Liên hoan phim Cannes lần thứ 77 sắp diễn ra tại Pháp, hứa hẹn ra mắt nhiều tác phẩm mới mẻ và bùng nổ về chất lượng. Trong số các hạng mục đã công bố, những cái tên xuất hiện trong danh sách tranh giải Cành cọ vàng vẫn được các “mọt phim” ngóng chờ hơn cả. Không có gì bất ngờ khi các siêu phẩm điện ảnh Hollywood dù chưa công chiếu nhưng đã “náo loạn” đề cử, bên cạnh đó là sự góp mặt của bộ phim duy nhất đại diện cho điện ảnh châu Á đến từ Trung Hoa.
“Megalopolis” là bộ phim mang đề tài giả tưởng, siêu nhiên, đánh dấu sự trở lại LHP Cannes sau 45 năm của đạo diễn “Godfather” (“Bố già”) Francis Ford Coppola. Phim lấy bối cảnh ở thành Rome nhưng được thay thế bằng phiên bản thực tế của Thành phố New York với tên gọi “New Rome”. Sau khi trải qua thảm họa thiên nhiên khủng khiếp, thành phố gần như sụp đổ và phải bước vào quá trình tái xây dựng gian nan. Câu chuyện tập trung khắc họa tầm nhìn của hai nhân vật có quan niệm đối lập khi tham gia xây dựng lại thành phố: một kiến trúc sư theo chủ nghĩa lý tưởng (Adam Driver) và người thị trưởng theo chủ nghĩa thực dụng (Giancarlo Esposito). Dàn cast của bộ phim quy tụ một loạt sao hạng A có thể kể tới như Adam Driver, Nathalie Emmanuel, Jon Voight, Laurence Fishburne hay Shia LaBeouf.
Theo Variety, Coppola viết kịch bản cho “Megalopolis” lần đầu năm 1983 và tự đầu tư hơn 100 triệu USD để thực hiện. Phần lớn kinh phí sản xuất phim của ông đến từ việc kinh doanh rượu vang. Tại LHP Cannes, Coppola từng thắng Cành Cọ Vàng năm 1979 với phim “Apocalypse Now”, được giới chuyên môn đánh giá khá cao. Giám đốc nghệ thuật Liên hoan phim Cannes – Thierry Fremaux đã thuyết phục được Coppola mang tác phẩm đến sự kiện điện ảnh lớn tầm thế giới. Có thể nói, “Megalopolis” là bộ phim tự đầu tư rất được mong đợi, được đánh giá là dự án tham vọng nhất từ trước tới nay của ông.
Đạo diễn gốc Hy Lạp – Yorgos Lanthimos và “chủ nhân tượng vàng Oscar” Emma Stone sẽ có sự kết hợp thứ 3 trong phim “Kinds of Kindness” mang thể loại hài đen, sau màn hợp tác xuất sắc của bộ đôi này ở “Poor Things” (2023). Tác phẩm gồm ba câu chuyện, xoay quanh người đàn ông cố kiểm soát cuộc sống của mình, vị cảnh sát có tính cách lạ thường sau khi tìm kiếm người vợ mất tích, và một phụ nữ quyết tâm tìm kiếm một người có khả năng đặc biệt. Ngoài Emma Stone, phim có sự tham gia của dàn diễn viên đầy tiềm năng: Joe Alwyn, Willem Dafoe, Jesse Plemons, Hồng Châu, Mamoudou Athie, Hunter Schafer và Margaret Qualley.
Yorgos Lanthimos dường như có duyên nợ với Cannes khi ba phim trước đó của ông là “Dogtooth” (2009), “The Lobster” (2015) và “The Killing of a Sacred Deer” (2017) đều thắng giải tại LHP và cư dân mạng đoán rằng lịch sử sẽ lặp lại, lần này Lanthimos sẽ tiếp tục ẵm giải. Hơn nữa, so với thời điểm 6-7 năm trước, danh tiếng của Lanthimos chưa vang xa Hollywood nhưng sau “The Favourite” (2018) và “Poor Things” (2023), hiện tại ông là một trong những đạo diễn hàng đầu và có ảnh hưởng tại Hollywood cũng như châu Âu.
