Những ngày vừa qua, điện ảnh Hollywood đã trở thành tâm điểm của sự chú ý khi nam tài tử Alec Baldwin vô tình trở thành thủ phạm giết người từ sự cố đạo cụ trên phim trường. Thế nhưng không chỉ riêng vụ việc của Alec Baldwin, có rất nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra trong nhiều thập kỷ qua. Dường như, mức độ nguy hiểm và rủi ro trên phim trường vẫn là một vấn đề nan giải.
Cụ thể, Alec Baldwin đã vô tình xả súng khiến 2 đồng nghiệp của ông là đạo diễn Joel Souza và đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins bị thương. Nam diễn viên sử dụng đạo cụ súng mà không hề hay biết “có đạn thật” trong quá trình thực hiện một cảnh quay của bộ phim “Rust” tại phim trường New Mexico. Joel Souza được đưa đi câp cứu tại trung tâm Y tế khu vực Christus St. Vincent ở Santa Fe. Còn Halyna Hutchins được trực thăng nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đại học New Mexico, nhưng nhà làm phim đã qua đời ngay sau đó.
Lên tiếng về việc sử dụng đạo cụ nguy hiểm trên phim trường, trợ lý đạo diễn Dave Halls của đoàn quay cho biết, súng thực hiện quay phim chỉ sử dụng băng đạn giả. Khi bóp cò, chỉ phát ra tiếng nổ, tia lửa ở nòng và có độ giật như bắn đạn thật. Anh hoàn toàn bất ngờ khi có viên đạn nóng (đạn thật) nằm bên trong khẩu súng đã trao cho Alec Baldwin.
Về vụ việc của diễn viên Alec Baldwin, phía cảnh sát sẽ tiến hành điều tra và thẩm vấn nam diễn viên sau tai nạn đáng tiếc này. Cảnh sát cho biết thêm, không có ai bị bắt trong vụ việc và không có cáo buộc nào được đưa ra. Cơ quan điều tra sẽ hỏi thêm các nhân chứng, và vụ việc vẫn đang được điều tra theo hướng tích cực.
Sau sự cố thương tâm, Baldwin bộc bạch trên Twitter: “Không lời nào có thể nói lên được sự bàng hoàng và đau buồn của tôi liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của Halyna Hutchins, một người vợ, người mẹ và người đồng nghiệp mà chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ. Tôi hoàn toàn hợp tác với cảnh sát để làm sáng tỏ vụ việc. Trái tim tôi tan nát vì chồng cô ấy, con trai của họ, và tất cả những người biết và yêu Halyna.” Đây chắc chắn là một trải nghiệm kinh hoàng đối nam diễn viên, hay thậm chí có thể khiến Baldwin gặp những vấn đề về tâm lý.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên nền điện ảnh xảy ra những tai nạn chết người trên trường quay. Hãy cùng điểm một số vụ tai nạn đáng tiếc khác đã xảy ra trong ngành công nghiệp điện ảnh tỷ đô này.
Năm 1993, nam diễn viên Brandon Lee, con trai của biểu tượng võ thuật Lý Tiểu Long đã thiệt mạng khi đang quay phim “The Crow”, khi một khẩu súng được sử dụng trên phim trường phóng một viên đạn giả đâm vào bụng anh. Độ sâu của viên đạn giả gây tổn thương một cách nặng nề không kém đạn thật, và anh qua đời ngay trên đường đi cấp cứu.
Năm 1982, một vụ tai nạn máy bay trực thăng làm thiệt mạng 3 diễn viên, 2 trong số họ là trẻ em, và làm 6 người bị thương trên phim trường “Twilight Zone: The Movie”. Sau thảm họa quay phim chấn động những năm 90, nhóm sản xuất đã thực thi nghiêm chỉnh và có trách nhiệm đối với những người lao động, đưa ra các tiêu chuẩn an toàn mới trong ngành.
Năm 2003, nữ diễn viên chính Uma Thurman bị tai nạn ô tô dập nát đầu gối trên trường quay bộ phim “Kill Bill” của Quentin Tarantino, khiến cô phải tạm dừng vai diễn của mình.
Năm 2011, một vụ nổ kinh hoàng không mong muốn khiến một diễn viên đóng thế thiệt mạng và làm hư tổn nặng nề các thiết bị, cũng như bối cảnh của bộ phim hành động “The Expendables 2” ở Bulgaria.
Năm 2014, nam diễn viên Harrison Ford (71 tuổi) phải phải phẫu thuật chân sau khi bị một cánh cửa kim loại thủy lực nặng đập vào chân trong quá trình thực hiện bộ phim “Star Wars: The Force Awakens”.
Năm 2015, nữ diễn viên đóng thế trong phim “Resident Evil: The Final Chapter” bị thương nặng trong một vụ va chạm xe máy trên phim trường, dẫn đến việc cô phải cắt bỏ cánh tay bị thương. Trong khi đó, một nam diễn viên đóng thế cũng bị kẹt chết trong gầm xe Hummer trong quá trình thực hiện một cảnh quay nguy hiểm.
Năm 2017, nữ tài xế đóng thế chết trên trường quay trong bộ phim siêu anh hùng “Deadpool 2” sau khi cô bị mất kiểm soát xe mô tô trong một pha đua tốc độ cao và đâm xuyên qua cửa sổ của một tòa nhà bên kia đường.
Chia sẻ với tờ báo The Conversation, hai nhà làm phim Christopher Gist và Sarah Mayberry – những người đã có dày dạn kinh nghiệm trong việc thực hiện cảnh quay với các đạo cụ nguy hiểm nói rằng, khi sử dụng súng cho một cảnh quay, đoàn phim sẽ luôn có một nhân viên trang bị vũ khí và một nhân viên đảm bảo an toàn và một diễn viên đóng thế. Dù là súng đạo cụ không ráp đạn, thế nhưng trước khi quay, diễn viên cũng nên bắn vào khoảng không để tránh rủi ro.
Christopher nói thêm: “Tất cả các quy tắc xung quanh việc sử dụng súng đều cần phải được tập luyện thuần thục. Đặc biệt, khi một người diễn viên đảm nhận cảnh quay với đạo cụ nguy hiểm, người quản lý trong đoàn phim phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm sự an toàn của họ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải quan sát, kiểm tra xung quanh phim trường xem có ảnh hưởng đến cư dân sống ở đó hay không.”
“No Film School”, cộng đồng các nhà làm phim và sản xuất video trên toàn thế giới, khuyên các nhân sự trong nghề nên tuân thủ phòng cháy chữa cháy bằng cách xác định các lối thoát hiểm từ các tòa nhà trong trường hợp có hỏa hoạn xảy ra. Họ cũng khuyên các nhà làm phim nên xác định vị trí và tách các mạch điện để tránh những nguy hiểm tiềm ẩn do nổ cầu chì.
Antonio Maestas (Nghị sĩ bang New Mexico, Mỹ, và là một luật sư) đã gợi ý rằng các công ty sản xuất có thể nghĩ đến việc sử dụng các hiệu ứng hậu kỳ như âm thanh, ánh sáng để lồng ghép vào những cảnh bắn súng nguy hiểm. Đó là cách duy nhất để thực sự đảm bảo điều này không bao giờ xảy ra nữa.