Dior đã “thâm nhập” vào thế giới của những vũ điệu ba lê với lần hợp tác cùng đoàn nghệ sĩ múa ba lê thuộc Nhà hát Opera ở Rome – quê hương của Giám đốc Sáng tạo Maria Grazia Chiuri.
Để sáng tạo ra những trang phục cho vở ba lê “Nuit Blanche” (trong đêm diễn đặc biệt “Philip Glass Evening” với 3 vở ba lê), NTK Maria Grazia Chiuri đã hợp tác cùng với nghệ sĩ múa Elenora Abbagnato – người phụ trách chính đoàn ba lê của Nhà hát Opera Rome, mang đến 16 bộ trang phục cho vở múa ba lê đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Philip Glass. Eleenora Abbagnato cũng đảm nhiệm vai trò nữ chính, bên cạnh nghệ sĩ Friedemann Vogel – nam chính, trong vở ba lê được dựng bởi biên đạo múa tài năng người Pháp Sébastien Bertaud.
Những bộ trang phục được tạo lên từ đam mê của NTK Maria Grazia Chiuri dành cho nghệ thuật múa, khai phá những định nghĩa đương đại về tính nữ và tính nam thông qua lựa chọn các chất liệu nhẹ nhàng, uyển chuyển; phù hợp với những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và thẩm mỹ của nghệ thuật múa. Chất liệu vải dệt kim và tulle được phối lớp taọ nên những bộ trang phục vừa thiết thực và vừa quyến rũ.
Quá trình thực hiện các thiết kế cho những nghệ sĩ múa
Xuyên suốt các bộ trang phục đặc sắc dành cho các diễn viên múa là những chi tiết hoa được đính thủ công tỉ mỉ. Những cánh hoa bằng lụa mềm mại mang đến vẻ đẹp lãng mạn, thể hiện tình yêu dành cho những khu vườn ngát hương thơm của ngài Christian Dior – người sáng lập thương hiệu. Đây cũng là chủ đề chính trong BST Haute Couture đầu tiên mà NTK Maria Grazia Chiuri thực hiện cho nhà mốt Dior với cương vị Giám đốc Sáng tạo.
Hai nghệ sĩ múa chính trong vở ba lê là Eleonora Abbagnato và Friedemann Vogel, mặc trang phục màu xà cừ ánh kim tinh tế. Các nghệ sĩ khác trong đoàn ba lê xuất hiện giống như lăng kính vạn hoa của những vệt màu phấn, màu xanh lá cây, vàng hoặc hồng, được phủ lên lớp vải tulle màu đen, giống như đám mây làm tăng thêm hiệu ứng của phối cảnh biểu diễn trên sân khấu.
Những chiếc váy của các nghệ sĩ múa được may 3 lớp (bằng vải tulle màu đen hoặc có màu), được tô điểm bằng những bông hoa lụa được đính thủ công tiệp màu với những bộ bodysuit. Bí quyết nhà nghề xuất chúng được thể hiện qua sự pha trộn điêu luyện của thời trang cao cấp, nghệ thuật múa và tầm nhìn sáng tạo; một dấu ấn đặc sắc của vị Giám đốc Sáng tạo của Dior luôn thể hiện qua các bộ sưu tập dành cho nữ.
Dấu ấn của đêm diễn còn phải kể đến buổi tiệc cocktail thân mật được tổ chức bởi Dior với sự tham gia của đoàn nghệ sĩ múa ba lê và những khách mời VIP, cũng như sự hiện diện của Giám đốc Sáng tạo Maria Grazia Chiuri.