Mẹ ca sĩ Phương Vy kể về hành trình đối mặt ung thư: "Có khi mình bị ung thư là một điều may mắn" - Tạp chí Đẹp

Suốt 30 năm cuộc đời, mọi thứ với cô Nguyễn Thị Mai (mẹ ca sĩ Phương Vy) chỉ xoay quanh hạnh phúc của chồng con mà chưa bao giờ dám cho phép mình ngơi nghỉ. Mọi thứ sẽ chẳng đổi thay nếu một ngày cô không phát hiện điều kì lạ ở bên ngực – khoảnh khắc này khiến cô nhận ra bệnh tật, ung thư đôi khi lại là một điều may mắn trong cuộc đời mình.  

Nếu nhìn vẻ bề ngoài, cô Mai trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi ngoài 50. Giọng cô rộn ràng, gương mặt như luôn có sẵn một nụ cười. Ngay cả trong những MV hát cùng con gái – ca sĩ Phương Vy, cô cũng tạo cho người ta cảm giác đây là một người phụ nữ luôn đầy ắp sự vui vẻ. Hẳn nhờ điều đó mà cô có thể đối diện với dấu mốc mà không ai muốn có trong đời: ung thư.

ĐƯỜNG NÀO CŨNG ĐẾN ... BỆNH VIỆN UNG BƯỚU

Cách đây 4 năm, cô Mai tình cờ phát hiện dấu hiệu bất thường ở vùng ngực trong lúc tắm. “Lúc đó nó chỉ là một cái u nhỏ bằng hạt gạo. Tôi sờ bên ngực trái thì có, còn bên kia thì không”. Cái tên ung thư xẹt ngang qua đầu cô trong chốc lát nhưng nhanh chóng bị xua đi. Mấy ai nghĩ chuyện xấu sẽ xảy ra với mình, dù nó luôn đứng đầu trong diện tình nghi mỗi khi cơ thể có điểm nào là lạ.

Dù vậy, cô vẫn quyết định đi khám, để chắc rằng mình khỏe. Có điều, thay vì đến thẳng bệnh viện Ung Bướu cô lại chọn một bệnh viện tư. Như nhiều người khác, chỉ cần nhắc đến Ung Bướu cũng đủ để cô cảm thấy rùng mình. Ai cũng cố gắng né cái nơi mà nếu chấp nhận bước chân vào cũng đồng nghĩa với việc mình bị bệnh nặng, khó lòng qua khỏi.

Nhưng có lẽ, càng cố tránh thì càng phải gặp. Sau khi siêu âm, bác sĩ chỉ nói với cô một câu: “Chị có đi bệnh viện nào thì chị cũng trở về bệnh viện Ung Bướu thôi”. Niềm hi vọng nhen nhóm trước đấy như tắt dần.

“Tôi sợ rằng nếu mình có chuyện gì, không lo được cho thằng út vẫn còn đang du học… ”

Hôm đến bệnh viện Ung Bướu, cô đi cùng chồng. Chỉ cách nhau một cánh cổng sắt mà bầu không khí gần như tách biệt. Ngoài đường tấp nập, nhộn nhịp còn ở đây đầy những gương mặt nặng trĩu. Cứ mỗi lần siêu âm, thử máu rồi sinh khiết là một lần cô thấp thỏm. Hơn cả lo lắng là sợ hãi, nhưng không phải của người đang đối mặt với sinh tử của bản thân mình mà là của một người mẹ: “Tôi sợ rằng nếu mình có chuyện gì, không lo được cho thằng út vẫn còn đang du học… ”

Cái nỗi sợ khiến cô chỉ biết lầm bầm khấn “Nam mô a di đà Phật” để rồi khi cầm kết quả trên tay, cô gục khóc trên vai chồng. Còn chú gần như chết lặng, không nói được câu gì, chỉ nhìn ra phía ngoài.

Bác sĩ chỉ định, phải phẫu thuật, càng sớm càng tốt.

"SAO ÔNG TRỜI KHÔNG ĐỂ ANH BỆNH THAY EM?"

