Cung điện Buckingham (Anh quốc) đã ngăn chặn một cuộc tranh cãi quốc tế bằng cách tuyên bố rằng vương miện đăng quang của Vương hậu Camilla sẽ không gắn Koh-i-Noor – viên kim cương “khét tiếng” nhất thế giới hiện nay.
Lễ Đăng quang lịch sử của vua Charles III không chỉ thu hút công chúng bởi sự trang trọng hiếm có, mà mỗi món đồ được các thành viên Hoàng gia diện lên người đều trở thành tâm điểm bàn tán. Đặc biệt, thay vì tuân theo truyền thống kéo dài hơn một thế kỷ, Vương hậu Camilla đã đội lại vương miện của Vương hậu Mary, với những viên kim cương Cullinan để tăng thêm đẳng cấp vương giả, thay vì đội vương miện được chế tác cho riêng mình có gắn viên kim cương Koh-i-Noor như Vương hậu Alexandra, Vương hậu Mary và Vương Thái hậu Elizabeth từng làm trước đây.
Đây là điều đã được dự đoán trước, vì thông báo vào tháng 2/2022 rằng Camilla sẽ trở thành Vương hậu đã gây ra sự phản đối kịch liệt ở Ấn Độ về việc bà sẽ đội vương miện có đính viên kim cương Koh-i-Noor. Cuộc tranh cãi lại bùng lên sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, Ấn Độ một lần nữa yêu cầu trả lại viên kim cương. Pakistan, Bangladesh và Afghanistan cũng tuyên bố quyền sở hữu đối với Koh-i-Noor.
Lịch sử nhuốm máu của viên kim cương đắt giá nhất thế giới
Bạn chắc chắn sẽ không nhận ra khi nhìn vào nó, nhưng viên đá này đã “nhỏ giọt” một lịch sử cay đắng và đẫm máu. Những người đàn ông đã khoét mắt, đổ chì nóng chảy lên đầu, hạ độc, đánh đập, chém giết lẫn nhau để theo đuổi viên kim cương này. Trong tiếng Ba Tư, từ Koh-i-Noor có nghĩa là “Ngọn núi ánh sáng” – cái tên thật mỉa mai vì lịch sử của nó vốn luôn chìm trong bóng tối. Viên đá quý nguyên thuỷ nặng đến 186 carat, có kích thước và trọng lượng bằng một quả trứng gà.
Trước khi phát hiện ra các mỏ kim cương ở Brazil vào năm 1725, tất cả kim cương trên thế giới đều đến từ Ấn Độ. Những viên đá thực sự cổ xưa, như Koh-i-Noor, được đất bồi đắp qua lớp phù sa dưới lòng sông. Không thể chắc chắn chính xác khi nào nó xuất hiện, nhưng văn hóa dân gian Ấn Độ thường kết hợp viên kim cương với một viên đá thần thoại trong kinh Hindu cổ đại. Trong đó, viên đá quý Syamantaka được cho là thuộc về Surya, thần mặt trời và có sức mạnh tiêu diệt những kẻ phàm tục không xứng đáng. Có lẽ đây chính là nguồn gốc nảy sinh ra ý tưởng về lời nguyền Koh-i-Noor.
Trong ghi chép lịch sử chính thức, Koh-i-Noor được đề cập lần đầu tiên vào đầu thế kỷ 17, khi Hoàng đế Shah Jahan ra lệnh chế tạo chiếc ngai vàng lộng lẫy nhất thế giới. Ngai vàng con công của Shah Jahan bao gồm một chỗ ngồi, mái che cùng các cây cột, và ở vị trí kiêu hãnh nhất là hai con công bằng đá quý, một trong số đó có đính Koh-i-Noor. Sau một vụ ám sát thất bại, vị Hoàng đế ngày càng trở nên bạo lực và ra lệnh làm mù mắt người thừa kế của mình – kẻ mà ông nghi ngờ đứng sau vụ phục kích bất thành. Từ thời điểm đó, ông nhanh chóng rơi vào tình trạng điên loạn, và bị chặt đầu bởi một sát thủ, dẫn đến nỗi sợ hãi về một viên kim cương bị nguyền rủa.
Koh-i-Noor sau đó đã rơi vào tay người Afghanistan dưới dạng cướp bóc, tuy nhiên nó không mang lại niềm vui cho nhà lãnh đạo khi đó là Ahmad Shah Abdali – người có khuôn mặt đang dần bị ăn mòn bởi thứ mà các nguồn tin Afghanistan gọi là “ung thư hoại tử”. Abdali đeo một chiếc mặt nạ nạm ngọc để che giấu nỗi đau của mình, nhưng cũng bị lộ tẩy khi những con giòi rơi ra từ da thịt thối rữa của ông ta. Sau 25 năm cai trị, vào năm 1772, ông bị một trong những vệ sĩ của chính mình ám sát.