Với Emma Stone, “Kinds of Kindness” sẽ là phim tranh giải đầu tiên của cô tại Cannes, sau 2 quả ngọt tại Oscar từ thành công của “Poor things”. Trước đây cô từng tham dự LHP với tác phẩm “Irrational Man” (2015) của Woody Allen. Trong “Kinds of Kindness”, Emma Stone sẽ hóa thân vào 3 vai tương ứng với 3 câu chuyện khác nhau, đây là cơ hội tốt để “ảnh hậu Oscar” một lần nữa chứng tỏ thực lực, thậm chí lập nên kỳ tích tại Cannes năm nay.
Liên hoan phim Cannes được biết đến là nơi hoàn toàn cởi mở với sự sáng tạo trong điện ảnh, bởi vậy những bộ phim với chủ đề thú vị, mới lạ luôn khơi dậy sự tò mò và được đặc biệt đón chờ, nhất là các phim ở hạng mục tranh giải.
“The Apprentice” là một bộ phim như thế. Phim kể về quá trình thăng tiến của Donald Trump suốt nhiều thập kỷ trước khi bước chân vào Nhà Trắng, chủ yếu xoay quanh hành trình làm nên đế chế bất động sản nổi tiếng của Trump trong những năm 1970 và 1980 ở thành phố New York. Đạo diễn là người Iran gốc Đan Mạch Ali Abbasi, dù chưa có tiếng trong giới làm phim nhưng ông đã có 2 màn ra mắt với thể loại kinh dị, giật gân khá thành công trước đó.
Trong phim, nam tài tử Sebastian Stan sẽ hóa thân thành Donald Trump thời trẻ. Anh là một gương mặt quen thuộc với khán giả qua vai diễn “Chiến binh mùa đông” trong loạt phim “Captain America” đình đám của Marvel. Các nhà phê bình đánh giá “The Apprentice” là một cuộc thám hiểm toàn diện vào thế giới ngầm của đế chế Mỹ qua hành trình vươn tới đỉnh cao của một doanh nhân bất động sản trẻ tuổi và đầy tham vọng – Donald Trump ở thập niên 70, 80 bằng sự mưu lược quyết liệt với sự hỗ trợ sát cánh của luật sư cố vấn Roy Cohn.
“Caught by the Tides” – tác phẩm mới nhất của đạo diễn nổi tiếng Giả Chương Kha, nhân vật tiên phong của điện ảnh nghệ thuật Trung Quốc đã lọt vào danh sách tranh giải Cành cọ vàng danh giá đầy thuyết phục. Bộ phim đánh dấu lần thứ sáu tác phẩm của Giả Chương Kha được công nhận tại LHP bằng cách góp tên trong đề cử chính, trong sự nghiệp đạo diễn lẫy lừng gần ba thập kỷ của ông.
Thành tựu trước đây của Giả Chương Kha tại Cannes là thắng giải kịch bản xuất sắc nhất cho “A Touch of Sin” (2013), bộ phim đan xen bốn câu chuyện xảy ra ở các tỉnh khác nhau với một kết thúc ám ảnh. Sự công nhận đó làm tăng thêm kỳ vọng cho “Caught by the Tides” – phim châu Á duy nhất tranh Cành cọ vàng, hứa hẹn sự vụt sáng của điện ảnh châu Á trong những năm sắp tới.
Tác phẩm lấy bối cảnh từ năm 2001 đến năm 2023, cũng là giai đoạn sản xuất thực tế gần 22 năm của bộ phim, với diễn viên chính là Triệu Đào – vợ của Giả Chương Kha, đã có sự góp mặt nổi bật trong nhiều tác phẩm của đạo diễn. Bộ phim xoay quanh câu chuyện của một người phụ nữ âm thầm trải qua những thăng trầm của cuộc sống, tập trung vào sự chia ly và gặp lại của đôi tình nhân Xảo Xảo và Quách Bân tại một thị trấn nhỏ ở miền bắc Trung Quốc, ngoài ra cũng kể về cuộc đời của một nhóm người bình thường xung quanh họ trong 20 năm đầu của thế kỷ mới. Phim có sự pha trộn giữa hư cấu với kỹ thuật làm phim tài liệu như Giả Chương Kha đã nhấn mạnh trước đó.
