Những ngày qua, dư luận cả nước vô cùng phẫn uất trước sự việc nữ sinh viên Cao Thị Mỹ Duyên (SN 1997, ở Đội 5, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) bị 5 kẻ ác nhân sát hại khi đi giao gà chiều 30 Tết. Những con thú đội lốt người đã lên kế hoạch lừa cô đến một ngôi nhà hoang để cướp, sau đó giam cầm rồi thay nhau xâm hại cô trong 2 ngày Tết, cuối cùng chúng giết cô để bịt đầu mối.
Trên trang cá nhân của mình, anh Chánh Văn – nhà báo Hoàng Anh Tú vừa lên tiếng kêu gọi các bậc phụ huynh hãy chú trọng dạy con những kỹ năng thoát khỏi nguy hiểm, phòng và tránh bị xâm hại tình dục. Đồng thời anh cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các shipper (những người chuyên làm công việc giao – nhận hàng hóa), đặc biệt là nữ giới trước những nguy cơ xấu của công việc này.
Nhà báo Hoàng Anh Tú viết:
Vụ cô gái giao gà bị sát hại ở Điện Biên quá đau lòng. Tôi thực sự không biết phải nói gì vì phẫn uất và đau đớn. Càng đau đớn hơn khi thấy nhiều kẻ vì muốn câu view, câu like mà dựng lên đủ thứ tình tiết gớm ghiếc như cô gái này đang mang thai 4 tuần rồi mẹ của cô gái vẫn lên Facebook này nọ. Tôi thấy sự độc ác ấy còn tàn nhẫn hơn chính 5 kẻ đã bắt- giết- hiếp dâm kia.
Chúng ta ai nấy đều đang vô cùng phẫn nộ. Muốn băm vằm xác 5 kẻ khốn kia. Nhưng phẫn nộ không thôi chưa đủ đâu. Chúng ta cần phải làm điều gì đó mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Để không còn những vụ tương tự thế này xảy ra nữa. Đặc biệt là với các bậc làm cha làm mẹ, chính các shiper – những người trẻ đang làm công việc giao hàng hiện nay. Hãy cùng nhau tạo nên một cộng đồng đủ mạnh, đủ rộng để bảo vệ lẫn nhau. Chẳng hạn, những ứng dụng định vị và cảnh báo khẩn cấp ngay cả khi bị tắt máy. Liệu có start-up nào tham gia vào lĩnh vực này không? Trang bị cho mỗi shiper một công cụ để tự bảo vệ mình ở cái thời đại 4.0 này?
Ngay lúc này, chính bản thân những shipper, cha mẹ cũng cần chỉ dẫn con cái mình cách để tự bảo vệ mình trước và ngay khi gặp nguy hiểm. Như:
– Luôn nghiên cứu kỹ địa điểm giao hàng trước khi đi giao hàng. Tránh tuyệt đối những địa chỉ khả nghi hoặc ngay khi gần đến địa chỉ giao hàng nên cân nhắc xem nơi đó có nguy hiểm không? Giải pháp nào nếu như gặp tình huống nguy hiểm? Nên từ chối giao hàng nếu như bị đổi địa điểm. Thông báo cho người thân – bạn bè địa điểm mình tới nếu như đó là địa điểm khả nghi – có nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
– Gặp trường hợp vào thế chẳng đặng đừng được, bị bẫy hoặc không thể đào thoát khỏi nơi nguy hiểm, hãy nhớ cho rằng sinh mạng là thứ quan trọng nhất. Hãy hèn nhất có thể trước những kẻ xấu. Không cần phải dũng cảm chiến đấu. Tuân theo mọi yêu sách của kẻ xấu để tìm cơ hội thoát thân. Thực tế cuộc sống vốn không có chỗ cho những lý thuyết cao siêu mà chỉ có sự bình tĩnh mới sử dụng được. Hãy “cung cấp” cho kẻ xấu nhiều cơ hội tốt nếu như không giết mình. Và chạy nhanh nhất có thể ngay khi có cơ hội tẩu thoát.
Việc thiếu hụt kỹ năng ứng biến với những tình huống nguy hiểm là chuyện nói mãi rồi nhưng nhiều người phải xảy ra chuyện mới quan tâm đến. Như việc con cái bị xâm hại tình dục, bị bắt nạt, bị bắt cóc. Nhiều cha mẹ chỉ quan tâm đến điểm số của con, việc con mình nói tiếng Anh ở trình độ nào hay cân nặng bao nhiêu trong khi những điều vô cùng căn bản như bị lạc thì phải làm gì, thế nào là xâm hại tình dục, làm sao để tránh nguy hiểm… thì ít cha mẹ nào dạy, thậm chí không biết dạy con thế nào. Cứ đến khi những vụ án xảy ra, cha mẹ mới bắt đầu cuống lên tìm tài liệu dạy con. Mà nào phải những chuyện như thế dạy một lần là con thuộc lòng đâu?
Nhiều lần, trên chương trình Cafe sáng với VTV3, tôi đều đã gửi gắm, kêu gọi, tha thiết mong các cha mẹ hãy trò chuyện với con cái mình nhiều hơn, hãy cùng con học hiểu nhiều hơn nữa những kỹ năng, kinh nghiệm. Cha mẹ không biết thì lên mạng Google hay mua sách về mà đọc. Phải đọc. Chứ đừng thảy sách cho con rồi bảo con tự đọc. Đừng bảo bọc con trong môi trường cái gì cũng “con không làm được đâu”. Hãy cùng con! Hãy cùng con! Hãy cùng con! Ngàn lần, vạn lần hãy cùng con!
Vụ án cô gái giao gà bị sát hại, xin hãy dùng nó để nói với con mình nhiều hơn về những nguy hiểm rình rập ngoài kia. Không phải để con sợ hãi mà là cùng con học cách ứng phó. Kiến thức tạo nên sức mạnh bảo vệ con. Nhớ đấy đừng quên!