Paris những ngày phong tỏa - Tạp chí Đẹp

Paris những ngày phong tỏa

Sống

Nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng Hollywood gần đây hay chọn Paris làm bối cảnh, và rồi hình ảnh hoang vắng, trống trải với tòa tháp Effel chọc trời sừng sững đơn chiếc bỗng chốc không chỉ còn là cảnh trong phim.

Còn đâu những nụ hôn kiểu Pháp?

Thành phố của ánh sáng và tình yêu bỗng lặng lẽ đến mức nhiều quận ở nơi này cho người ta có cảm giác như thị trấn ma. Chỉ vài tuần trước, những quán bar ngoài trời (đặc sản của Paris) và nhà hàng vẫn là nơi người Pháp gặp gỡ nhau, vườn Luxembourg không bao giờ thưa người lui tới dạo bộ, thưởng ngoạn. Ở Ivry-sur-Seine, phía Nam Paris thường luôn rất nhộn nhịp, giờ chỉ còn vài người chạy bộ quanh một công viên nhỏ, bởi công viên này cũng đã bị đóng cửa như nhiều địa điểm công cộng khác.

“La peche?” (“Ổn chứ?”) là những âm thanh trao đổi thưa thớt duy nhất vang lên giữa những người quen biết hay xa lạ khi chạy lướt qua nhau ở khoảng cách an toàn. Hoạt động thể chất là một trong những hoạt động hiếm hoi được coi như “lý do chính đáng” để người dân Paris được phép ra ngoài, dù khu vực luyện tập bị giới hạn chỉ ở xung quanh khu nhà. Ở một quận khác giữa lòng Paris, sự sống hiện diện dưới hình ảnh hàng người dài đứng chờ bên ngoài siêu thị, do phải giữa khoảng cách, sẽ chẳng có những cái hôn má “đặc sản” kiểu Pháp. Người Paris có thể lạnh lùng, nhưng hôn má vẫn luôn là một nghi thức bắt buộc. Nét văn hóa chào hỏi bỗng chốc trở nên không còn phù hợp, thậm chí nguy hiểm khi cơn đại dịch càn quét đến thành phố tình yêu.

Câu chuyện nghe có vẻ đơn giản, nhưng với người Pháp thì không hề, khi Pháp công bố lệnh phong tỏa, nhiều tờ báo Pháp như Libération, Le Figaro hay Le Parisien bên cạnh phân tích chuyên sâu về tình hình chính trị kinh tế nước nhà, không quên luận bàn nghiêm túc về những các người Pháp có thể (hay không thể) từ bỏ văn hóa chào hỏi của mình. Bởi trên tất cả, đó không chỉ là văn hóa mà còn là thói quen, rất may là phần lớn người Paris buộc phải ở nhà, khả năng chạm mặt người quen gần như rất thấp.

Ở nhà thì làm gì?

Sông Siene là địa điểm tụ tập yêu thích của người dân Paris, nhất là những ngày mùa xuân khi hoa anh đào và mộc lan đang nở rộ, thành phố Paris tràn ngập trong những tiếng mời gọi hội hè sau mùa đông dài. Nhưng sau vài ngày tuyên bố phong tỏa, hai bờ sông Siene vắng lặng. Chính phủ tiếp tục những biện pháp khuyến khích người dân ở nhà, mạng xã hội trở thành công cụ đắc lực. Kênh truyền hình nổi tiếng Pháp France Info ngay lập tức thích ứng với hashtag được lan truyền trên mạng xã hội khắp nước này #Restezàlamaison (#Hãy ở nhà) bằng cách biến nó thành giao diện chính thức trong các chương trình phát sóng trực tiếp. Người dùng mạng xã hội tăng đột biến, với lượng hình ảnh, meme, video cùng the hashtag #restezchezvous liên tục xuất hiện trên các trang mạng xã hội.

Ai đó viết trên tường của họ: “Càng tuân theo luật nghiêm chỉnh, chúng ta càng có thể sớm được ra ngoài quán bar uống cà phê sáng”, dù không phải ai cũng dễ dàng thích nghi với những luật lệ được bổ sung điều khoản hàng ngày. Vài ngày sau lệnh phong tỏa, người Paris bối rối tự hỏi: chính xác họ nên làm gì, ngoài chỉ dẫn rõ ràng duy nhất rằng nếu bạn ra khỏi nhà, bạn sẽ cần mang theo tờ đơn khai xem mình đang đi đâu. Một số điều luật còn lại tất nhiên không đủ rõ ràng với những người Pháp vốn đặc biệt quan tâm đến chính trị và luôn có cái để nói về hàm ý ngôn ngữ của họ. “Hoạt động thể chất” liệu có bao gồm “đạp xe” hay không? Người ta có thể chạy bao xa để vẫn trong phạm vi cho phép? Nếu sống cùng nhau, liệu hai người có thể đi mua đồ cùng nhau được không? Và họ, tất nhiên sẽ thắc mắc liệu mình có được hôn nhau ở chốn công cộng không? Không ai có cùng câu trả lời, trong khi cảnh sát mỗi khu vực có vẻ áp dụng luật theo cách khác nhau.

