Từ một cậu bé có niềm đam mê mãnh liệt với thời trang, thích may đồ giấy cho búp bê mặc, Yves Saint Laurent trở thành một trong những nhà thiết kế quyền lực nhất địa hạt thời trang. Đằng sau các sáng tạo mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần gợi cảm mang đậm tính nữ quyền của Saint Laurent là nguồn cảm hứng bất tận đến từ các nàng thơ đã đồng hành cùng ông suốt hành trình sáng tạo.
Ngoài việc thành công xây dựng một đế chế thời trang cao cấp riêng mang tên mình, Saint Laurent còn là một trong những NTK trẻ nhất đưa kỹ thuật may đo thủ công vào các thiết kế đồ xa xỉ. Là một trợ lý thạo việc của NTK huyền thoại Christian Dior và cũng là một đối thủ xứng tầm của “phù thủy làng mốt” Karl Lagerfeld, Saint Laurent đã tạo nên một cuộc cách mạng với những tiêu chuẩn mới cho thời trang thế giới và được đánh giá là một trong những nhà mốt xuất sắc nhất mọi thời đại. Cùng với sự hỗ trợ của Pierre Bergé, quản lý tài chính tại Yves Saint Laurent, và những nàng thơ của mình, ông đã làm nên một di sản thời trang đồ sộ, góp phần đưa Yves Saint Laurent (sau này khi Hedi Slimane đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo, nhà mốt Pháp sử dụng tên Saint Laurent) trở thành thương hiệu hàng đầu được các tín đồ chuộng mốt săn đón.
Cùng Đẹp nhìn lại hành trình sáng tạo của NTK lừng lẫy Saint Laurent và các nàng thơ truyền cảm hứng cho các BST của Saint Laurent.
Victoire Doutreleau là một người mẫu Pháp quen thuộc trong các show diễn của Christian Dior vào đầu những năm 1950. Sau đó, cô đầu quân về ngôi nhà thời trang Yves Saint Laurent không chỉ với tư cách là một trợ lý mà còn là một người bạn vô cùng thân thiết của Giám đốc Sáng tạo Saint Laurent. Có lẽ chính vì thấu hiểu và kết hợp ăn ý với nhau trong mọi việc, Doutreleau được xem là nàng thơ thời kỳ đầu và là hình tượng người phụ nữ hoàn hảo mà thương hiệu muốn hướng đến.
Thừa hưởng thẩm mỹ nghệ thuật thiên bẩm từ bố là danh họa nổi tiếng bậc nhất thế kỷ 20 Pablo Picasso, Paloma Picasso trở thành nhà thiết kế thời trang, nghệ nhân kim hoàn của Tiffany & Co và là một nữ doanh nhân thành đạt. Đương thời, cô cũng là một trong những cái tên nổi bật nhất trong nhóm bạn thân và nàng thơ của NTK Saint Laurent. Đến những năm 1970 khi thời trang bước vào một kỷ nguyên mới, Paloma chính là “bóng hồng” truyền nguồn cảm hứng sáng tạo cho Laurent ra mắt BST “Scandal” (1971).
“Nàng thơ vượt thời gian của Saint Laurent” Betty Catroux từng là người mẫu của Chanel. Nhưng sau đó, cô nhận thấy các sáng tạo của nhà mốt Pháp này không thể hiện được cá tính cũng như gu thời trang của mình. Sau này, cô cảm thấy bản thân, từ ngoại hình, vóc dáng, phong cách cho đến cấu trúc khuôn mặt, đều rất giống Saint Laurent. NTK lỗi lạc này cũng từng gọi Betty là “người em song sinh” của ông. Cả hai thân thiết đến mức cùng nhau đi du lịch, dự tiệc và luôn xuất hiện cùng nhau ở nhiều sự kiện. Có thể nói, Betty Catroux chính là chất xúc tác hoàn hảo để Saint Laurent sáng tạo nên các thiết kế pha trộn giữa sự nữ tính và nam tính như tuxedo, quần âu và đồ jumpsuit.
Deneuve và Laurent gặp nhau vào năm 1966 khi ghi hình bộ phim “Belle de Jour”. Sau đó, cả hai trở thành cặp đôi huyền thoại khi đã thắt chặt mối lương duyên giữa thời trang và điện ảnh. Cô cũng được xem là “mẹ đỡ đầu” của các BST Ready-to-wear Rive Gauche nhờ sở hữu vẻ đẹp vô cùng cuốn hút và thanh lịch. Mặc dù Deneuve và Laurent đều là những người bạn thân thiết nhưng trong công việc sáng tạo, họ là các đối tác tâm huyết trong công việc.
Nàng thơ, nhà thiết kế nữ trang cao cấp Loulou de la Falaise lần đầu gặp Saint Laurent vào năm 1968 và tạo động lực cho ông mạo hiểm hơn trong thời trang. Phong cách boho bất cần cùng tư tưởng tự do của cô đã mang đến nguồn năng lượng tích cực cho Laurent cũng như trong hoạt động sáng tạo. Falaise là người tạo cảm hứng cho Saint Laurent thiết kế nên bộ tuxedo dành cho nữ giới đầu tiên trong BST “Le Smoking” trứ danh và thiết kế áo sơ mi xuyên thấu hết mực gợi cảm.
Quả thật trên sàn diễn thời trang của những năm 1960 và 1970 không có nhiều người mẫu da màu. Saint Laurent là NTK đầu tiên phá vỡ sự quen thuộc của sàn diễn đầy ắp những người mẫu da trắng lúc bấy giờ bằng việc chọn một nàng thơ da màu sải bước giới thiệu BST Haute Couture của mình. Người đep Martinique – Mounia – trở thành nàng thơ của Saint Laurent từ năm 1978 và cũng là người mẫu da màu đầu tiên trên sàn catwalk Haute Couture danh giá.
Marine Schiano bắt đầu làm việc tại cửa hàng thời trang nam của Yves Saint Laurent vào năm 1971 và sau đó nắm giữ vị trí phó chủ tịch của nhà mốt. Cô là người đứng sau thành công của việc đưa dòng nước hoa Opium của Saint Laurent phổ biến rộng rãi ở New York. Những ai biết đến Marine Schiano thường nhắc đến cô là một người nóng nảy và quyết liệt. Điều này đã giúp Schiano trở thành một nữ doanh nhân nổi tiếng trong nền công nghiệp thời trang, đảm nhận vị trí quan hệ công chúng tại Calvin Klein và là giám đốc phong cách sáng tạo tại Vanity Fair. Schiano chính là hình mẫu người phụ nữ lý tưởng cho Saint Laurent.