Hạng mục “Nhãn quan độc đáo” (“Un Certain Regard”) tại Cannes lần này gồm 15 phim. Tác phẩm “Việt và Nam” của đạo diễn Trương Minh Quý có tên trong danh sách tranh tài cùng những đại diện đến từ Nhật, Trung, Na-Uy và các quốc gia khác. Một số cái tên nổi bật là “The Dammed” (Roberto Minervini), “The Shameless” (Konstantin Bojanov), “On Becoming a Guinea Fowl” (Rungano Nyoni)…
“Việt và Nam” thuộc thể loại art-house (nghệ thuật) xoay quanh câu chuyện về hai công nhân thợ mỏ tên Việt và Nam ngày ngày kiếm sống ở làng quê nghèo và nuôi ước mơ đổi đời. Kịch bản phim được xây dựng dựa trên thảm kịch 39 người Việt tử nạn trên xe container khi nhập cư vào Anh quốc năm 2019. Nam không muốn tương lai ngụp lặn trong than đá nên đã nhờ những kẻ buôn lậu đưa mình sang châu Âu. Nhưng trước khi bắt đầu hành trình ấy, anh muốn tìm hiểu rõ hơn về người cha đã mất trong chiến tranh của mình.
Từ cái nhìn của người trong cuộc, “Việt và Nam” là nỗ lực tìm kiếm sự giải đáp thỏa đáng cho cái chết thương tâm của những nạn nhân xấu số, đồng thời là sợi dây liên kết hành trình khám phá sự thật lịch sử với hiện tại và tương lai. Với Trương Minh Quý, Cannes là LHP quốc tế lớn đầu tiên anh tham dự với bộ phim thứ 3 mang rất nhiều tâm huyết trong sự nghiệp làm phim art-house. Trước đó, các phim ngắn của anh từng giành nhiều giải thưởng ở Singapore hay São Paulo, Brazil. Nếu thắng một trong các giải thưởng tại “Un Certain Regard” năm nay, “Việt và Nam” sẽ là phim Việt đầu tiên làm được điều này.
Ngày 17/4, LHP Cannes công bố trao giải thưởng Cành cọ vàng danh dự (Palme d’or) cho tập thể Studio Ghibli. Được biết đây là lần đầu tiên Ban tổ chức LHP Cannes trao giải cho một tập thể, bên cạnh những cá nhân là những diễn viên, nhà làm phim xuất sắc như: George Lucas, Jane Fonda, Forest Whitaker, Tom Cruise, Bernardo Bertolucci quá cố và Harrison Ford.
Đây là giải thưởng tri ân những đóng góp lớn lao vượt thời gian của các nhà làm phim với nền điện ảnh thế giới. Trải qua bốn thập kỷ và sản xuất hơn 20 bộ phim truyện, Studio Ghibli đã chinh phục trái tim khán giả bằng những tác phẩm đẹp đẽ và nên thơ, đưa người xem mọi lứa tuổi trở về vùng trời tuổi thơ màu nhiệm với những cuộc phiêu lưu giữa vũ trụ tưởng tượng bao la và phong phú, đan xen những câu chuyện đời đơn giản mà sâu lắng. Nhờ Ghibli, ngành làm phim hoạt hình Nhật Bản đã có cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất màn ảnh rộng, mang ra thế giới những giá trị hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên, những bộ phim hoạt hình này chưa lần nào được bén duyên với giải thưởng ở LHP Cannes.
Bởi vậy, nhằm tôn vinh sự cống hiến đầy đam mê và bền bỉ của Studio Ghibli, ban tổ chức đã trao giải Cành cọ vàng cho tập thể nhà làm phim này. Theo bà Iris Knobloch, Chủ tịch LHP Cannes: “Lần đầu tiên trong lịch sử tại LHP Cannes, chúng tôi chọn tôn vinh một tổ chức chứ không phải một cá nhân.” Giải thưởng lần này như một món quà tiếp theo dành tặng cho tập thể của Ghibli, sau khi “The Boy and the Heron” (2023) của Hayao Miyazaki đã giành được giải phim hoạt hình hay nhất tại Oscar 2024.