Nghệ sĩ Trần Thanh Hà: Điều quan trọng trong sáng tạo? Thời gian và sự tự do! - Tạp chí Đẹp

Nghệ sĩ Trần Thanh Hà: Điều quan trọng trong sáng tạo? Thời gian và sự tự do!

Sống

Câu đầu tiên chị nói với tôi sau màn chào hỏi: “Từ bé tôi đã có niềm tin rằng mình sẽ làm được tất cả mọi thứ”. Trần Thanh Hà là một nghệ sĩ vị niệm (conceptual artist) với gương mặt sáng mang đường nét rắn rỏi, khoác trên mình một bộ váy lụa mềm mại, phong thái tự tin, tràn đầy sự ngẫu hứng. Người phụ nữ đặc biệt này sẽ nói gì khi nói về nghệ thuật?

Chúng tôi hẹn nhau tại MoT+++, nơi diễn ra các buổi triển lãm, workshop, trình diễn nghệ thuật đương đại do chị Hà sáng lập. Chị đón tôi bằng nụ cười niềm nở, liền sau đó là vài lời hỏi han. Giọng chị nhanh, dứt khoát, nhưng ẩn sâu bên trong là vẻ điềm đạm của một người quan sát và lắng nghe sâu, luôn hiện diện trong câu chuyện với người đối diện. Đối với chị, trong động có tĩnh, trong tĩnh có động. Một trong những tác phẩm gần đây của chị trong triển lãm “Ai yêu ai” là một tấm bảng sắp đặt chữ “love” trong hình thái tối giản, sau đó tạo ra chuyển động trên màn hình bằng cách phóng to, thu nhỏ liên tục, tạo thành một điệu nhảy của ánh sáng và bóng tối.

Điều tôi cảm nhận rõ ở người phụ nữ này chính là chị luôn nghĩ về cái riêng trong cái chung và cái chung trong cái riêng. Không có thứ gì là trọng tâm, kể cả bản thân. Như cách chị thực hiện tác phẩm “11 giờ sáng” cùng nhiếp ảnh gia Regic Golay vào lúc 11 giờ mỗi sáng, ghi lại khoảnh khắc người nữ nghệ sĩ chiêm nghiệm, suy ngẫm về các bản thể khác nhau cùng sống chung trong một cơ thể, mà bản thân nó thuộc về các nền văn hóa đang ngày càng bị đồng hóa.

Động và tĩnh

Tác phẩm “Ai yêu ai” được hình thành trong tâm thức của chị như thế nào?

Chúng ta đang sống trong vật lý lượng tử, không gian và thời gian đều bất định. Quá khứ – hiện tại – tương lai không theo chiều thẳng đứng. Cho dù hôm nay của tôi đã là tương lai của rất nhiều quá khứ trước đó, thì chẳng có cái gì là “đã xảy ra”. Tất cả đều “đang xảy ra”. Các tác phẩm của tôi cũng mang tính chất bất định, chữ “love” là một chủ thể không được định hình; nó được phóng to, thu nhỏ liên tục. Đôi khi, nó biến mất khỏi tầm quan sát của mình, cũng giống như đôi khi mình không thấy tình yêu đâu nữa. Có lẽ vì nó nằm trong chính mình nên mình không thể nhìn thấy.

Không sinh ra trong một gia đình có nền tảng nghệ thuật, bắt đầu từ lúc nào chị cảm nhận được dòng chảy nghệ thuật bên trong mình? Con đường nghệ thuật của chị có phải là một đường thẳng không?

Cũng khá là thẳng đấy! Tôi theo đuổi nghệ thuật đến nay đã khoảng 20 năm. Xuất phát điểm của tôi là một người sưu tầm nghệ thuật, đến năm 2010, tôi bắt đầu có những sáng tác đầu tiên.

Từ bé tôi đã cảm thấy vô cùng lạc lõng, như thể mình không sinh ra ở hành tinh này. Sự buồn chán đó khiến tôi muốn đi khỏi Hà Nội. Khi trường thành, ngẫm lại, tôi thấy mình may mắn vì sinh ra ở thời Hà Nội nghèo khó và yên tĩnh. Đứa trẻ 7 tuổi ngày đó có nhiều thời gian để tự do quan sát, phân tích bản thân và cuộc sống xung quanh theo cách riêng, cũng như có nhiều không gian tiếp nhận mọi thứ mà không bị can thiệp. Cấu trúc tâm lý của tôi cũng được hình thành trong khoảng thời gian đó.

Rất nhiều người cũng có cơ hội được phát triển một cách tự do, đắm chìm trong sự tĩnh lặng nhưng không có ý tưởng hay tác phẩm nào được sinh ra cả.

Trong thiền định, ta nghe rất nhiều về sự trống rỗng, sự im lặng. Nhưng thực tế, sự im lặng rất ồn ào: “Ôi, tại sao mình lại nghĩ về việc này? Sao mình không bỏ qua nó đi? Mình phải bỏ qua nó”. Như vậy thì chưa phải là sự trống rỗng thật sự. Sự trống rỗng chỉ thật sự diễn ra khi ta cho phép tất cả những ồn ào đó cùng cất tiếng. Nếu một người dành đủ không gian và thời gian cho sự trống rỗng, chắc chắn sẽ có cái gì đó trồi lên.

