2019 là một năm thành công với cả Thái Hoà và Charlie Nguyễn, khi chỉ vài tháng trước, bộ phim “Chàng vợ của em” đánh dấu sự hợp tác trở lại của họ sau 3 năm đã lọt top 5 phim Việt có doanh thu cao nhất 2018. Còn vào những ngày cuối cùng của năm 2018, bộ phim hài gia đình “Hồn papa da con gái” cũng đã kịp ra mắt, hứa hẹn mang về cho họ những thành công không thua kém “Chàng vợ của em”.
Được chuyển thể từ nguyên tác tiểu thuyết tiếng Nhật – “Papa to musume no nanokakan” (tạm dịch: Bảy ngày của bố và con gái), “Hồn papa da con gái” kể lại câu chuyện hoán thân đổi xác dở khóc dở dười giữa người bố ham chơi tên Hải (Thái Hoà đóng) và cô con gái sớm già trước tuổi tên Châu (Kaity Nguyễn đóng) vào ngày giỗ thứ tư của vợ/mẹ họ. Sự tráo đổi thân xác đã đẩy những thuẫn trong đời sống của hai cha con thành những xung đột khó có thể hoà giải, buộc họ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn.
“Hồn papa da con gái” là dự án phim điện ảnh thứ hai tại Việt Nam của đạo diễn Ochiai Ken và biên kịch Michael Thai. Trước đó, dự án đầu tiên của họ – “Vệ sĩ Sài Gòn” với sự tham gia của Thái Hoà không phải một thành công về mặt thương mại hay tính nghệ thuật. Với “Hồn papa da con gái”, lợi thế từ một kịch bản văn học có sẵn kết hợp với nhà sản xuất có “đôi tay vàng” Charlie Nguyễn và dàn diễn viên gồm những cái tên đang ăn khách là ba bảo chứng vững chắc cho việc khán giả sẽ ra rạp xem phim. Nhiệm vụ của đạo diễn và biên kịch chỉ cần làm tốt công việc của họ, để con số khán giả ra rạp xem phim không chỉ dừng lại ở chục nghìn, hay trăm nghìn.
Trên thực tế, họ đã hoàn thành, tuy chưa xuất sắc nhưng trọn vẹn nhiệm vụ của mình. “Hồn papa da con gái” có thể vẫn mắc một số lỗi cố hữu của phim Việt, nhưng về tổng thể, nó là một bộ phim mà mọi thứ đều được chăm chút kĩ càng. Kịch bản kín kẽ, các diễn viên đều tròn vai, lời thoại tự nhiên, đáng yêu và hài hước.
Với Thái Hoà, cả vai diễn “papa” và vai diễn “con gái trong lốt papa” đều không làm khó được khả năng diễn xuất của anh. Thái Hoà cho người xem thấy được đồng thời cả hình ảnh người bố lạc quan lẫn hình ảnh cô con gái đang giả vờ làm người lớn. Trong khi đó, tuy mới chỉ là vai chính thứ hai trong sự nghiệp, nhưng Kaity Nguyễn đã cho thấy tiềm năng của mình với môn nghệ thuật thứ bảy. Hình ảnh “papa trong lốt con gái” của Kaity Nguyễn vừa tràn đầy năng lượng lại vừa ương bướng– trái ngược hẳn với sự già giặn mà cô bé Châu buộc phải rèn luyện cho mình khi sống cùng một người cha quá vô tâm.
Hỗ trợ cho hai bố con nhân vật chính là dàn nhân vật phụ với những cái tên nổi tiếng như Huy Khánh, Hồng Vân, Kathy Uyên, Thành Lộc, Chí Tài… Trong “Hồn papa da con gái”, họ lần lượt là một ông thầy thể dục dễ mềm lòng, một cô hàng xóm hay bẽn lẽn nhưng hành động thì quyết liệt, một đối thủ trong công việc sẵn sàng đối đầu với “papa” mọi lúc mọi nơi… Tuy các nhân vật này không can thiệp quá sâu vào mạch phim chính, nhưng lại đẩy đưa, tạo cho bộ phim những quãng nghỉ hài hước và duyên dáng. Hoặc đôi lúc, còn có cả những tình huống “hài hước” bị dàn dựng quá trớn khiến khán giả rùng mình.
Nếu diễn xuất của diễn viên và tương tác giữa các nhân vật là điểm sẽ khiến khán giả ngay lập tức yêu thích “Hồn papa da con gái”, thì nội dung của phim lại mang đến cho họ nhiều hơn một góc nhìn. Một cô con gái quá sức lí trí và một ông bố tôn thờ bản sắc cá nhân, một văn phòng sáng tạo với nửa bên này là những nhân viên văn phòng cứng nhắc và nửa bên kia là một “sân chơi” đúng nghĩa, một bên kêu gọi trách nhiệm và sự trưởng thành, trong khi bên kia đi tìm cá tính độc nhất… Đôi lúc, “Hồn papa da con gái” tạo cho người xem cảm giác đây là trận chiến giữa hai bán cầu não – papa đại diện cho bán cầu não phải của tư duy sáng tạo, còn con gái lại là bán cầu não trái đại diện cho tư duy logic.
Cả hai “bán cầu” não ấy – hay chính hai cha con với hai tính cách quá khác biệt phải xử lí cùng một thông tin “sự mất mát người thân yêu nhất”. Tình huống buộc người này “xỏ chân” vào đôi giày của người kia, để rồi kết lại là họ có cái nhìn cảm thông và bao dung hơn về nhau thực sự không còn mới. Nhưng điều không còn mới trong những bộ phim nước ngoài lại trở nên vô cùng hài hước (và phi thực tế) khi được tái hiện lại trong một phiên bản “made in Việt Nam”. Cô con gái đi làm ở công ty của ông bố, không biết một chữ tiếng Nhật bẻ đôi nhưng vẫn tiếp đón thành công một vị khách Nhật, không có chút kinh nghiệm nào về làm sáng tạo, nhưng vẫn thuyết trình thành công một chiến dịch quảng cáo… còn ông bố trong lốt cô con gái ngay lập tức đã quên sạch những quy tắc phù phiếm mà đánh bạn với cậu học sinh cá biệt trong trường, gây ra đủ thứ rắc rối không thể tưởng tượng nổi.
Với quy mô của một phim hài gia đình, phần câu chuyện của papa trong lốt con gái xem ra thuyết phục hơn nhiều nếu đem so với câu chuyện chốn văn phòng của con gái trong lốt papa. Nếu câu chuyện papa trong lốt con gái đi thi tài năng có gây nhung nhớ đến “Em chưa 18″ có nội dung rõ ràng hư cấu, nhưng vẫn dễ dàng chấp nhận được, thì môi trường công sở được xây dựng trong bộ phim này lại quá phi thực tế, và na ná bối cảnh của một sitcom văn phòng hơn là một mô hình văn phòng thực sự. Đây quả là một thiếu sót đáng tiếc cho một bộ phim như “Hồn papa da con gái”.
Tuy nhiên, vượt qua tất cả những thiếu sót về tình tiết, thì “Hồn papa da con gái” vẫn là một bộ phim gia đình tràn đầy tiếng cười nhẹ nhàng và trong trẻo. Nó nhắc nhở người xem nhớ rằng sự bao dung và tha thứ luôn là điều cần thiết cho bất kì ai, chứ không riêng gì một cô con gái nhiều ưu tư hay một người cha vì muốn trở thành một tấm gương lạc quan cho con gái mà quên đi mất điều con gái ông cần chỉ đơn giản là một vòng tay vỗ về an ủi.