Vậy là chỉ còn vài ngày nữa là lễ trao giải Oscar 2022 chính thức diễn ra trước sự háo hức mong chờ của đông đảo người hâm mộ. Tại sự kiện trao giải năm nay, ai sẽ là chủ nhân của hạng mục “Thiết kế Trang phục Xuất sắc Nhất” là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của không ít khán giả màn bạc cũng như giới mộ điệu thời trang.
Bộ phim “Cruella” kể về một trong những nhân vật phản diện vĩ đại nhất của hãng Disney là Cruella de Vil trong “101 Dalmations” (101 Chú Chó Đóm) đã gây ấn tượng mạnh với khán giả khi vừa công chiếu. Trước khi được biết đến là một kẻ hung ác bắt trộm chó để lấy lông may áo khoác thì Cruella de Vil từng là một tay lừa đảo chuyên nghiệp trong bối cảnh London những năm 70. Trong phim, nữ diễn viên Emma Stone thủ vai Cruella de Vil quái đản. Thuở thiếu thời, cô sử dụng cái tên Estella để làm nhân viên của NTK thời trang nổi tiếng Baroness Von Hellman, do Emma Thompson đóng. Để làm nên hiệu ứng thị giác hoàn hảo nhất của phim phải kể đến sự kỳ công trong khâu lựa chọn và thiết kế trang phục của NTK Jenny Beavan.
Được biết, nữ NTK vinh dự nhận được 10 lần đề cử giải thưởng của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh và mang về cho sự nghiệp thiết kế của mình hai giải thưởng danh giá cho bộ phim “Room with a View” và ” Mad Max: Fury Road”. Nói về trải nghiệm thiết kế trang phục lấy bối cảnh thập niên 70 của London trong “Cruella”, NTK Jenny Beavan không khỏi phấn khích tiết lộ rằng: “Câu chuyện quá xuất sắc, nhân vật cũng thật tuyệt. Đây chắc chắn sẽ là một thử thách thú vị và cũng có chút gì đó khác biệt đối với tôi”.
Câu chuyện tình yêu kinh điển “Cyrano de Bergerac” không thể nào lãng mạn hơn dưới sự cầm trịch của đạo diễn Joe Wright và NTK phục trang Massimo Cantini Parrini và Jacqueline Durran. Bộ phim ca nhạc của ông, được chuyển thể từ vở kịch sân khấu từ năm 1897, có sự góp mặt của nam tài tử Peter Dinklage đảm nhận vai chính. Tất cả các bộ trang phục được sử dụng trong phim đều được thiết kế độc quyền. Đặc biệt, NTK Massimo Cantini Parrini đã tự thiết kế hơn 750 bộ trang phục từ những bước đầu tiên cho đến khi hoàn thiện để phản ánh xã hội Pháp trong giai đoạn đầu những năm 1700. Để tạo nên các phối màu đậm chất tư bản xưa, nam NTK đã lấy cảm hứng từ màu nước của thế kỷ 18 cũng như trong thời trang đương đại.
“Trong các bộ trang phục, tôi luôn nhấn nhá bằng những dấu ấn hiện đại vào để từng món đồ trở nên độc nhất“, NTK Parrini tâm sự. “Thay vì mãi tái tạo lại những thiết kế từng nhìn thấy rất nhiều lần trong phim ảnh, điều này khiến tôi và khán giả cảm thấy thích thú“. Trong phim, Parrini chịu trách nhiệm chuẩn bị phục trang cho hầu hết các nhân vật, ngoại trừ Roxanne – nữ chính do Haley Bennet thủ vai – do NTK Jacqueline Durran phụ trách phần trang phục.
Bom tấn khoa học viễn tưởng “Dune” của đạo diễn Denis Villeneuve gây choáng ngợp với hơn 2.000 bộ trang phục được sử dụng trong phim. NTK Jacqueline West, người từng nhận 3 lần đề cử Oscar, hợp tác cùng NTK Robert Morgan để tạo ra các thiết kế trang phục mang đậm tinh thần tương lai cho từng thế giới riêng biệt của “Dune”. Đáng chú ý nhất phải nhắc đến bộ stillsuit phức tạp được dàn nhân vật chính mặc để sinh tồn trong điều kiện sa mạc khắc nghiệt.
“Về cơ bản, stillsuit là một trang bị sinh tồn cho môi trường khắc nghiệt của hành tinh Arrakis nhưng chúng tôi cũng phải ghi hình trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt không kém“, NTK Robert Morgan cho hay. “Do đó, chúng phải thật thoáng mát, cho phép các diễn viên dễ dàng di chuyển và diễn xuất“. Trong một buổi phỏng vấn, NTK Jacqueline West tiết lộ đã sử dụng bảng màu đơn sắc để tạo nên sự khác biệt giữa các tiểu thế giới, khiến tổng thể trở nên tự nhiên và mang tính thuyết phục cao.
Bộ phim “Nightmare Alley” dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Guillermo del Toro thu hút khán giả với tuyến nhân vật đầy màu sắc đặt trong khuôn khổ neo-noir bí ẩn nhưng mang đậm dấu ấn hiện thực. Để hoàn thiện dự án tâm huyết của mình, đạo diễn người Mexico đã hợp tác cùng với NTK Luis Sequeira để sáng tạo nên các thiết kế phục trang phù hợp với bối cảnh thập niên 40 của bộ phim.
Theo NTK, thách thức của dự án này nằm ở hai hoàn cảnh khác nhau: thế giới lễ hội bình dân và thế giới thượng lưu xa hoa của Chicago. “Thế giới lễ hội đã quay trở lại thời kỳ Hậu Suy thoái. Đây là nơi mà mọi người không có nhiều tiền, nên không có những bộ đồ thời trang thời thượng mà chỉ là đồ cũ kỹ“, NTK Sequeira chia sẻ. “Và trong thành phố, mặc dù đã hai năm trôi qua nhưng thời trang vẫn dặm chân tại vạch năm 1941. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có các nhân vật rất giàu có và vô cùng ưa chuộng phong cách“.
Paul Tazawell, chủ nhân của giải Tony Awards 2016 ở hạng mục “Thiết kế Trang phục Xuất sắc Nhất” với bộ phim “Hamilton”, là NTK da màu đầu tiên nhận được đề cử giải Oscar ở cùng hạng mục năm nay. Tazawell đã làm việc chặt chẽ với đạo diễn Steven Spielberg để đưa bộ phim “West Side Story” trở lại New York vào năm 1957.
Trong phim, Rachel Zegler thủ vai María và Ariana DeBose đóng vai Anita. NTK cũng đã đã tiết lộ chi tiết quá trình thực hiện trang phục trong phim trên tài khoản cá nhân của mình. Đối với các nhân vật nam trong phim, anh sử dụng khá nhiều trang phục làm bằng vải denim – chất liệu mang đậm hơi thở Mỹ những năm 1950 – 1960.