Sau nhiều thăng trầm, viên kim cương đã quay trở lại quê hương Ấn Độ nhờ Maharaja (Quốc vương) Ranjit Singh vào năm 1813. Singh đã biến Koh-i-Noor thành biểu tượng cho triều đại của mình, buộc nó vào bắp tay để cả thế giới thấy rằng ông không sợ con người hay lời nguyền nào cả. Ranjit Singh cai trị đế quốc Sikh thêm 26 năm nữa, qua đời thanh thản trong giấc ngủ vào năm 1839. Tuy nhiên, những người đến sau không được may mắn như vậy. Bốn năm sau khi ông qua đời, con trai cả của Singh bị đầu độc chết, cháu trai của ông bị gạch xây đè bẹp trong một “tai nạn”. Một người con trai khác đã thiệt mạng trong một trận bắn súng. Một cháu trai và người thừa kế đã chết khi mới sinh, và một người khác bị kiếm chém chết.
Đến năm 1843, vương quốc tràn ngập máu, âm mưu và những lời bàn tán về việc Koh-i-Noor bị nguyền rủa. Năm 1849, Công ty Đông Ấn tiếp quản đế chế Lahore và cậu bé Duleep Singh – vị vua cuối cùng của Ấn Độ khi đó đã buộc phải ký hiệp ước từ bỏ vương quốc và Koh-i-Noor. Cách mà cậu bé bị tách khỏi mẹ, bị cô lập và bị cưỡng ép đã để lại vết thương khó lành trong tâm hồn người Ấn Độ. Từ đó, viên kim cương Koh-i-Noor đại diện cho sự sỉ nhục của chế độ thực dân đối với nhiều người Ấn Độ cho đến ngày nay.
“Thiện duyên” với nữ giới Hoàng gia Anh và những yêu cầu trao trả lại viên đá quý
Hành trình đến với Anh quốc của Koh-i-Noo cũng đã làm sống lại suy tưởng về một lời nguyền. Con tàu vận chuyển viên kim cương đã gặp bất hạnh. Đầu tiên, thủy thủ đoàn bị dịch tả, sau đó bị đe dọa bởi đại bác từ một hải cảng vốn được cho là thân thiện. Và cuối cùng con tàu gần như bị gãy làm đôi bởi một cơn bão dữ dội, tả tơi tiến vào Portsmouth vào ngày 30/6/1850.
Vào ngày 3/7/1850, Nữ hoàng Victoria đã trở thành chủ nhân tiếp theo của Koh-i-Noor. Hai ngày trước đó, khi viên kim cương bắt đầu lên đường tới London, một kẻ mất trí đã nhảy ra khỏi đám đông và tấn công Nữ hoàng bằng một cây gậy. Một năm sau, viên kim cương bị cắt gọt “thảm khốc” đến mức chỉ còn một nửa kích thước ban đầu nhưng lại đẹp hoàn hảo hơn. Đó chính là viên Koh-i-Noor đã đồng hành cùng Nữ hoàng Victoria trong suốt triều đại của mình. Kể từ đó, không có vị Quốc vương Anh nào khác làm như vậy, chỉ có các Nữ hoàng và Vương hậu được nhận “trọng trách” đội vương miện có đính Koh-i-Noor. Cũng trong khoảng thời gian này, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Afghanistan và thậm chí cả Taliban vẫn đưa ra yêu cầu trao trả lại viên đá quý.
Vào năm 2016, Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge đang có chuyến thăm Ấn Độ và một phóng viên đã hỏi liệu họ có muốn trả lại viên kim cương Koh-i-Noor để thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp hơn hay không. Trong sự bối rối, Tổng chưởng lý Ấn Độ nói rằng không có vấn đề gì về việc trả lại, vì viên kim cương được trao đi như một món quà. Tuy nhiên, các nhà sử học vào cuộc và đường lối chính thức đã thay đổi. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cho biết họ sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để khuyến khích Hoàng gia Anh trả lại viên đá quý một cách “thân thiện” nhất.
Và cho đến nay, thực tế đã chứng minh, việc Vương hậu Camilla từ bỏ truyền thống đội vương miện có đính viên kim cương Koh-i-Noor vào Lễ Đăng quang có lẽ là hành động thiện chí nhất mà Hoàng gia Anh có thể làm để đáp lại yêu cầu đòi trao trả viên đá quý nổi tiếng bậc nhất thế giới này.