Liệu có phải là một thách thức đối với chị khi vận hành một tổ chức nghệ thuật mà ở đó có nhiều người cùng im lặng và chờ đợi “một cái gì đó trồi lên”?

Mỗi người có một cách tiêu thụ thời gian. Tôi không thích phán xét ai cả. Khi hai giới hạn của sự im lặng và sự ồn ào gặp nhau, sự trống rỗng sẽ xảy ra. Giống như bỗng dưng ta nghe thấy một âm thanh chói tai và sau đó không còn nghe thấy gì nữa. Dĩ nhiên, phải có một số phương pháp, ví dụ như thiền định, để người nghệ sĩ có thể đạt được trạng thái cân bằng. Nhưng chưa đạt được cũng không sao cả. Có một cái đẹp mà tôi tôn trọng, đó là việc trải nghiệm sự hỗn náo trên con đường đến được chỗ trống rỗng câm lặng. Trên con đường đi tìm mình, bất cứ điểm nào cũng đẹp.

Nghệ sĩ vị niệm Trần Thanh Hà có nghệ danh là Cam Xanh. Thực hành của cô thường dựa trên văn bản và thơ ca, thể hiện dưới nhiều phương tiện như sắp đặt, điêu khắc, hội họa và video.

Năm 2015, cô sáng lập không gian nghệ thuật MoT+++ ở TP.HCM. Năm 2018, cô đồng sáng lập chương trình lưu trú nghệ thuật quốc tế A. Farm cùng Sàn Art, với sự tài trợ của Nguyễn Art Foundation.

(*) Nghệ thuật vị niệm là một trào lưu nghệ thuật, trong đó những khái niệm hay ý tưởng ẩn giấu trong tác phẩm được đặt lên cao hơn những vấn đề truyền thống về thẩm mỹ hay chất liệu, tạo hình.

Người ta có thể yêu nghệ thuật hoặc thực hành nghệ thuật, không có nghĩa người ta có thể duy trì và phát triển một tổ chức nghệ thuật. Chị thì lại làm được điều đó. Cách của chị là gì?

Cách vận hành của tôi là không vận hành. Ở MoT+++, các bạn nghệ sĩ tự điều hành, tổ chức các hoạt động. Cái có thể nâng đỡ nghệ thuật là một cấu trúc lỏng lẻo, dành thật nhiều không gian cho sự sáng tạo, để người nghệ sĩ thỏa thích tháo chỗ nọ, lắp chỗ kia, thậm chí là phá vỡ cái cấu trúc đó. Đã là sáng tạo thì phải có sự tự do.

Ở vai trò người sáng lập, tôi đưa ra cái tốt nhất để mọi người có thể mở ra giới hạn lớn nhất của chính họ. Mọi người có thể dựa trên cấu trúc căn bản đó để mà sáng tác. Người ta hay có xu hướng “phải làm cái gì đấy”. Lắm lúc có người thúc tôi: “Tại sao MoT+++ không làm gì?”. Họ đâu biết rằng trong lúc mà không có gì xảy ra đấy, có rất nhiều thứ để quan sát. Với tôi, khoảng thời gian thai nghén rất quan trọng!

Có thực sự là chị không tìm kiếm bất cứ điều gì không?

Tôi nghĩ là mình không tìm kiếm, không đặt mục đích, mà chỉ quan sát. Tôi quan sát, tương tác và quan sát sự tương tác của mình với những thứ mình quan sát được. Sau đó, tôi lại tương tác với chính những xung đột đó. Khi nó lại sinh ra mớ hỗn độn khác, tôi lại tiếp tục quan sát. Từ đó, tôi tiếp tục quan sát mối quan hệ giữa mình và cái đẹp, nghệ thuật. Mối quan hệ giữa các quốc gia. Mối quan hệ giữa thiên nhiên. Mối quan hệ giữa mọi thứ trong vũ trụ. Mối quan hệ giữa con người và linh hồn của họ. Mối quan hệ giữa con người với những thứ họ sáng tác.

Cái đẹp trong nghệ thuật

Cái đẹp trong nghệ thuật có mang dáng vẻ của một kẻ cô đơn?

Tôi nghĩ, đối lập với sống không phải là chết, đối lập với đẹp không phải là xấu, đối lập với tình yêu không phải là căm ghét, mà là sự không khác biệt. Từ trước đến nay, tôi luôn muốn đi trên một con đường chưa có ai đi. Có thể nỗi cô đơn nằm trong chính những điều chúng ta muốn. Khi ta nhìn ra được ta vừa sợ vừa muốn khác biệt, ta cũng có thể thấu hiểu đây chính là điểm không khác biệt mấy giữa mình và mọi người. Chúng ta luôn cô đơn bởi chúng ta luôn muốn chọn con đường chưa có ai đi nhưng đồng thời cũng sợ vùng “nước lạ”.

