Đừng chờ cho đến khi những dấu hiệu của bệnh tự kỉ được bộc lộ rõ ràng, hãy luôn quan sát trẻ để kịp thời chữa trị càng sớm càng tốt.
Bệnh tự kỉ là mối quan tâm của mọi phụ huynh hiện nay, vì tỷ lệ trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỉ có chiều hướng tăng đều đặn kể từ năm 2000. Trong đó, các bé trai có khả năng mắc chứng tự kỉ cao gấp bốn lần bé gái. Nguyên nhân của căn bệnh này vẫn chưa được xác định cụ thể, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khuyên bậc phụ huynh hãy luôn theo dõi, phát hiện những triệu chứng bệnh tự kỉ càng sớm càng tốt. Can thiệp và điều trị bệnh sớm sẽ mang lại kết quả tốt hơn trường hợp ngược lại. Đây không phải là một dạng rối loạn mà cha mẹ nên chờ đợi và xem liệu các triệu chứng có diễn biến xấu đi hay không.
– 6 tháng tuổi: Thiếu nụ cười khi giao tiếp với mọi người, thiếu biểu cảm vui vẻ khi tương tác với mọi người và thiếu giao tiếp bằng mắt.
– 12 tháng tuổi: Không bập bẹ hoặc cố gắng tạo ra kiểu “ngôn ngữ trẻ con” và lời nói để giao tiếp với người khác, không sử dụng các cử chỉ để truyền đạt ý muốn của mình như chỉ hoặc cầm nắm, và không có phản ứng khi người xung quanh gọi tên. Khi bắt đầu tập đi, trẻ có vẻ thích ở một mình, thiếu hứng thú khi chơi với người khác, không có nhu cầu tương tác với bạn đồng trang lứa.
– 16 tháng tuổi: Không nói được lời nào. Không nỗ lực để bắt đầu giao tiếp bằng lời nói với các từ thực tế. Có thể thấy trẻ không thích học, không cố gắng tạo thành từ thông qua tiếng bập bẹ hoặc tạo ra những tiếng động nghe giống như đang nói.
– 24 tháng tuổi: Khả năng giao tiếp kém, chỉ có thể nói một vài từ rời rạc mà không thể nói hai từ liền nhau hoặc tạo một cụm từ.
1. Thiếu sót dai dẳng trong giao tiếp và tương tác xã hội kém trên nhiều bối cảnh
Những trẻ có nguy cơ mắc bệnh tự kỉ thường xuyên biểu hiện những thiếu sót, từ cách tiếp cận xã hội cho đến trò chuyện qua lại thông thường; không thể bắt đầu hoặc đáp ứng các tương tác xã hội; nhiều thiếu sót trong các hành vi giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ kém; bất thường trong giao tiếp bằng mắt và ngôn ngữ cơ thể; bất thường trong việc hiểu và sử dụng cử chỉ; thiếu biểu cảm khuôn mặt,…
Ngoài ra, trẻ cũng không thể phát triển, duy trì các mối quan hệ, thường gặp khó khăn trong việc điều chỉnh hành vi cho phù hợp với các bối cảnh xã hội khác nhau; gặp khó khăn trong việc chia sẻ hoặc kết bạn; không quan tâm đến những người xung quanh.
2. Sở thích hạn chế
Một đứa trẻ mắc chứng tự kỉ có thể sẽ rất say mê bộ Lego mà không màng đến những món đồ hoặc trò chơi khác, có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm. Phần lớn trẻ mắc bệnh này cũng có xu hướng mắc bệnh OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế). Khi chơi đồ chơi, chúng luôn muốn mọi thứ phải theo một thứ tự, kích thước hoặc những màu nhất định.
3. Hành vi lặp đi lặp lại
Một trong những hành vi lặp đi lặp lại quen thuộc của một số trẻ tự kỉ là lặp lại hoạt động rập khuôn, đập đầu vào tường hay đồ vật, vỗ tay, xoay tròn, lắc lư, chỉ dùng một số món đồ chơi, nói một vài từ nhất định. Nguyên nhân được cho là vì đa số trẻ tự kỉ thường cảm thấy bất ổn, và những hành vi lặp lại ấy được chúng mặc định là những “biện pháp xoa dịu”.
Khi bị buộc phải thay đổi thói quen, trẻ sẽ khó chịu, nhiều phụ huynh thường nghĩ tâm lý này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ phản ứng nghiêm trọng, lo lắng hay thậm chí đau khổ, đó có thể là một dấu hiệu của bệnh tự kỉ. Trẻ tự kỉ cũng cần mất vài ba tháng để thích nghi với một thói quen mới.
4. Bất thường trong giác quan
Trẻ em mắc chứng tự kỉ thường có phản ứng mạnh với tiếng ồn lớn cũng như phản ứng quá mức nghiêm trọng với một số mùi vị, ánh sáng nhất định. Ví dụ, trẻ thường biểu hiện sự thờ ơ rõ ràng với đau/nhiệt độ, luôn chăm chú nhìn vào một loại ánh sáng hoặc chuyển động tròn.
5. Khó đồng cảm với cảm xúc của người khác
Trẻ tự kỉ thường thể hiện cảm xúc khác biệt so với những người khác. Chúng thường không thể đồng cảm trước những tình huống không may của người khác. Ví dụ như khi chúng nhìn thấy bạn mình bị ngã nhưng không mảy may thể hiện cảm xúc gì. Việc chúng không phản ứng với cảm xúc của người khác không có nghĩa là chúng không có cảm giác gì, chỉ đơn giản là phản ứng của chúng khác với hầu hết mọi người. Chúng thiếu khả năng bẩm sinh của biểu hiện cảm xúc bình thường.
Do đó, khi những người khác bày tỏ cảm xúc với một người hoặc một đứa trẻ mắc chứng tự kỉ, có thể họ sẽ không có phản ứng nào cả. Dấu hiệu này thường được hiểu nhầm với việc thiếu đồng cảm, và nhiều cha mẹ thường nghĩ rằng con họ chỉ cần phát triển hơn để có thể chia sẻ với những người xung quanh. Các bậc phụ huynh thường nghĩ đây là chuyện bình thường, tuy nhiên nên biết rằng ngay cả trẻ mới tập đi cũng sẽ thể hiện nỗi buồn khi thấy người khác buồn bã, chẳng hạn như chúng sẽ khóc theo khi nghe những đứa trẻ khác khóc.