Tinh hoa của Urushi, nghệ thuật sơn mài lâu đời của Nhật Bản nay kết hợp với kỹ nghệ chế tác đồng hồ Thụy Sĩ tinh xảo để cùng vinh danh văn hóa Việt Nam. Theo đó, 3 phiên bản cực kỳ giới hạn của chiếc đồng hồ L.U.C XP đã được ra mắt độc quyền tại cửa hàng Chopard Việt Nam, được bổ sung vào bộ sưu tập Haute Horlogerie đắt giá của thương hiệu này.
Tâm điểm của phiên bản đặc biệt này là mặt số của những chiếc đồng hồ L.U.C XP phiên bản Việt Nam được làm hoàn toàn thủ công bởi kỹ thuật sơn mài Urushi truyền thống của Nhật Bản – vang danh với việc kết hợp các bước chế tác sơn mài với chất liệu bụi vàng. Ba họa cảnh về văn hóa, lịch sử Việt Nam được thể hiện qua 3 thiết kế mặt số riêng biệt, mỗi loại được phát hành với số lượng hạn chế là 6 chiếc.
Cũng nhân dịp này, Chopard kết hợp với các nghệ nhân tài năng của công ty Việt Nam Hanoia, một chuyên gia hàng đầu khác trong lĩnh vực nghệ thuật sơn mài, để thiết kế chiếc hộp đựng xuất sắc. Mỗi tác phẩm đều lấy cảm hứng từ ba thiết kế: đồng hồ “Hoa sen và Tháp Rùa” được bảo vệ trong hộp trưng bày màu đỏ có họa tiết phù điêu mang dáng dấp hoa sen. Bản sao của bức “Chăn trâu Thổi sáo” được đựng trong hộp trưng bày màu đen với một móc cài có hình đầu trâu. Chiếc hộp mở ra để lộ một ngăn bên trái được thiết kế để giữ đồng hồ và một ngăn khác chứa chặn giấy hình con trâu sơn mài. Cuối cùng, một hộp trưng bày màu đen khác được trang trí bằng các bản khắc dát bụi vàng dành cho loạt đồng hồ tôn vinh “Phố cổ Hà Nội”. Ngay cả trước khi mở, mỗi chiếc hộp trưng bày quý giá này đều đã như báo trước sự hoàn thiện của các tác phẩm mà nó chứa đựng.
Họa cảnh đầu tiên – “Hoa sen và Tháp Rùa” – bày tỏ lòng tôn kính với ba biểu tượng của đất nước: tiền cảnh là những bông hoa sen nở rộ, biểu trưng cho mối liên kết trong văn hóa đại chúng với sự thuần khiết và thịnh vượng trong tương lai dài lâu.
Ở phía đằng xa, người xem có thể chiêm ngưỡng Tháp Rùa, công trình nằm trên một cù lao nhỏ giữa lòng Hồ Gươm – thành phố Hà Nội – nơi ghi lại chiến thắng huyền thoại trước quân Minh của người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Cuối cùng, ở phía bên trái của mặt số, là hình ảnh người phụ nữ trẻ trong tà áo dài truyền thống, được đặc tả bằng chất liệu xà cừ trắng, làm tôn lên nét duyên dáng và nữ tính cho toàn bộ bức bích họa.
Phiên bản thứ hai tái hiện bức tranh “Chăn trâu Thổi sáo” – một biểu tượng di sản văn hóa gắn liền với nền văn minh lúa nước 4.000 năm của dân tộc Việt hiện đang được UNESCO xếp hạng và công nhận. Con vật kiên trung và bền bỉ này luôn được người Việt tôn vinh và giờ đây vẫn góp phần quan trọng vào việc canh tác lúa nước.
Cuối cùng, mặt số thứ ba mang tên “Phố cổ Hà Nội” tái hiện sống động khung cảnh khu trung tâm thủ đô, nơi “chôn nhau cắt rốn” của biết bao thế hệ nghệ sĩ, văn nhân và nghệ nhân danh tiếng của Việt Nam từ thế kỷ XIII. Chính họ đã để lại cho đời sau những bí quyết thủ công, những kỹ năng chế tác mà ngày nay vẫn được Chopard trân trọng.
Kỹ thuật sơn mài Urushi đòi hỏi sự chú tâm đặc biệt đến từng chi tiết. Chỉ một số ít những nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm, những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật sơn mài Urushi mới thực sự làm chủ kỹ thuật này, và mọi động tác khéo léo của họ đều nhằm mục đích theo đuổi sự hoàn hảo. Họ xuất phát từ đức tin phải hoàn thành trọn vẹn công việc của mình và đây cũng là tôn chỉ chế tác của Chopard. Để tạo ra những mặt số quý giá này, hãng đã kết hợp cùng đối tác lâu năm Yamada Heiando, nhà cung cấp sơn mài chính thức cho hoàng gia Nhật Bản, và bậc thầy sơn mài Minori Koizumi, người đã tự tay chế tác 18 mặt số trang trí cho dòng L.U.C XP Urushi phiên bản Việt Nam.