Sự khác biệt có tồn tại ở MoT+++ không?

Cái giống nhau của tất cả chúng ta là đều muốn khác biệt, nhưng cùng lúc, chúng ta lại sợ khác người. Tôi muốn MoT+++ có được càng nhiều sự khác biệt càng tốt.

Phụ nữ làm nghệ thuật có nhiều mặt hạn chế so với đàn ông không? Ví dụ như những khoảng nghỉ để kết hôn, sinh con. Nếu họ muốn làm nghệ thuật và muốn khác biệt, liệu có phải đấu tranh?

Tôi nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng có những giới hạn. Có những giới hạn mình nhìn thấy ngay, nhưng có những giới hạn nằm sâu hơn, chỉ có bản thân người đó mới biết. Đến một lúc nào đó người phụ nữ đủ muốn, họ sẽ thực hiện nó. Phụ nữ có bản năng thai nghén. Thời gian họ làm tác phẩm rất khác với đàn ông.

Thơ ca là một hình thức đặc biệt. Tính nam ở thơ ca là cấu trúc chặt chẽ, tính nữ nằm ở vẻ mềm mại nương theo cảm xúc. Thay vì vẽ tranh hay điêu khắc cần có xưởng, có màu, có sức khỏe hay có tiền, thì với thơ ca, chỉ cần lúc nào có cảm xúc là mình làm được ngay. Nó mang tính không, nhưng cũng lại có.

Phần lớn các tác phẩm của chị dựa trên thơ ca, có dấu ấn nào đặc biệt với riêng chị?

Tôi từng viết một tập thơ liệt kê tất cả các đơn vị đo lường (chiều cao, cân nặng, tiền tệ…), thể hiện theo cách điêu khắc, sắp đặt trong những hình khối khác nhau. Một tập thơ khác toàn các từ chửi bậy nhưng nội dung không phải là chửi bậy. Thơ của tôi là dạng thơ thị giác, có chất kiến trúc ở trong đấy. Tôi cũng từng tổ chức một số buổi đọc thơ. Ở đó, ta cảm nhận được vẻ đẹp thuần khiết của ngôn từ.

Cái đẹp trong tình yêu

Chị nghĩ tình yêu có giới hạn không?

Tình yêu chỉ đẹp khi có giới hạn. Ví dụ, nhìn một người phụ nữ ghen tuông, phát điên, nhảy chồm chồm lên, tôi nhìn thấy cái đẹp của sự giới hạn. Đó chính là tình yêu.

Tình yêu thời trẻ và tình yêu bây giờ của chị khác nhau như thế nào?

Trải nghiệm tình yêu của tôi có những đoạn rất khủng khiếp. Đôi khi nhìn lại, không hiểu vì sao mình có thể thoát chết. Nếu như không có những giai đoạn trải nghiệm các cung bậc khác nhau như thế, khi mình 40, 50, 60 tuổi, có thể mình lại phải đi tìm. Bây giờ ngẫm về ngày xưa, tôi nhìn được vẻ đẹp. Đối với một sự vật, sự việc, mình có thể thay đổi góc nhìn, xoay 360 độ ở các điểm khác nhau. Khi đó, mình nhìn trải nghiệm đấy một cách tròn trĩnh. Và sự tròn trĩnh ấy rất đẹp. Nó là cái rất sai và rất đúng của mình. Nếu không có những điểm ấy, không có mình của ngày hôm nay.

Có một đoạn chị viết về “thương thân”, rằng một người muốn trao cho một người từ “self-love” nhưng nhận ra bản thân chưa đủ “self-love” để trao đi. Quan điểm của chị về “self-love” là gì?

Yêu người và yêu mình là một, hai trạng thái đó cần được làm đầy cùng lúc. Khi đó, tình yêu sẽ cuộn trào. Trong tình yêu, cái không vui là khi hai người cãi nhau mà họ quên mất là họ yêu nhau. Còn lại, không có cuộc tranh cãi nào vui hơn cuộc tranh cãi giữa hai người yêu nhau.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Nhiếp ảnh: Tang Tang – Trang phục: Mai Lâm

CHUYÊN ĐỀ: WOMEN IN ART

Nếu hỏi điều gì đặc biệt làm nên dấu ấn của các nghệ sĩ nữ, câu trả lời có lẽ là tính nữ. Tính nữ nhạy cảm, mềm mại là dòng chảy uyển chuyển đưa những ý tưởng thăng hoa. Mời bạn bước vào thế giới của ba nghệ sĩ nữ để cùng cảm nhận chất nghệ thuật thấm đẫm trong từng hơi thở, trong cách họ yêu, sống và theo đuổi đam mê sáng tạo.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy – Ý tưởng & sản xuất: Hellos.

Lạc vào thế giới nghệ thuật của nhà thiết kế Mai Lâm
Hoa hậu Ngọc Hân: “Kẻ ngoại đạo” nghiêm túc trong hội họa
Nghệ sĩ Trần Thanh Hà: Điều quan trọng trong sáng tạo? Thời gian và sự tự do!

Tác giả: Lê Ngọc

25/03/2024, 19:46