Giữa những quãng chuyện trò, cô nhắc về khoảng hai mươi năm trước. Lúc đó, cô còn làm ở tiệm đồ cưới. “Có bữa phải làm cho 5,6 cô dâu nên 1 giờ sáng tôi đã ôm thùng son phấn đi. Ông xã chở đến cửa nhà người ta rồi ngủ ngoài vỉa hè đợi, còn tôi tất tả vào trang điểm. Xong xuôi lại hối hả chạy sang chỗ khác cho kịp giờ.” Mấy tháng ngày vất vả đó như những thước phim quay chậm, đôi vợ chồng cứ lầm lũi đi qua cùng nhau, nuôi ba đứa con trưởng thành.

Ung thư đến vào thời điểm cô tưởng chừng bình yên nhất của đời mình.  

Cô cũng không hiểu lý do vì sao mình mắc bệnh. Hơn chục năm nay cô duy trì nhịp sống điều độ, tập yoga mỗi ngày, 6 tháng đi khám sức khỏe một lần, gia đình cũng không có ai bị K. “Mỗi một cái là tôi hay lo nghĩ chuyện nọ, chuyện kia hơi nhiều”, cô phỏng đoán vậy.

Điều an ủi lớn nhất đối với cô là trong suốt hai tuần trước ngày cắt bỏ ngực, chồng và các con cứ quanh quẩn bên cạnh động viên. Những hôm giật mình thức giấc lại thấy chồng đang lồm cồm bò dậy, đắp tấm mền cho cô khỏi lạnh. Hay có hôm chú trầm ngâm nói với cô: “Sao ông trời không để anh bệnh thay em…”. Vợ chồng sống với nhau mấy chục năm, đắng cay ngọt bùi gì cũng đã đi qua nhưng cái câu ấy làm cô cứ rưng rưng. Cô vỗ về chồng: “Ai bệnh thì cũng như nhau, người này cũng sẽ lo cho người kia”.

Cuối cùng cũng đến ngày cô phải vào viện phẫu thuật, hai vợ chồng lại đi cùng nhau. “Không bao giờ tôi quên giây phút mình leo lên taxi, ngoái đầu lại nhìn các con thấy đứa nào cũng khóc. Vy lúc đó đang mang thai, con gái giữa vừa sinh con tròn một tháng nên không thể cùng mẹ vào viện”, cô nhớ lại.

BƯỚC VÀO CÁNH CỬA ẤY LÀ TRỞ RA VỚI PHẦN NGỰC BỊ MẤT

Ngay cả người khỏe mạnh cứ đi ngang qua các phòng bệnh cũng đủ bị ám ảnh. Những bệnh nhân với tay, chân sưng phù rên rỉ trên giường trắng toát, mấy đứa trẻ đầu trọc lóc sau vài lần hóa trị và hành lang bao giờ cũng nóng hầm hập đầy người ngồi, nằm la liệt.

Mỗi lần nghĩ về mấy hình ảnh đó cô không khỏi hơi nhíu mày. Nó nằm ngoài những gì mà người ta có thể tưởng tượng về ung thư. Sự dày vò cả thể xác và tinh thần đến tận cùng. Giờ đây cô lại đang phải đối mặt.

Phòng chờ phẫu thuật sáng đèn từ 5 giờ sáng. Y tá gọi tên một lúc 6 người. Quá khó để người ta có thể giữ được sự bình tĩnh. “Thấy tôi chảy nước mắt, chị ngồi cạnh quay sang: ‘Khóc cái gì mà khóc, nắm lấy tay tui nè!’ Cứ vậy, những người phụ nữ xa lạ nắm chặt tay nhau, cùng đếm ‘1,2,3 không sợ! Không sợ!’ ”.

Ai trong số họ cũng đều hiểu rằng, bước vào cánh cửa ấy là trở ra với phần ngực bị mất, hoặc hơn thế nữa là cú đánh cược tính mạng của mình. Trên bàn mổ không ai có thể nói trước được điều gì.

Lúc nghe tên mình được gọi vào phòng phẫu thuật. Cô ngoảnh ra phía cửa định nhìn chồng thêm lần nữa nhưng không thấy bóng dáng. Trước đó vài phút, y tá vừa bảo chú đi mua dụng cụ y tế vẫn chưa quay lại, chỉ kịp dúi vào tay vợ lá thư của 3 đứa con. Lúc đó điều duy nhất cô nghĩ: “Chẳng may mình có chuyện gì cũng không kịp nhìn mặt ông xã…”

Cô cũng không dám mở 3 lá thư ấy, sâu thẳm trong lòng mình, cô sợ đó là lần cuối đọc thư của con.