Lesley – một công dân Paris kể chuyện cô bị cảnh sát ngăn lại bởi họ cho rằng tờ đơn của cô không đủ chính đáng để ra ngoài, trong khi ở một góc đường khác, một cảnh sát khác lại nói rằng chỉ một người được phép ở trong xe hơi… Tất nhiên luật lệ đã trở nên rõ ràng hơn – và có chút nghiêm khắc hơn.

Không được thưởng hoa ngoài trời, người Paris thưởng ngoạn vẻ đẹp thành phố của họ từ những cửa sổ và ban công đầy chất thơ từ căn hộ nhà mình. Những tấm ảnh chụp Paris từ góc độ rất cá nhân ấy trở thành cách người Paris đi du lịch. Số khác chọn rời khỏi Paris ngay trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Nhiều người coi đây là dịp có lý hơn cả để tạm lánh khỏi thành phố vốn luôn gấp gáp như Paris. Và bị nhốt trong căn hộ đắt đỏ kiểu Paris không phải cách nhiều người muốn trải qua trong những ngày không phải đi làm. Bên cạnh đó, ở cùng gia đình ở thành phố khác, thậm chí làng quê nơi họ sinh ra và lớn lên, nơi có những mảnh vườn và không khí ngoài trời, dường như là lựa chọn khả dĩ hơn.

 

“Apéros” trên Skype

“Apéro” là truyền thống uống đồ có cồn trước bữa ăn cùng một vài đồ ăn vặt, nhưng với nhiều người trẻ Pháp, đây có thể là cách gọi những cuộc tụ tập chè chén, thậm chí chẳng cần dùng kèm bất cứ món phô mai hay bánh quy…

Pastis là món đồ uống phổ biến trong apéro (rượu trắng cùng món kem cassis, trái đào và quả mọng) hay rượu Campari, Apero và Vermouth. Rượu trắng ngày càng trở nên phổ biến, nhất là loại có vị ngọt hay sủi bọt, tuy nhiên, rượu đỏ lại không được coi là món uống truyền thống apéro, do thường được dùng kèm với bữa ăn. Và dù bia không thực sự tồn tại trong danh sách món uống phổ biến của nghi thức này, khoảng thời gian này chứng kiến sự “bùng nổ” của bia, dường như Paris đang tận dụng khoảng thời gian này để thưởng thức những món đồ uống không mấy phổ biến ở xứ sở rượu vang. Món ăn đi kèm truyền thống thường là phô mai, cá hồi, ô liu, bánh mì, pate, phô mai và xúc xích… giúp tăng mùi vị món đồ uống và không khiến bạn bỏ bê bữa tối.

Phong tỏa không khiến tinh thần “apéron” của người Paris suy sụp. Cách thức giao tiếp xã hội giữa những nhóm nhỏ này được thay thế bằng những phiên gặp gỡ trên Skype, khi họ cùng thưởng thức món uống và đồ ăn do mình chuẩn bị trong khi trò chuyện hay cùng xem một bộ phim nào đó. Chuyện chính trị, lịch sử, triết học, cuốn sách… tất cả những đề tài đam mê của người Pháp được luận bàn bên bàn tiệc “số”.

Rungis livré chez zous*

Chợ thực phẩm là một phần quan trọng trong đời sống người Pháp, xuất phát từ tình yêu và thái độ trân trọng ẩm thực. Khu chợ “Marché de Rungis” hay còn được biết đến là “dạ dày của Paris”, là địa điểm lui tới thường xuyên của rất nhiều người Paris trước khi đại dịch bùng nổ. Khu chợ này lớn đến 243 héc ta, ở ngay ngoài rìa Paris và thường bán nông sản tươi ngon như hoa quả, rau củ, thịt, cá và sản phẩm bơ sữa. Những phiên chợ nông dân này tất nhiên không còn có thể vận hành theo cách truyền thống như trước kia, tuy nhiên Marché de Rungis đã tìm ra cách duy trì bằng việc đưa phiên chợ hoạt động hoàn toàn trên mạng.

Theo đó, “người đi chợ” ở Paris có thể lên trang web Rungis livré chez zous (Rungis được vận chuyển đến nhà bạn) và chọn thực phẩm tươi vào giỏ của mình. Phiên chợ “ảo” không chỉ giúp người nông dân và nhà sản xuất vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay mà còn giải tỏa nhu cầu nông sản tươi của người dân vùng Ile-de-France (nơi có Paris). Nền nông nghiệp Pháp cần những phiên chợ như vậy để tiếp tục duy trì, trong khi khó có thể tưởng tượng người Pháp từ bỏ nền ẩm thực “cầu kì” của mình chỉ vì bị bế quan tỏa cảng.

Hình ảnh: My Little Paris

* Chợ Rungis ngay trước cửa nhà của bạn. 

Tác giả: Vân Anh

28/03/2020, 23:00