Tranh thủ gặp bạn bè, đồng nghiệp cũ, thậm chí là tám chuyện với anh xe ôm, tôi nhận được rất nhiều câu nói: “Tết này tao/anh/chị chẳng muốn về nhà chút nào. Nhưng không về thì lại không được”. Đó là đấu tranh giữa suy nghĩ cá nhân và những lễ nghi không dễ gì phá vỡ. Khâu chuẩn bị cho Tết khiến họ ngán ngẩm. Tiền làm cả năm dành dụm chỉ một thoáng đã hết trong vài ngày Tết, lại còn suốt ngày bận bịu dọn nhà, mua sắm,… đến tận đêm Giao thừa mới thật sự được nghỉ xả hơi.
Cứ đến thời điểm này, dân tình lại nhốn nháo lên chỉ vì một chữ Tết. Nào là “Ngày vệ sinh quốc gia”, nào là “Bao giờ có lương”, “Đừng ai hỏi em chưa lấy chồng”. Các diễn đàn của mẹ bỉm sữa đầy rẫy hàng tá câu chuyện dọn dẹp, nấu nướng, mua sắm. Từ câu hỏi: “Khi nào có con?”, “Khi nào mua nhà?”… Một người còn chịu được, hàng trăm người “tấn công” khiến “sức đề kháng” dành cho Tết ngày càng cạn kiệt. Thậm chí có cô còn thốt lên: “Em thích Tết từ bây giờ đến sáng ngày 30, từ mồng Một trở đi ngày 2 lượt em phải làm cơm cúng, bê mâm từ bếp qua sảnh rồi leo 3 tầng lầu, xong rồi đổ bã trà, rửa ly rượu ngày 80 lượt khách. Tới mùng Ba hoá vàng cảm giác như đang đốt mã cho bản thân”.
Riêng các thanh niên trẻ tuổi sẽ nhận được sự quan tâm của họ hàng, người thân bằng thái độ nhiệt tình thái quá như: “Đang làm ở đâu?”, “Lương tháng bao nhiêu?”, “Có người yêu chưa?”, và đặc biệt là “Khi nào lấy chồng/vợ?”… Sự quan tâm “nhiệt tình” vô hình chung khiến các bạn trẻ ngán ngẩm mỗi khi nghĩ đến chuyện về nhà. Chẳng trách trên các diễn đàn du lịch, rất nhiều bài viết được mở đầu bằng câu: “Tết này nên đi đâu để tránh bị tra tấn chuyện tình yêu, tình báo, chồng vợ?”
Áp lực trước và trong Tết là có thật nên chẳng trách không chỉ người trẻ mà cả các gia đình đều cùng lên kế hoạch “tẩu thoát” để tìm kiếm không gian an tĩnh – nơi mà họ rời xa áp lực cuộc sống, công việc và tìm thấy bình yên. Đáng tiếc đó không phải là nơi họ gọi là “nhà” mỗi ngày và thời điểm họ rời đi lại là giây phút thiêng liêng nhất của cả năm, thời khắc tất cả cùng tề tựu bên nhau để chào đón năm mới.
Có một câu chuyện mà siêu mẫu Tuyết Lan chia sẻ khiến chúng ta phải suy nghĩ. Cô kể: “Tôi có 1 người bạn, gia đình bạn ấy rất để ý tiền trong bao lì xì nhiều hay ít, Mỗi năm đều rất mệt mỏi và nặng nề chuyện này. Mặc dù lì xì chỉ mang hình thức tượng trưng lộc may mắn đầu năm, nhưng không biết từ lúc nào trở nên nặng nề như vậy. Đó có phải một trong những lý do mọi người ghét Tết không?”.
Không thể phủ nhận, giá trị vật chất là một trong những lý do khiến nhiều người sợ Tết. Sợ bị hỏi lương tháng bao nhiêu, mua được xe chưa, khi nào mua nhà, hay những nỗi sợ tế nhị khi mọi người dò xét số tiền mình để trong bao lì xì được bao nhiêu. Người ta quên đi những khoảnh khắc vui vầy, mà chỉ nhớ những điều thực dụng đến mệt mỏi.
Có nhiều ý kiến cho rằng, thời đại mới, chẳng ai giữ quan niệm cũ kỹ rằng, Tết là phải ở nhà, chúc tết mọi người xung quanh, là phải mâm cao cỗ đầy; mà Tết là của riêng mỗi người vậy nên quyết định đi đâu làm gì trong dịp này không hề có mẫu số chung.
Thế nhưng, chẳng phải tự nhiên mà người Việt ta lại có câu cửa miệng “Vui như Tết”. Từ những ký ức xưa cũ, chợt thấy nhà nào phơi củ hành củ kiệu, bắt được hương nhang trầm thoang thoảng; lòng người lại nôn nao chờ Tết. Đêm Giao thừa các gia đình sum trước màn hình vô tuyến chờ xem Táo quân, đếm từng giây cuối cùng của những ngày Âm lịch. Rồi “ba cái mùng” lại tíu tít kéo nhau gặp gỡ họ hàng, để cùng hàn huyên những câu chuyện vui buồn của cả năm qua.
Đúng là Tết nay đã khác Tết xưa, dẫu vậy Tết vẫn luôn là chuỗi ngày thư thả với những lo toan thường nhật tạm dừng sau một năm bận rộn. Đừng để hào nhoáng vật chất khiến chúng ta quên mất rằng Tết chính là lúc cần hướng về gia đình.
Bởi cảm giác ấm áp bên người thân, lưu luyến đến từng giây phút cuối cùng còn được ở nhà vẫn đáng để đánh đổi hơn vật chất đủ đầy hay sự thoải mái ngắn ngủi nhưng vô vị. Tình cảm gia đình là thứ có tham lam nhận lấy cả đời cũng không bao giờ đủ.
Tết còn là dịp ân cần thương, ân cần yêu đặc biệt dành cho những người phụ nữ. Thương vợ, đàn ông sẽ tự nguyện giành hết phần việc nặng nhọc, không bày biện ăn nhậu quá nhiều. Thương chồng, vợ nấu hơn nhiều món ngon và giải rượu để sẵn trong những ngày chồng phải đi chúc Tết. Thương ông bà, bố mẹ; con cháu dành thời gian nhiều hơn ở bên cạnh. Chúng ta thương, yêu, quan tâm đến nhau cả năm dài, chứ đâu cần đợi đến bây giờ. Giảm bớt những lễ nghi thừa thãi đi, để Tết là những ngày ta thương nhau theo cách đặc biệt và tình cảm nhất.
Tết năm nào cũng có nhưng gia đình không phải lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta. Thay vì than vãn, phàn nàn mỗi dịp Tết đến Xuân về và tìm đủ mọi cách để “tẩu thoát” thì hãy bình thản đón Tết với tâm thế thoải mái nhất. Còn nếu đã trốn hãy trốn cùng bố mẹ người thân, như cái cách mà travel blogger Quỷ Cốc Tử lựa chọn: “Ba ngày quan trọng nhất đầu năm tôi ở nhà với gia đình. Nhưng từ mùng 4 tôi xách ba lô lên và bay, nhưng là với vợ, con gái cùng hai bà mẹ. Tôi quan niệm Tết là dịp sum vầy bởi vốn là một gã cuồng chân và đã nếm trải qua mọi cảm giác mệt mỏi, cô đơn; nên những chuyến đi giúp tôi thấu hiểu được sự quý giá của việc đoàn viên”.