khán giả, mang đến một chiều sâu đặc biệt cho bộ phim.

Mỗi cuộc đời đều đáng giá

Không thể phủ nhận rằng khi thưởng thức “Mr. Plankton”, người xem không nhận ra bất kỳ lỗ hổng trong khả năng diễn xuất của các tuyến nhân vật. Dù phần lớn thời lượng, bộ phim xoáy sâu vào những cung bậc cảm xúc phức tạp của Hae Jo và Jae Mi, nhưng không vì thế các nhân vật khác bị mờ nhạt hay xuất hiện một cách bất hợp lý. Mặc dù chỉ xuất hiện ở trường đoạn ngắn, nhưng mỗi người đều mang theo chiều sâu nội tâm và dấu ấn riêng, góp phần làm nên một tổng thể hài hòa và đa chiều. 

Vai diễn “nam thứ chân thành” Eo Heung đánh dấu màn tái hợp đáng chú ý của bộ đôi diễn viên Oh Jung Se và biên kịch Jo Young.

Một trong số đó phải kể đến Eo Heung – “chú rể hờ” của Jae Mi, một người đàn ông đã 40 tuổi nhưng vẫn sống dưới sự bao bọc thái quá của mẹ. So với hai nhân vật chính, anh dường như có tất cả: một bác sĩ đông y thành đạt, gia tài kếch xù, và một cuộc sống sung túc. Thế nhưng, bên trong vẻ hào nhoáng ấy lại là sự trống rỗng cùng những cơn sóng nổi loạn chực chờ bùng nổ. Bởi anh không thể là “con hổ” tự do vẫy vùng trong cánh rừng chính mình, thay vào đó chỉ là “quân cờ” ở vòng xoáy gia tộc do người mẹ quyền lực lèo lái.

Tuy những lần xuất hiện ngắn ngủi, nhưng tuyến nhân vật phụ đã tạo nên một “Mr. Plankton” động lòng người xem.

Hay Bong Suk – người chị cưu mang Hae Jo, ngay từ khi cậu còn là cậu nhóc vô gia cư phải lục bãi rác tìm đồ ăn để qua cơn đói. Có tên “Tay Sai” hám tiền luôn làm người xem nghĩ tới cảnh phản bội “ông chủ” Hae Jo nhưng lại trung thành, yêu quý cậu chàng hết mực, nhiều lần sống dở chết dở để bảo vệ anh khỏi sự truy sát của đám giang hồ Băng Hoàng Tử.

Những thước phim nên thơ

Với định dạng road-movie (phim hành trình), đạo diễn Hong Joo Chan đưa người xem theo chân cặp đôi “nấm và khoai tây” băng qua những cung đường tuyệt mỹ của Hàn Quốc. Chỉ trong vỏn vẹn 10 tập phim, cảnh sắc xứ kim chi hiện lên như bức tranh thơ mộng chuyển mình qua bốn mùa, từ nhịp sống hối hả của Seoul và Busan, những dãy núi tuyết phủ trắng ở Gangwon, nét cổ kính trầm mặc của nhà truyền thống Jeolla, cho đến biển xanh biếc và bờ cát trắng trải dài ở Jeju.

Cảnh quay duy mỹ như một chất xúc tác đưa cảm xúc người xem “phiêu bạt” theo câu chuyện của nhân vật.

Đặc biệt, mỗi cung đường mà họ đi qua đều ngập tràn ánh nắng, dường như đó chính là phép màu đang dẫn lối, tựa hy vọng lặng lẽ mà họ đang kiếm tìm, hay đây cũng chính là niềm tin mà khán giả đặt vào một kỳ tích sẽ xuất hiện trong cuộc đời hai nhân vật. Từng khung hình ấy không chỉ đẹp về thị giác mà còn lặng lẽ khơi gợi những tầng sâu cảm xúc, nơi từng bước chân của hai kẻ “phù du” dần chạm đến ngưỡng cửa hạnh phúc. Đó là những mảnh ghép dịu dàng, lấp đầy và hoàn thiện bức tranh cuộc hành trình mang tên cuộc đời.

Có thể nói, “Mr. Plankton” tựa như trạm dừng chân giữa những ngày cuối năm bộn bề. Hành trình các nhân vật bắt đầu khi chủ nghĩa hiện sinh trong họ bị đánh thức, và cuối cùng, điều họ tìm kiếm cũng chỉ là hơi ấm của hạnh phúc. Có lẽ, khoảnh khắc Hae Jo ngã xuống đã bóp nghẹt trái tim người xem, việc tìm thấy cỏ bốn lá như thể anh vừa dùng một chút may mắn cuối cùng để kéo dài sự sống. Tuy nhiên, hành trình phiêu bạt vô định của anh và Jae Mi không chỉ là một phần ký ức đẹp trong cuộc đời Hae Jo, mà sẽ mãi khắc ghi trong tâm trí người xem. Giống như tựa phim, ở mỗi sinh linh, dù họ trông có vẻ “tầm thường” đến đâu, nhưng đều là phép màu quý giá nhất của một ai đó.

Tác giả: Châm Khanh

25/11/2024, 14:19