VẤP NGÃ NHƯNG PHẢI BẬT DẬY THẬT NHANH

“Lúc mở mắt tỉnh dậy, tôi thấy chồng, con, anh em đứng quanh giường…”, cảm xúc lúc đó cô không biết diễn tả sao cho đúng. Ừ thì sống rồi nhưng cô quá mệt để có thể nói được câu gì. Khi thuốc giảm đau hết tác dụng cũng là lúc cơn đau ập đến hơn cả sự chịu đựng. Đau nhiều đến nổi có lúc cô nghĩ tiêu cực: “Nếu như chết được thì có sướng hơn không?”.

Cô ở lại bệnh viện ba ngày, đeo lủng lẳng một chiếc bình có hai ống dài được cắm sâu vào trong ngực. Cứ vài tiếng khi dịch vàng trong ngực chảy đầy bình thì phải đổ đi. Mấy bệnh nhân khác vẫn hay trêu cô bằng câu: “Lựu đạn của chị đâu rồi?”. Những lời đùa làm dịu cái bầu không khí ngột ngạt trong viện.

Ca phẫu thuật ấy thành công, cô uống thuốc 5 năm, mỗi ngày một viên vào đúng một giờ cố định. Bốn năm qua khi nhìn lại, cô nhận ra có khi mình bị bệnh là một điều may mắn. May mắn phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu để kịp chữa trị, may mắn vì mình vẫn còn có chồng con bên cạnh và hơn hết thảy, nó giúp cô sống những ngày nhẹ nhõm hơn.

“Thật sự 30 năm qua, chưa một lúc nào tôi dám nghĩ đến cái vui riêng của mình. Lúc nào cũng nghĩ đến chồng, đến con và không dám nghĩ mình được phép sung sướng”. Dù không ai bắt buộc hay đòi hỏi cô phải làm cái này, cái kia hay dành hết thời gian cho gia đình nhưng đó là cái nếp nghĩ cố hữu của phụ nữ Việt Nam.

Cô của bây giờ là biết “quẳng gánh lo đi và vui sống” giống như tựa quyển sách mà con gái Phương Vy tặng. Sáng đi tập thể dục, trưa nấu cơm, may quần áo đi diễn cho con, chiều bật karaoke hát nghêu ngao với ông xã và “chịu” đi du lịch nhiều hơn. Mặc đôi lúc nhìn vào phần ngực bị cắt cô cảm thấy hơi chạnh lòng, dù gì cô cũng là phụ nữ…

Và sau khi vượt qua biến cố cô nhận ra, điều quan trọng nhất là tinh thần phải vững vàng: “Mình yếu đuối trong hoàn cảnh nào chứ lúc bệnh tật thì phải mạnh mẽ vượt qua”.

Quote_XM_4

“CHÚNG TA LÀ CHIẾN BINH”

Vào tháng 12.2014, tạp chí Đẹp thực hiện chiến dịch “Chúng ta là chiến binh” kể câu chuyện những “chiến binh” ngoài đời thực đang ngày đêm chống lại căn bệnh ung thư quái ác. Chiến dịch đã tạo được sức lan toả mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng và cả những người nổi tiếng như đạo diễn/nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, ca sĩ Sơn Tùng M-TP, nữ diễn viên Chi Pu,… đặc biệt nữ diễn viên Hollywood Angelina Jolie cũng hưởng ứng nhiệt thành bằng cách gửi cho Đẹp những chia sẻ đặc biệt.

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 20 năm tạp chí Đẹp, ban biên tập chúng tôi quyết định tái khởi động chiến dịch “Chúng ta là chiến binh” như một lời khẳng định: tinh thần “chiến binh” ấy đã, đang và sẽ không bao giờ dừng lại, dẫu là 5 năm trước 5 năm về sau hay mãi mãi.

Hãy cùng Đẹp lan tỏa tinh thần chiến binh bất diệt theo cách thiết thực nhất: gửi câu chuyện về những “chiến binh” đời thực ở quanh bạn về cho Đẹp thông qua email: deponline@dep.com.vn. Chúng tôi tin rằng nhờ những chia sẻ của quý độc giả mà những chiến binh ấy không bao giờ đơn độc trong cuộc chiến chống lại tử thần.

Bài Mỹ Khánh Ảnh Huyền My Trương, NVCC Video Trung Hiếu Thiết kế Uyển Quân

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP